09:10, 11/10/2016

Trò lừa rao bán tiền giả trên mạng

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, các đối tượng ngang nhiên rao bán tiền giả nhằm lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, hám lợi.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, các đối tượng ngang nhiên rao bán tiền giả nhằm lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, hám lợi.


Rao bán công khai


Chỉ cần vào mạng xã hội facebook gõ cụm từ “Mua bán tiền giả”, lập tức xuất hiện hàng trăm kết quả rao bán tiền giả như: “Mua bán tiền giả uy tín”, “Mua bán tiền giả trực tiếp”… Truy cập vào tài khoản có tên: “Mua bán tiền giả online”, chủ tài khoản đăng tải rất nhiều hình ảnh được quảng cáo là tiền giả, với nhiều mệnh giá khác nhau như: 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. Tiền được bó thành từng cọc và được rao bán với những lời quảng cáo như: “… Chúng tôi chuyên phục vụ các loại tiền giả chất lượng, giống thật đến 98% để phục vụ bạn... Shop chúng tôi vừa được thành lập nên có nhiều chương trình khuyến mãi…”. Tại trang mạng xã hội cá nhân này, tỷ lệ mua một triệu tiền thật là 1 ăn 10, tức là cứ 100.000 tiền thật mua được 1 triệu tiền giả. Ngoài ra, theo quảng cáo của trang mạng này, người mua càng nhiều thì sẽ được áp dụng chương trình “khuyến mãi”!

 

Một trang mạng rao bán tiền giả công khai trên mạng facebook
Một trang mạng rao bán tiền giả công khai trên mạng facebook


Trang facebook “Mua bán tiền giả” cũng có hàng chục người theo dõi. Chủ tài khoản rao: “…Mua 1 triệu thật đổi 5 triệu giả. Sau khi nhận hàng dùng tiền giả mua thêm 300.000 card. Mua 2 triệu thật đổi 10 triệu giả. Sau khi nhận hàng dùng tiền giả mua thêm 1 triệu card…”. Các chủ tài khoản cũng không quên tư vấn người mua không nên sử dụng tại siêu thị, cửa hàng mua bán, trạm đổ xăng, ngân hàng. Phạm vi sử dụng tốt nhất là tại các quán ăn, quán cà phê, quán bar, vũ trường… Những lời quảng cáo như vậy khiến không ít người hám lợi thực hiện giao dịch, chuyển tiền theo yêu cầu.


Thử truy cập vào trang mạng “Mua bán tiền giả uy tín nhất”, chúng tôi nhắn tin ngỏ ý “hỏi mua”. Lập tức chúng tôi nhận được phản hồi: “Tỷ lệ là 1 thật ăn 10 giả. Thanh toán bằng cách cào mã thẻ điện thoại của một nhà mạng bất kỳ kèm số sê-ri. Khi nhận đủ tiền công ty sẽ cho nhân viên giao tận nơi”. Với các trang mạng rao bán tiền giả khác, phương thức thanh toán, mua tiền giả cũng tương tự như trên. Tuy vậy, khi chúng tôi tiến hành dò hỏi địa chỉ và muốn gặp trực tiếp thì tất cả những đối tượng này đều lấy lý do đây là mặt hàng nhạy cảm, không thể giao dịch trực tiếp vì sợ công an giả danh là người mua hàng.


Chỉ là chiêu lừa đảo


Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, hoạt động rao bán tiền giả trên mạng của các đối tượng thực sự chỉ là chiêu trò để “bẫy” người dân hám lợi. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, tội phạm tạo một tài khoản facebook ảo, sử dụng sim điện thoại rác để giao dịch, nhờ người quen cho mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch. Mọi thông tin về tài khoản này đều là thông tin giả. Sau đó các đối tượng tung ra mức chênh lệch hấp dẫn và cách thức giao dịch tiền giả nhanh gọn để lừa đảo những người hám lợi.


Bên cạnh việc đăng ảnh, khẳng định tiền giả giống thật đến khó tin, có trường hợp còn dùng tiền thật chụp ảnh, đăng lên và nói là tiền giả để tăng thêm niềm tin về sự giống nhau gần 100%. Có trường hợp đối tượng còn khuyến cáo cách sử dụng tiền giả để tránh bị phát hiện. Tội phạm luôn yêu cầu người mua phải đặt cọc hoặc phải mua từ 500.000 đồng tiền thật trở lên. Việc đặt cọc có thể bằng cách nạp card điện thoại hoặc chuyển qua một tài khoản ngân hàng. Tuy vậy, sau khi người mua chuyển tiền cọc hoặc nạp mã thẻ cào điện thoại, đối tượng sẽ chặn facebook và tắt điện thoại. Cuối cùng, giao dịch kết thúc, người hám lợi mất tiền cọc nhưng lại không dám tố cáo vì biết hành động đó của mình là sai trái. Đây chính là điểm yếu mà đối tượng lợi dụng để tiếp tục trò lừa đảo.


Được biết, thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã phối hợp triệt phá nhiều vụ rao bán tiền giả trên mạng. Tuy nhiên khi khám xét nhà, nơi ở của đối tượng thì chỉ phát hiện thông tin hình ảnh trong máy tính, trên tài khoản facebook, các giao dịch qua ngân hàng hoặc tin nhắn; không hề có một tờ tiền giả nào; mọi hình ảnh đăng tải tiền giả đều là sao chép từ các nguồn khác nhau trên mạng. Từ những thông tin nêu trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia giao dịch, cổ súy, phát tán hoặc đăng tải lại các thông tin rao bán tiền giả trên mạng, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.


THÀNH LONG