Dù việc bồi thường đã hoàn tất, song một số hộ ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa có đất bị thu hồi vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại. Qua xác minh nhận thấy, chính quyền địa phương đã thực hiện việc thu hồi và đền bù theo đúng quy định của pháp luật.
Dù việc bồi thường đã hoàn tất, song một số hộ ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa có đất bị thu hồi vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại. Qua xác minh nhận thấy, chính quyền địa phương đã thực hiện việc thu hồi và đền bù theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian vừa qua, hộ bà Huỳnh Thị Bích Liên và hộ ông Huỳnh Tấn Hải (cùng trú tại thôn Tây Nam 1, xã Đại Lãnh) nhiều lần có đơn khiếu nại liên quan đến vấn đề bồi thường đất. Bà Liên và ông Hải cho biết, gia đình họ có đất bị thu hồi từ năm 2013 để phục vụ cho Dự án Hầm đường bộ đèo Cả. Trong quá trình thu hồi, bồi thường và tái định cư (TĐC) có rất nhiều bất cập nên ngay từ thời điểm đó, họ đã làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, suốt từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Vạn Ninh không hề giải quyết. Bà Liên phản ánh: “Gia đình tôi có 3 thửa đất bị thu hồi, trong đó có đất trồng cây lâu năm và đất ở. Tuy nhiên, khi áp giá đền bù chỉ đền bù đất trồng cây lâu năm và đất ao hồ, như vậy là không thỏa đáng. Gia đình cũng đã đề nghị được TĐC nhưng không được chính quyền bố trí”. Còn ông Hải cho biết: “Gia đình tôi có đất bị thu hồi từ năm 2013 với tổng diện tích hơn 1.500m2. Nhưng khi bồi thường, trong hồ sơ kỹ thuật chỉ thể hiện đền bù hơn 700m2. Đã vậy, trên đất có nhà ở nhưng Nhà nước không bồi thường giá đất ở mà chỉ tính giá đất trồng cây lâu năm và không được TĐC. Điều này là không đúng với thực tế”.
Phần đất gia đình ông Hải đang khiếu nại |
Qua kiểm tra, xác minh, chúng tôi nhận thấy, phần đất mà 2 hộ đang khiếu nại đã được UBND huyện Vạn Ninh thu hồi từ năm 2013 để phục vụ cho Dự án Hầm đường bộ đèo Cả. Ngoài 2 hộ này còn có nhiều hộ khác cũng từng khiếu nại về vấn đề tương tự. Do người dân chưa nắm rõ quy trình và các quy định bồi thường, TĐC, cộng thêm hồ sơ ban đầu có những điểm chưa hoàn thiện nên đã hiểu sai vấn đề. Cụ thể, trường hợp của gia đình ông Hải, dù trong hồ sơ kỹ thuật chỉ thể hiện hơn 700m2 song thực tế tại tất cả các hồ sơ bồi thường khác đều thể hiện rất rõ việc Nhà nước đã thu hồi và bồi thường toàn bộ diện tích hơn 1.500m2 cho gia đình. Mặc dù trên đất có nhà ở nhưng thực tế diện tích bị thu hồi có nguồn gốc là đất rừng, nhà ở được làm sau năm 1993 nên không được bồi thường đất ở. Sở dĩ gia đình ông Hải không được TĐC bởi phần đất này đứng tên mẹ ông là bà Võ Thị Hiệp. Hiện nay, bà Hiệp đã có nơi ở khác ổn định nên không được xem xét TĐC.
Về trường hợp của bà Liên, ban đầu, UBND huyện muốn tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất, nên chỉ thu hồi phần đất trồng cây lâu năm, để lại phần đất ở. Sau đó, bà Liên có đơn khiếu nại. UBND huyện Vạn Ninh đã ra quyết định bổ sung, thu hồi toàn bộ diện tích, phần đất ở được tính theo đúng giá đất ở. Còn đối với vấn đề TĐC, do bà Liên cũng đã có nơi ở ổn định và nhân khẩu không nhiều nên không được xem xét. Tuy nhiên, sau đó, bà Liên vẫn căn cứ vào quyết định thu hồi và bồi thường ban đầu để làm đơn khiếu nại lên cơ quan các cấp.
Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Trường hợp khiếu nại của gia đình bà Liên và ông Hải là không có căn cứ. UBND huyện đã bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, huyện cũng xem xét một cách thấu tình đạt lý, tạo điều kiện có lợi nhất cho người bị thu hồi đất. Hiện nay, các trường hợp khiếu nại này đã được huyện giải quyết, nếu người dân không đồng ý có thể khiếu nại đến UBND tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định. |
Theo ông Trịnh Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, trường hợp khiếu nại của gia đình bà Liên và ông Hải đã được UBND xã giải quyết từ lâu. Rất nhiều lần chính quyền giải thích cho dân hiểu, song các hộ này vẫn không đồng tình. “Đúng là ban đầu khi ban hành quyết định thu hồi và bồi thường có một số câu, từ trong quyết định chưa rõ nghĩa khiến người dân hiểu sai. Nhưng sau đó, UBND huyện đã chỉnh sửa quyết định một cách chính xác. Sở dĩ cùng một loại đất giống nhau nhưng có giá bồi thường khác nhau là vì nó khác nhau về mục đích và thời gian sử dụng. Tất cả việc bồi thường phải căn cứ hồ sơ nguồn gốc đất còn lưu lại chứ không thể theo lời khai thiếu cơ sở của người có đất bị thu hồi. Các trường hợp khiếu nại kéo dài như thế này được chúng tôi rà soát rất kỹ. Trong quá trình đền bù, nguyên tắc có lợi nhất cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng nhiều khi người dân cố tình không hiểu, làm đơn khiếu nại nhiều lần”, ông Thú nói.
Được biết, hộ bà Liên và ông Hải là 2 trong số 5 hộ không chịu bàn giao mặt bằng, khiếu nại liên tục. Sau nhiều lần trả lời, giải quyết nhưng 5 hộ vẫn không chịu bàn giao đất, cuối cùng UBND huyện phải ra quyết định cưỡng chế di dời.
ĐÌNH LÂM - THẾ ANH