Tháng 8-2015, Báo Khánh Hòa có bài viết "Một vụ kiện đòi nhà kéo dài 24 năm" phản ánh vụ kiện đòi nhà từ năm 1991, đã có án phúc thẩm vào năm 2000. Hơn 13 năm sau, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao mới có quyết định tái thẩm, hủy các bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại từ đầu.
Tháng 8-2015, Báo Khánh Hòa có bài viết “Một vụ kiện đòi nhà kéo dài 24 năm” phản ánh vụ kiện đòi nhà từ năm 1991, đã có án phúc thẩm vào năm 2000. Hơn 13 năm sau, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao mới có quyết định tái thẩm, hủy các bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại từ đầu. Thế nhưng, kết quả xử sơ thẩm lại vẫn không đúng pháp luật, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng! Xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng không thể khắc phục những sai phạm của án sơ thẩm, đã tuyên hủy án sơ thẩm, tiếp tục giao cho Tòa án tỉnh xử lại...
Theo hồ sơ, năm 1970, cha mẹ bà Lưu Thị Út là ông Lưu Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Bảy có cho bà Lê Thị Nuôi ở nhờ một căn nhà vách ván lợp tôn, nền đất rộng 71,5m2 tại số 171 đường 2-4, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang. Hai bên không làm giấy tờ, cũng không hẹn thời gian trả. Năm 1986, cha bà Út qua đời. Đến năm 1991, mẹ bà Út kiện đòi nhà. Năm 1993, mẹ bà Út mất, bà Út tiếp tục kế thừa tố tụng của cha mẹ đòi tài sản thừa kế. Trong khi đó, bà Nuôi - bị đơn có nhiều lời khai khác nhau, có lúc cho rằng cha mẹ bà Út cho bà Nuôi thuê nhà, khi khác lại khẳng định họ đã bán nhà cho mình từ năm 1975. Bà Nuôi có xuất trình một giấy bán nhà viết tay lập ngày 30-12-1982 không được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, có nội dung cha mẹ bà Út thỏa thuận bán cho bà Nuôi căn nhà tôn vách ván... Bà Nuôi cho rằng, bà Út muốn lấy lại nhà thì hai bên phải thỏa thuận thanh toán tiền mua nhà năm 1975 cùng công sức của gia đình bà Nuôi đã tu bổ ngôi nhà...
Kết luận giám định chữ ký bà Nguyễn Thị Bảy trong giấy bán nhà nói trên là chữ ký giả, chữ ký ông Lưu Ngọc Châu thì chỉ nhận định “có khả năng do một người ký ra”, còn chữ viết bên mua không phải của bà Lê Thị Nuôi. Tháng 7-2000, TAND TP. Nha Trang xử sơ thẩm tuyên buộc bà Nuôi phải trả lại toàn bộ nhà đất cho nguyên đơn; hủy giấy bán nhà ngày 30-12-1982. Tháng 10-2000, TAND tỉnh sửa án sơ thẩm, công nhận việc mua bán 1/2 nhà đất theo giấy mua bán nhà lập ngày 30-12-1982 giữa cha mẹ bà Út với bà Nuôi, buộc bà Nuôi phải trả 1/2 nhà đất giao cho các đồng thừa kế của cha mẹ bà Út (do bà Út đại diện).
Tháng 8-2014, TAND Tối cao có quyết định tái thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao, với nhận định: Xét nội dung ghi số liệu kích thước trong giấy bán nhà trên giấy phát hiện có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định diện tích mua bán là 71,5m2 là chưa chính xác. Sau khi xét xử phúc thẩm, UBND TP. Nha Trang cung cấp một tài liệu mới được phát hiện làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên được coi là tình tiết mới.
Ngày 30-6-2015, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa xử buộc bị đơn phải giao trả toàn bộ nhà đất với diện tích 71,5m2 bị đơn đã ở nhờ, đề nghị tòa tuyên bố giấy bán nhà viết tay ngày 30-12-1982 do bị đơn xuất trình là vô hiệu...
Bản án sơ thẩm lần hai vẫn nhận định giấy mua bán nhà ngày 30-12-1982 về hình thức không đảm bảo theo quy định pháp luật, chỉ có chữ ký của ông Phạm Đăng, khóm trưởng xác nhận không được công chứng, chứng thực, bên mua không ký, chữ ký của bà Bảy (bên bán) là chữ ký giả. Án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi nhà cho ở nhờ của nguyên đơn, nhưng lại công nhận một phần việc mua bán lập ngày 30-12-1982 giữa ông Lưu Ngọc Châu, bà Nguyễn Thị Bảy với bà Lê Thị Nuôi. Đồng thời, buộc bà Nuôi và các con phải giao trả phần nhà đất tại 171 đường 2-4, Vạn Thắng - Nha Trang diện tích 57,8m2 cho nguyên đơn; phần diện tích còn lại 57,92m2 bị đơn được sở hữu và được mở lối đi...
Bà Út tiếp tục kháng cáo. Kết quả xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận nội dung kháng cáo với nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét trong phạm vi diện tích ngôi nhà tranh chấp mà lại căn cứ vào kết quả kiểm tra, thẩm định thực tế để đưa 115,7m2 đất vào giải quyết tranh chấp là vượt quá phạm vi yêu cầu của nguyên đơn, trái với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Án phúc thẩm còn xác định án sơ thẩm xử sai về nội dung khi công nhận hợp đồng thuộc trường hợp vô hiệu toàn bộ: “Do căn nhà tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng ông Lưu Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Bảy nên việc công nhận 1/2 hợp đồng mua bán nhà của Tòa án cấp sơ thẩm với lý do có chữ ký của một mình ông Châu trên hợp đồng là không đúng các quy định tại các Điều 232, 233 Bộ luật Dân sự 1995…”. Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ các lời khai của bị đơn và nhân chứng mà đã xác định có việc mua bán nhà giữa ông Châu, bà Bảy với bà Nuôi là thiếu căn cứ vững chắc. Bởi các lẽ trên, tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh giải quyết lại từ đầu. Và như thế, vụ án chưa thể xác định bao giờ mới có phán quyết có hiệu lực, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự? Với “điệp khúc án hủy” kéo dài lê thê, thì chắc chắn dưới con mắt của người dân, những phán quyết ấy chưa thể được xem là biểu tượng của công lý!
TƯỜNG LINH