Một hộ dân bị người khác xâm chiếm đất trái phép, tòa án đã xử buộc người xâm chiếm phải trả lại đất; nhưng đã hơn 2 năm, bản án này vẫn chưa được thi hành khiến người được thi hành án không khỏi bức xúc…
Một hộ dân bị người khác xâm chiếm đất trái phép, tòa án đã xử buộc người xâm chiếm phải trả lại đất; nhưng đã hơn 2 năm, bản án này vẫn chưa được thi hành khiến người được thi hành án không khỏi bức xúc…
Ông Nguyễn Phú Vinh trên thửa đất bị xâm chiếm trái phép |
Năm 1995, ông Nguyễn Phúc Thạnh (thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được Nhà nước giao 2ha đất tại thôn Bắc Sông Giang để trồng rừng theo chương trình PAM 4034. Đến năm 2005, do tuổi già, không còn điều kiện canh tác, ông Thạnh đã chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất này cùng cây trồng trên đó cho con trai là ông Nguyễn Phú Vinh (trú cùng thôn). Nhưng một năm sau, vợ chồng ông Cao Văn Thắng, bà Cao Thị Bướm (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung) đã khiếu nại lên UBND huyện Khánh Vĩnh đòi lại diện tích đất này. Ông Thắng cho rằng 2ha đất huyện cấp cho ông Thạnh có nguồn gốc do cha ông Thắng khai hoang để lại. Tuy đơn khiếu nại bị UBND huyện Khánh Vĩnh bác vì không có cơ sở, nhưng ngay sau khi ông Vinh thu hoạch vụ keo đầu tiên vào năm 2011, vợ chồng ông Thắng vẫn đến chiếm đất của ông Vinh để trồng bắp, đồng thời cản trở chủ đất thực hiện quyền sử dụng của mình trên thửa đất này.
Đầu năm 2012, ông Vinh kiện vợ chồng ông Thắng ra tòa để đòi đất. Theo bản án dân sự sơ thẩm số 04 ngày 27-9-2013 của Tòa án nhân dân huyện Khánh Vĩnh, vợ chồng ông Thắng phải trả lại thửa đất nói trên cho ông Vinh (nhưng theo xác minh của tòa, diện tích thực tế thửa đất tranh chấp này chỉ gần 1,2ha). Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Vinh làm đơn yêu cầu thi hành án, và ngày 16-4-2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Khánh Vĩnh đã ra quyết định thi hành bản án này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, người bị thi hành án vẫn ngang nhiên canh tác trên đất xâm chiếm khiến người được thi hành án bức xúc và khiếu nại đến nhiều cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cơ quan ngôn luận.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Vinh cho biết: “Cơ quan thi hành án đã quyết định và thông báo cưỡng chế để trả đất cho tôi lâu rồi, nhưng khi tôi đến thửa đất đó đúng thời gian theo thông báo, lại không thấy cưỡng chế. Hiện giờ, keo do ông Thắng trồng đã lớn và phủ kín trên đất của tôi, chỉ vài năm nữa là thu hoạch được, trong khi việc đòi lại đất của tôi thực tế chỉ mới thành công trên giấy!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Duy Đường - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Khánh Vĩnh cho biết, về trình tự các thủ tục thi hành bản án này đều đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế thi hành án vào đầu năm 2015, vợ chồng ông Thắng đã chống đối, lôi kéo họ hàng, làng xóm gây mất trật tự, ông Thắng còn dọa tự sát để giữ đất… Vì thế, để tránh tình huống xấu có thể xảy ra, việc cưỡng chế thi hành án đã phải tạm dừng cho đến nay. “Về mặt pháp luật, việc thi hành bản án này rất đơn giản. Nhưng do người bị thi hành án là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nên việc cưỡng chế thi hành án phải cân nhắc rất kỹ để phòng ngừa những sự việc xấu có thể xảy ra. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục ưu tiên biện pháp vận động tự nguyện thi hành án, nếu không được sẽ phải cương quyết cưỡng chế, nhưng phải cân nhắc thời điểm thích hợp nhất”, ông Đường nói.
Thiết nghĩ, mọi công dân đều phải tôn trọng pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng ngoài việc vận động, tuyên truyền để vợ chồng ông Thắng chấp hành pháp luật thì vẫn phải kiên quyết xử lý vụ việc trong một thời hạn nhất định để giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật.
NAM ANH