Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; khi tiến hành các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải thân thiện, có những phân tích phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên…
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; khi tiến hành các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải thân thiện, có những phân tích phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên… Đây là những quy định mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, có hiệu lực ngày 1-7-2016.
Tòa án nhân dân Tối cao đã có chỉ đạo khẩn trương thành lập Tòa chuyên trách trong các Tòa án, đặc biệt là Tòa gia đình và người chưa thành niên. Theo khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 01 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (có hiệu lực từ ngày 11-3-2016), Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập. Đồng thời xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì thẩm phán, thẩm tra viên phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng quy định cụ thể về thủ tục hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Theo đó, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ khi xét thấy cần thiết, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
HỒNG HÀ