11:01, 31/01/2016

Còn nhiều bất cập

Một khối tài sản được kê biên để thi hành án, quá trình lập thủ tục, chỉ duy nhất một người được thi hành án. Nhưng khi chi trả tiền, cơ quan thi hành án lại đưa đương sự của một vụ án khác vào cùng thi hành...

Một khối tài sản được kê biên để thi hành án, quá trình lập thủ tục, chỉ duy nhất một người được thi hành án. Nhưng khi chi trả tiền, cơ quan thi hành án lại đưa đương sự của một vụ án khác vào cùng thi hành...


Theo đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Tảo (21 Nguyễn Thái Học, TP. Nha Trang), trước đây, bà và bà Lâm Ái Sang (số 8 Tô Vĩnh Diện, TP. Nha Trang) có tranh chấp hợp đồng vay tài sản đã được tòa án phân xử bằng bản án số 72 ngày 18 và 19-9-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh. Theo đó, bà Sang phải trả cho bà Tảo hơn 3 tỷ đồng; đồng thời, giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với 1/2 diện tích nhà đất tại số 8 Tô Vĩnh Diện để đảm bảo thi hành án”. Ngày 4-10-2012, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Nha Trang đã ra quyết định thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã kê biên toàn bộ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất thuộc số 8 Tô Vĩnh Diện (là tài sản chung của vợ chồng ông Đoàn Hồng Ngọc, bà Lâm Ái Sang). Sau đó, ông Ngọc được quyền ưu tiên mua phần tài sản chung của bà Sang với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

 

Nhà số 8 Tô Vĩnh Diện (Nha Trang)
Nhà số 8 Tô Vĩnh Diện (Nha Trang)


Sau khi thu tiền, chấp hành viên đã thông báo cho bà Tảo về việc thanh toán tiền thi hành án. Tuy nhiên, theo thông báo này, bà Tảo chỉ được nhận hơn 300 triệu đồng, khoản tiền còn lại trong 1,4 tỷ đồng kê biên tài sản được Chi cục THADS Nha Trang thanh toán án phí và thi hành một bản án khác cũng liên quan đến bà Sang. Điều đáng nói, ngoài án phí của vụ án mà bà Tảo đang được thi hành, cơ quan thi hành án dùng số tiền này để thanh toán cho bà Hồ Thị Út (người được thi hành án của một vụ án khác với bà Sang mà Tòa án tuyên bà Sang phải trả cho bà Út hơn 7 tỷ đồng).


Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Đình Tô - Chi cục trưởng Chi cục THADS Nha Trang trả lời, căn cứ theo khoản 3 Điều 47 Luật THADS 2014, bà Tảo không phải là đối tượng ưu tiên thanh toán nên số tiền bán tài sản sẽ thanh toán cho những người được thi hành án theo tỷ lệ. Do đó, khiếu nại của bà Tảo không có cơ sở.


Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy, đúng là theo quy định của Luật THADS, một khối tài sản có thể được sử dụng để thi hành nhiều vụ án khác nhau và án phí luôn là khoản được ưu tiên thi hành. Tuy nhiên, trong vụ việc này, rõ ràng còn nhiều điều bất hợp lý. Thứ nhất, cơ quan thi hành án ưu tiên thanh toán rất nhiều án phí của những vụ khác liên quan đến bà Sang nhưng không liên quan đến bà Tảo mà trước đó không đưa vào quyết định cưỡng chế khối tài sản tại số 8 Tô Vĩnh Diện. Trong khi đó, tại cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với khối tài sản này để đảm bảo thi hành án cho bản án mà bà Tảo là nguyên đơn. Thứ 2, việc đưa bà Út vào danh sách thanh toán tiền thi hành án sau khi thu được số tiền của ông Ngọc mua lại 1/2 nhà đất số 8 Tô Vĩnh Diện cũng gây nhiều tranh cãi. Bởi từ quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án, cho tới biên bản cưỡng chế kê biên tài sản đều thể hiện kê biên để đảm bảo việc thi hành án cho bà Tảo. Trong các thông báo, biên bản xử lý tài sản kê biên không hề có nội dung nào xác định bà Út là người được thi hành án hay có quyền lợi liên quan. Vậy điều này liệu đã đúng với quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 hay chưa? Được biết, trước đó, để đảm bảo thi hành án cho bà Út, Chi cục THADS Nha Trang đã tiến hành thực hiện kê biên một phần tài sản ở số 12A, 12B Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Nha Trang (cũng là tài sản chung của vợ chồng ông Ngọc, bà Sang) nhưng đến nay chưa bán được tài sản này.


Ngoài ra, tại thông báo về việc thi hành án của chấp hành viên Chi cục THADS Nha Trang khi trích dẫn điểm b, khoản 2 Điều 47 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã sửa Luật, tạo điều kiện có lợi cho bà Út. Nguyên điểm b trong luật ghi rõ: “Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó...” nhưng khi thông báo điểm này, chấp hành viên đã bỏ từ “nào thì” khiến nội dung điều luật bị thay đổi rất nhiều.  


Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, bà Đào Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã nhận được đơn khiếu nại của bà Tảo và đang thụ lý vụ việc, khi nào có kết quả sẽ thông báo cho đương sự và các bên liên quan biết. Trước mắt, Cục yêu cầu Chi cục THADS Nha Trang giải trình vấn đề này”.


Đình Lâm


 



Luật sư Nguyễn Hồng Hà cho rằng: “Thanh toán như vậy là không đảm bảo lẽ công bằng và thi hành không đúng quyết định, bản án có hiệu lực. Ngay trong giai đoạn sơ thẩm vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” bà Tảo là nguyên đơn được quyền và đã thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa 1/2 nhà đất của bị đơn là bà Sang để đảm bảo xét xử và thi hành án. Vì thế, nếu ai đó cho rằng bà Tảo phải có yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản để đảm bảo thi hành nghĩa vụ theo đúng nội dung bản án tuyên thì mới được ưu tiên thanh toán thì đó là yêu cầu  bất khả thi vì pháp luật tố tụng không cho phép. Trên thực tế và pháp lý, để có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà Tảo phải có đơn, phải đóng tiền đảm bảo. Nếu yêu cầu không đúng thì số tiền này sẽ bị xử lý theo quy định. Thực tế, tòa án đã duy trì quyết định khẩn cấp tạm thời phong tỏa 1/2 tài sản của bà Sang để đảm bảo việc xét xử và thi hành án vụ bà Tảo. Vì vậy, để đảm bảo tính công minh rất cần sự giải quyết toàn diện, khách quan của Cục trưởng Cục THADS tỉnh “.