11:01, 22/01/2016

Tội ác của đứa con nghịch tử

Từ vụ án giết người ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện một sự thật kinh hoàng của đứa con nghịch tử.

Từ vụ án giết người ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện một sự thật kinh hoàng của đứa con nghịch tử.


Cuộc vây bắt trong rừng sâu


Chiều tối ngày 27-11-2000, Phòng Cảnh sát điều tra (PC16) Công an tỉnh nhận được tin báo của Công an huyện Khánh Vĩnh: tại thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú vừa xảy ra một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là bà Ngô Thị Ba (sinh năm 1956, trú huyện Diên Khánh) - chủ một rẫy sản xuất tại thôn Sơn Thành, đã bị hung thủ dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu làm tử vong tại chỗ. Theo nhiều nhân chứng thì hung thủ chính là kẻ làm thuê cho gia đình bà Ba tên là Tuấn, ở tỉnh Phú Yên, sau khi gây án đã bỏ trốn lên núi.

 

Lê Văn Chiến
Lê Văn Chiến


Ông Trần Văn Bé chồng của nạn nhân kể lại, gia đình ông mới thuê Tuấn coi rẫy được khoảng nửa tháng và không hề xảy ra mâu thuẫn. Sáng 27-11, ông Bé tổ chức cúng rẫy vì hôm đó cũng là ngày thu hoạch bắp cuối cùng. Gia đình ông thuê hơn chục nhân công, chủ yếu là phụ nữ người đồng bào Raglai đến tỉa bắp. Buổi trưa mọi người đều ăn uống vui vẻ. Tuấn và ông Bé còn uống với nhau mấy xị rượu, sau đó tất cả khẩn trương làm việc vì sợ chiều sẽ mưa. Khi ông và những người làm đang tập trung công việc thì xảy ra chuyện.


Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu, lực lượng công an xác định hung thủ vẫn còn lẩn trốn trong rừng, chưa thể đi xa. Vì thế, gần 100 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an, cùng lực lượng dân quân, thanh niên xung kích các xã quanh vùng và một đại đội bộ đội công binh đang làm đường ở công trường gần đó được huy động vào cuộc truy bắt hung thủ.


Thượng tá Hoàng Tuấn Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khi đó là Đại úy, Đội trưởng Đội án Hình sự I được giao chỉ huy công tác truy bắt cho biết: Thời điểm ấy là mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, dốc núi trơn trượt. Tuy vậy anh em chẳng nề hà, bởi nếu chậm trễ để hung thủ trốn mất thì việc điều tra sau này sẽ rất khó khăn. Bà con các dân tộc ở quanh vùng rất nhiệt tình. Họ dẫn đường, cung cấp các thông tin, lo cơm nước cho lực lượng truy bắt, nhưng vẫn chưa thấy tung tích của kẻ thủ ác.


Chiều tối 29-11, hai cha con ông H.T người dân tộc Raglai đi rừng về đã cung cấp một tin rất có giá trị: “Tại một căn chòi hoang ở trên núi lâu nay không hề có người ở, vậy mà hôm nay khi đi qua, định nghỉ chân thì chúng tôi nhìn thấy một đống tro nhỏ, sờ vẫn còn thấy ấm, chứng tỏ vừa có người ở đó”. Ngay lập tức, Đại úy Ngọc triển khai các biện pháp tiếp cận căn chòi. Dưới sự dẫn đường của ông T., các trinh sát sau gần 8 giờ đồng hồ băng rừng, vượt núi, dưới làn mưa xối xả đã tiếp cận được căn chòi hoang. Nghe tiếng động, một thanh niên quần áo rách nát đang nằm ngủ vùng dậy, tay với theo cây rựa để chống trả. Bằng những thế võ điêu luyện, Đại úy Ngọc và trinh sát đặc nhiệm Nguyễn Mạnh Cường đã nhanh chóng áp sát và bắt được y. Trong chòi khi ấy, các trinh sát còn phát hiện một con rắn hổ trâu nặng gần 10kg đã bị đối tượng giết chết treo lên để hong khô làm đồ ăn. Lúc này, gã thanh niên cúi đầu khai nhận là Tuấn - kẻ đã chém chết bà Ba.


Tội ác man rợ


Tại cơ quan điều tra, Tuấn tỏ ra lì lợm, chỉ khai nhận mình tên Lê Văn Tuấn, sinh năm 1969, quê ở huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hắn chém chết bà Ba vì bà “dám” la mắng người yêu của mình là Cao Thị H. Do Tuấn không có giấy tờ tùy thân, lại nghi ngờ lời khai của Tuấn nên một tổ công tác đã lên đường đi đến Phú Yên. Tại đây, sự thật kinh hoàng về tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này đã dần hé lộ. Lê Văn Tuấn chỉ là tên giả mạo, còn tên thật của y chính là Lê Văn Chiến (sinh năm 1969, trú xã Hòa Sơn Đông, huyện Tuy Hòa).


Thời điểm này, Công an huyện Tuy Hòa vẫn còn giữ lá đơn được gửi từ ngày 13-8-1997, tố cáo hành vi phạm tội kinh hoàng của Lê Văn Chiến. Lá đơn dài 5 trang giấy do chính mẹ của Chiến là bà Phạm Thị H. (sinh năm 1944) viết tay cùng với chữ ký của các thành viên trong gia đình. Có được những thông tin này, các điều tra viên đã đấu tranh với Tuấn và y đã phải cúi đầu khai nhận tên thật là Lê Văn Chiến cùng hành trình tội ác của mình.


Chiến là con cả trong một gia đình có 6 anh chị em.  Học hết lớp 6, y bỏ học, đi lang thang với bạn bè xấu, thường xuyên gây gổ, ẩu đả với hàng xóm. Năm 1994, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định bắt buộc lao động tập trung đối với Chiến trong thời gian 24 tháng về hành vi nhiều lần đánh người gây thương tích. Chưa đầy 30 tuổi, Chiến đã có tới 3 người vợ và 2 đứa con. Những người vợ của y đều bỏ đi vì không thể chịu đựng được thói vũ phu của chồng. Năm 1996, do không thể chịu đựng được thói côn đồ ngỗ ngược của Chiến nên mẹ y phải để lại ngôi nhà hương hỏa ở xã Hòa Sơn Đông cho y rồi về xã Hòa Hiệp Nam dựng nhà ở tạm. Lúc 22 giờ ngày 6-8-1997, sau một chầu nhậu cùng đám bạn, Chiến không về nhà mà đến nhà mẹ đẻ. Lúc này, bà H. đang nằm ngủ cùng con gái và đứa cháu nội 7 tuổi là con của Chiến. Có men rượu trong người, thú tính nổi lên, Chiến lôi bà H. xuống bếp vừa bóp cổ vừa thực hiện hành vi thú tính. Sức vóc của một bà già không thể cưỡng nổi sức khỏe của gã thanh niên, bà H. chỉ biết đau đớn, khóc thầm chịu nhục. Sau đó, Chiến còn giật luôn đôi bông tai 5 phân vàng của bà H. mang bán và tiếp tục hành lạc với gái bán dâm. Hôm sau quay về, y còn gằn giọng “nếu bà nói ra chuyện tối qua, tôi sẽ giết”.


Không chịu nổi đớn đau, tủi nhục ở trong lòng, bà H. đã kêu 2 người em trai của Chiến đến nói toàn bộ vụ việc và viết đơn tố cáo tội ác tày đình của đứa con nghịch tử gửi lên Công an huyện Tuy Hòa. Sau đó, cả 3 mẹ con đã đánh Chiến rồi trói lại để chờ ngày mai giao cho Công an. Bị đòn đau, Chiến xin bà H. được uống thuốc độc để chết nhanh cho khỏi đau đớn. Bà H. trong lúc quá căm phẫn tội ác của đứa con nghịch tử đã đưa chai thuốc sâu cho Chiến uống. Uống được một ngụm, Chiến ói mật xanh mật vàng rồi lả đi. Do không có ai trông coi, nửa đêm Chiến tìm cách cởi trói, trốn ra Quốc lộ 1 rồi bắt xe vào Nha Trang.


Trốn ở Nha Trang, Chiến lấy tên là Tuấn. Hàng ngày, hắn đạp xích lô thuê ở khu vực Ga Nha Trang để kiếm sống. Trong thời gian này, Chiến sống như vợ chồng với một phụ nữ hơn mình 5 tuổi ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh và đầu tháng 11-2000, Chiến chuyển về ở nhà người này. Thấy “chú Tuấn” có vẻ “thật thà”, lại không có công việc ổn định nên vợ chồng người hàng xóm là ông Bé và bà Ba (cùng trú ở xã Diên Lạc) thương tình thuê Tuấn lên trông coi rẫy bắp ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh.


Làm ở rẫy bắp chưa được 10 ngày, Tuấn bỏ người tình ở Diên Lạc và sống như vợ chồng với một cô gái trẻ người dân tộc Raglai tên là Cao Thị H. Cô H. cũng là người làm thuê cho bà Ba. Thấy Tuấn hiện nguyên hình là gã sở khanh, đồng thời nhiều lần bắt gặp Tuấn và H.  “tâm sự” trong chòi canh rẫy nên bà Ba tỏ ra khó chịu. Trưa 27-11-2000, bà Ba tổ chức cúng rẫy và cảnh báo H. từ nay cấm tuyệt đối hai người làm chuyện “bậy bạ” ở trong rẫy. H. cũng chẳng vừa, cãi tay đôi lại với bà chủ. Bà Ba tức giận dùng cán rựa đánh vào người H. Từ trên chòi canh rẫy, thấy người yêu bị bà chủ đánh, Tuấn nhảy xuống đẩy bà Ba ngã sõng soài rồi giật lấy cây rựa chém liên tiếp nhiều nhát lên người bà làm cả hai cây rựa tụt cán. Khi biết bà Ba đã chết, Tuấn vội vàng cầm theo một cây rựa khác rồi vào rừng lẩn trốn. Sau 3 ngày truy lùng, y đã bị lực lượng công an bắt giữ.


Cuối tháng 5-2001, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án của Tuấn (tức Lê Văn Chiến) ra xét xử. Với những tội ác của mình, Chiến đã phải nhận bản án cao nhất là tử hình.


Đức Kiên