10:01, 07/01/2016

Công tác Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, yếu thế: Còn nhiều hạn chế

Công tác trợ giúp pháp lý chủ yếu là để bảo vệ công lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trong xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm của trợ giúp pháp lý là bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản của các đối tượng theo Luật trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn nhiều hạn chế bất cập.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) chủ yếu là để bảo vệ công lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trong xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm của TGPL là bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản của các đối tượng theo Luật TGPL. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn nhiều hạn chế bất cập.


Chẳng hạn, trong năm 2015, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chỉ thụ lý và phân công trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong 2 vụ hình sự, 3 vụ dân sự. Qua thống kê số lượng công việc và đối tượng thuộc diện người được TGPL trong hoạt động tố tụng cho thấy số liệu quá “nghèo nàn”. Báo cáo thành tích về công tác TGPL chủ yếu vẫn là hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa thực hiện các công việc cụ thể để bảo vệ các đối tượng được TGPL. Các đối tượng yếu thế chưa được TGPL trong quá trình tiếp cận công lý.


Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có 5 cán bộ là trợ giúp viên pháp lý và nhiều luật sư là cộng tác viên. Năm 2015, hầu như các trợ giúp viên pháp lý không tham gia hoạt động tố tụng, nguyên do không có đối tượng được TGPL trong tố tụng. Vì vậy, công tác chuyên môn của trợ giúp viên pháp lý không chuyên nghiệp, không đạt kết quả như mong đợi.


Thực tiễn có những đối tượng với hoàn cảnh khó khăn  khác nhau đã tìm đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để xin được TGPL. Nhưng do chưa phải “chuẩn nghèo”, không thuộc đối tượng nên không được TGPL… Điển hình như vụ chị N. - sinh năm 1976, ở  thị xã Ninh Hòa. Chị N. không biết chữ, sinh sống chủ yếu bằng việc mò cua bắt ốc, là nạn nhân của vụ xâm phạm tình dục trong một thời gian dài ở địa phương (từ vị thành niên đến khi trưởng thành và có hai con). Trước năm 2012, chị sống cùng gia đình là hộ nghèo (13 người), nhưng sau khi được Hội Phụ nữ hỗ trợ tiền xây nhà, chị và các con được tách hộ ở riêng, được “thoát nghèo” và chuyển sang diện “cận nghèo”! Đến năm 2014, chị N. có đơn tố cáo cha là ông H.  về  hành vi cưỡng hiếp, có tính chất loạn luân. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông H. nhưng sau đó lại khởi tố chị N. về  tội loạn luân!


Chị N. kêu oan, cho rằng cơ quan bảo vệ pháp luật không bảo vệ chị là người bị cưỡng hiếp. Việc khởi tố, truy tố và xét xử về tội loạn luân đối với chị N. như vậy là oan.

 

Các đối tượng được TGPL gồm: người nghèo (chuẩn nghèo); người có công với cách mạng; người già từ đủ 60 tuổi trở lên sống cô đơn, không nơi nương tựa; người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; trẻ em dưới 16 tuổi không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các đối tượng khác được TGPL theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.

Rõ ràng chị N. là đối tượng yếu thế trong xã hội, là nạn nhân của tội phạm tình dục, rất cần sự TGPL, bảo vệ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và đoàn thể xã hội. Thế nhưng, suốt quá trình điều tra, truy tố, chị N. không được TGPL vì “không thuộc đối tượng”!. Rất may là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phát hiện, chuyển vụ việc này cho Đoàn luật sư tỉnh và các luật sư đã tự nguyện bào chữa, bảo vệ pháp lý miễn phí cho chị N.


Kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm mới đây có đầy đủ dấu hiệu cho thấy chị N. bị truy tố oan. Vụ án phải trả hồ sơ để giải quyết lại cho đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội và làm oan người vô tội. Vụ án này cho thấy, một phụ nữ mù chữ, thiếu hiểu biết pháp luật, thuộc diện cận nghèo, nạn nhân trong vụ án xâm hại nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm nhưng không được xem là đối tượng được TGPL, như thế thì ý nghĩa của công tác TGPL, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội sẽ được hiểu như thế nào?


Qua thực tiễn công tác TGPL còn nhiều bất cập, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, mở rộng đối tượng được TGPL. Có như vậy, công tác TGPL nhà nước mới phục vụ vì công lý của người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trong xã hội.      

 
Luật sư Nguyễn Hồng Hà