Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Đây được đánh giá là điểm tiến bộ của bộ luật, góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong các hoạt động tố tụng…
Bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 đã bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa (NBC). Đây được đánh giá là điểm tiến bộ của bộ luật, góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong các hoạt động tố tụng…
Trước đây, một người bị cơ quan tiến hành tố tụng tạm giam, tạm giữ mà muốn tiếp xúc luật sư là rất khó bởi quy định pháp luật về vần đề này rất phức tạp. Người ở trong tù phải có đơn nhờ luật sư, rồi luật sư phải được cơ quan Công an cấp giấy phép thì mới được gặp gỡ thân chủ. Trong khi đó, từ khi người tù viết được đơn đến khi Công an cấp giấy phép cho luật sư là một thời gian không ngắn, các hoạt động tố tụng vẫn diễn ra nên đây cũng là khoảng thời gian dễ xảy ra các tình trạng bức cung, nhục hình… Đó là chưa kể nhiều khi cơ quan Công an cho rằng, việc có mặt của luật sư sẽ cản trở quá trình điều tra nên tìm cách gây khó hoặc kéo dài thời gian cấp giấy phép cho luật sư. Vì thế, việc BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận NBC là một bước tiến đáng kể của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 1-7-2016, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, NBC phải lập thủ tục đăng ký bào chữa. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và vào sổ đăng ký NBC, gửi ngay văn bản thông báo NBC cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ...
Tổng kết thi hành BLTTHS năm 2003, Luật Luật sư cho thấy quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận NBC là rào cản lớn đối với hoạt động tham gia tố tụng hình sự của luật sư, ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của người bị buộc tội, một trong những nguyên nhân phát sinh việc bức cung, dùng nhục hình dẫn đến án oan sai trong tố tụng hình sự. Vấn đề này gây nhiều tranh luận trong suốt quá trình xin ý kiến đóng góp của nhân dân và đại biểu Quốc hội. Dự thảo do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì chỉ chỉnh sửa theo hướng thay quy định “cấp giấy chứng nhận NBC” bằng quy định “cấp giấy đăng ký bào chữa” và rút ngắn thời hạn cấp đăng ký. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cấp giấy đăng ký bào chữa trong thời hạn 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị buộc tội kể từ khi nhận được đủ giấy tờ theo quy định của BLTTHS. Giới luật sư tranh cãi “nảy lửa” vì dự luật chưa dứt khoát cơ chế xin - cho liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận chuyển sang hình thức cấp giấy đăng ký. Việc thay thủ tục “cấp giấy chứng nhận bào chữa” sang thủ tục “cấp giấy đăng ký bào chữa” như dự thảo chẳng qua chỉ thay đổi về hình thức, không phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp. Giới luật sư kiến nghị nếu thay bằng việc đăng ký bào chữa thì khi luật sư xuất trình đủ các giấy tờ đăng ký, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành việc đăng ký cho luật sư (ghi nhận ngay vào sổ đăng ký bào chữa) mà không cần phải quy định thêm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Rất may mắn là kiến nghị có căn cứ của giới luật sư đã được sự đồng thuận cao của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, kết quả có 59,1% ý kiến đề nghị bỏ quy định cấp giấy đăng ký NBC; thay bằng quy định về thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78).
Theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLTTHS (sửa đổi) năm 2015, những trường hợp đã cấp giấy chứng nhận NBC theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì NBC tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa. Như vậy, kể từ ngày 1-7-2016, những rào cản lớn đối với hoạt động nghề luật sư trong tố tụng hình sự đã chính thức được tháo bỏ. Quy định mới này là việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Thủ tục đăng ký bào chữa
1. Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, NBC phải đăng ký bào chữa.
2. Khi đăng ký bào chữa, NBC phải xuất trình các giấy tờ sau:
a) Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
d) Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
3. Trong trường hợp chỉ định NBC thì NBC xuất trình các giấy tờ sau:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;
b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
c)Trợ giúp viên pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký NBC, gửi ngay văn bản thông báo NBC cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản...“ ( Trích khoản 1,2,3,4 Điều 78 BLTTHS (sửa đổi).