10:11, 25/11/2015

Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có đúng luật?

Khi có yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm xuất cảnh đối với đương sự.

Khi có yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), cấm xuất cảnh đối với đương sự. Tuy nhiên, không lâu sau đó cơ quan này lại hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT đã ban hành trước đó. Điều này khiến cho phía nguyên đơn không đồng tình.


Theo bà Phạm Hoàng Thúy Vy (trú thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm), bà có cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (người cùng địa phương) mượn tiền để làm ăn. Bà Tuyết cam đoan nếu có vấn đề gì thì em bà là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiện Phát (đóng tại phường Phước Long, TP. Nha Trang) sẽ đứng ra trả thay. Thấy bà Nguyệt có cơ sở khang trang, ăn nên làm ra, do đó bà Vy đã đồng ý cho bà Tuyết mượn tiền, tổng cộng là 40 tỷ đồng (từ tháng 12-2010 đến tháng 10-2012) để buôn bán sắn lát. Trong quá trình giao dịch, 2 bên thỏa thuận mức lãi suất 3%/tháng và khi nào xuất được hàng sẽ trả nợ. Song đến tháng 10-2012, bà Tuyết không có tiền để trả cho bà Vy, vì vậy bà Nguyệt đã viết giấy cam kết bảo lãnh trả nợ thay cho bà Tuyết số tiền trên.


Thực hiện cam kết, từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2013, bà Nguyệt đã trả nợ thay cho bà Tuyết với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng. Rồi từ đó đến nay, bà Nguyệt và bà Tuyết không trả nợ số tiền còn lại như đã cam kết. Do đó, tháng 7-2015, bà Vy làm đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản với vợ chồng bà Tuyết và bà Nguyệt. Sau đó, TAND huyện Cam Lâm đã thụ lý vụ án. Trong quá trình giải quyết, Tòa án nhiều lần triệu tập bà Nguyệt nhưng bà Nguyệt không có mặt. Tháng 10-2015, biết bà Nguyệt có ý định xuất cảnh, bà Vy làm đơn yêu cầu TAND huyện Cam Lâm áp dụng BPKCTT cấm xuất cảnh đối với bà Nguyệt.


Ngày 12-10-2015, TAND huyện Cam Lâm ra quyết định áp dụng BPKCTT đối với bà Nguyệt, không cho xuất cảnh trong thời hạn 4 tháng. Tuy nhiên, đến ngày 3-11-2015, TAND huyện Cam Lâm lại ra quyết định hủy bỏ áp dụng BPKCTT đối với bà Nguyệt. Ngày 8-11-2015, bà Nguyệt xuất cảnh sang Mỹ. “Bà Nguyệt là đương sự trong vụ án. Đặc biệt, vai trò của bà Nguyệt rất quan trọng trong vụ án này. Bây giờ, Tòa để bà Nguyệt xuất cảnh sang Mỹ, nếu sau này xét xử, Tòa tuyên bà Nguyệt là người phải trực tiếp trả nợ cho tôi thì tôi biết đòi ai? Chiếu theo các quy định của pháp luật, việc TAND huyện Cam Lâm hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT là không đúng” - bà Vy bức xúc.


Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - Chánh án TAND huyện Cam Lâm cho biết, ngày 12-10-2015, TAND huyện Cam Lâm ra quyết định áp dụng BPKCTT và thông báo gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấm bà Nguyệt tạm thời chưa được xuất cảnh trong thời hạn 4 tháng. Sau khi bị áp dụng BPKCTT, bà Nguyệt đến TAND huyện trình bày do công việc làm ăn nên không có mặt theo yêu cầu của Tòa, bà không cố tình trốn tránh để gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Nếu sau này phán quyết của Tòa có hiệu lực, buộc bà có nghĩa vụ dân sự thì bà Nguyệt sẽ thi hành. Sau khi thu thập lời khai của bà Nguyệt, TAND huyện Cam Lâm nhận thấy chưa có căn cứ xác định bà Nguyệt phải thực hiện nghĩa vụ dân sự nên đã ra quyết định hủy bỏ BPKCTT và thông báo giải tỏa quyết định chưa được xuất cảnh đối với bà Nguyệt. Việc hủy bỏ BPKCTT thời đối với bà Nguyệt của Tòa là đúng quy định.


Ông Thành cũng cho biết, vì bà Nguyệt có đơn khiếu nại quyết định áp dụng BPKCTT, xét thấy khiếu nại đó là đúng nên phải giải quyết, nếu không sau này thiệt hại về việc không được xuất cảnh của bà Nguyệt, Tòa sẽ phải chịu trách nhiệm.


Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 136 của Chính phủ về xuất, nhập cảnh, do bà Nguyệt là người đang chờ giải quyết tranh chấp về dân sự nên bà thuộc đối tượng không được phép xuất cảnh. Vì thế, việc TAND huyện Cam Lâm quyết định áp dụng BPKCTT đối với bà Nguyệt là đúng thẩm quyền, trình tự và phù hợp với nội dung yêu cầu của bên nguyên đơn. Vậy nhưng, sau đó cơ quan này lại ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT đối với đương sự này, với lý do “chưa có căn cứ xác định bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt phải thực hiện nghĩa vụ dân sự” trong khi vụ án chưa được xét xử (!?), điều này liệu có phù hợp quy định pháp luật? Mặt khác, tài sản tranh chấp trong vụ án này rất lớn, việc vắng mặt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể sẽ gây khó khăn và kéo dài quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tòa án.


Đình Lâm - Thế Anh