09:05, 07/05/2014

Ngành điện thiệt hại bao nhiêu?

Liên quan tới vụ án trộm điện xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đã được xét xử sơ thẩm, có nhiều cách đánh giá thiệt hại khác nhau, chênh lệch tới hàng tỷ đồng. Nguyên đơn dân sự - Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã kháng cáo.

Liên quan tới vụ án trộm điện xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đã được xét xử sơ thẩm, có nhiều cách đánh giá thiệt hại khác nhau, chênh lệch tới hàng tỷ đồng. Nguyên đơn dân sự - Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) đã kháng cáo.


1 vụ trộm, 3 đánh giá mức thiệt hại


Theo hồ sơ, Mai Xuân Nhân (sinh năm 1959, trú xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) là chủ cơ sở sản xuất nước đá tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An (Diên Khánh). Tháng 6-2010, Nhân đến gặp một người bạn ở Nha Trang than phiền việc làm ăn thua lỗ. Tại đây, Nhân được một người thợ sửa chữa điện tử tên Tý (cơ quan điều tra chưa xác định được lai lịch) bày cách trộm điện. Sau đó, Nhân đã lắp đặt một số thiết bị điều chỉnh công tơ đo đếm điện năng để trộm điện vận hành dây chuyền sản xuất nước đá cây. Ngày 28-4-2012, hành vi này bị đoàn kiểm tra của KHPC phát hiện.


Theo tính toán của KHPC, thiệt hại điện năng mà Nhân gây ra là 913.144kWh, quy đổi ra tiền là hơn 1,2 tỷ đồng.


Tuy nhiên, trên cơ sở kết luận ngày 16-10-2012 của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện lực, cơ quan điều tra lại nhận định: Nhân trộm cắp điện (từ ngày 5-10-2010 đến 28-4-2012) gây thiệt hại sản lượng điện năng của KHPC là 491.267kWh, trị giá thành tiền hơn 1 tỷ đồng. Nhân cũng khai nhận đã trộm cắp từ tháng 10-2010 tới ngày bị phát hiện và gia đình đã tự nguyện giao nộp hơn 800 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã giao số tiền này cho KHPC tạm thời quản lý. Bản kết luận điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh cũng giữ nguyên con số thiệt hại là hơn 1 tỷ đồng.


Sau khi VKSND tỉnh có quyết định chuyển vụ án đến VKSND huyện Diên Khánh để truy tố theo thẩm quyền, ngày 10-11-2013, VKSND huyện Diên Khánh đã truy tố Nhân về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 138 Bộ Luật Hình sự. Cáo trạng nêu: “Đối với hành vi trộm cắp điện năng của Mai Xuân Nhân từ trước ngày 27-3-2012, không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, việc tháo dỡ công tơ 96647967 không có biên bản thu giữ, không có niêm phong nên không đủ cơ sở để chắc chắn kết luận định lượng của giám định là chính xác”. Thời gian tính bồi thường là từ ngày thay công tơ gần nhất đến ngày bị phát hiện hành vi trộm cắp điện (33 ngày, từ 27-3 đến 28-4-2012), số tiền thiệt hại hơn 58 triệu  đồng. Ngày 22-1-2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diên Khánh cũng đã tuyên phạt Nhân 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo và buộc bồi thường thiệt hại hơn 58 triệu đồng, yêu cầu KHPC trả lại hơn 742 triệu đồng (khấu trừ vào số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục).


Ngành điện thiệt hại bao nhiêu?


TAND huyện Diên Khánh cho rằng: Ngày 27-3-2012, KHPC tổ chức kiểm tra tháo gỡ thay công tơ điện định kỳ, Công ty đã mang về tự quản lý, xử lý, không có biên bản thu giữ, không niêm phong. Tại Tòa, nguyên đơn, người làm chứng đều thừa nhận trước ngày 27-3-2012, đi kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước đá của Nhân không phát hiện gì về hành vi trộm cắp điện của bị cáo. Vì vậy, “không có đủ cơ sở để xác định lượng điện năng bị tổn thất chính xác trước ngày 27-3-2012”.

 

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, việc xác định mức độ thiệt hại trong vụ án này có ý nghĩa quan trọng trong bồi thường thiệt hại cũng như định khung hình phạt cho bị cáo. Theo quy định, đối với tội Trộm cắp tài sản, nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị truy tố theo khoản 4, với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nhưng nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì chỉ bị truy tố theo khoản 2 Điều 138, khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Được biết, ngày 1-11-2012, VKSND tỉnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố Nhân về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 4 Điều 138 Bộ Luật Hình sự. Nhưng ngày 9-7-2013, VKSND tỉnh trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì: Kết luận điều tra xác định thiệt hại sản lượng điện năng của KHPC nhưng lại “không căn cứ vào số liệu trích xuất từ công tơ (vật chứng thu giữ), không trừ đi thời gian thực tế những lúc bị can Mai Xuân Nhân không trộm cắp điện như: Công tơ vẫn chạy bình thường (không có dấu hiệu bị mất trộm điện năng), cơ sở sản xuất nước đá ngừng hoạt động để tháo dỡ đá khỏi khuôn, thay nước, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc... Việc tính tiền bồi thường để quy đổi ra giá trị thiệt hại cũng không theo quy định của ngành Điện lực về thời điểm trong ngày (giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường)”. Ngày 17-10-2013, VKSND tỉnh quyết định chuyển vụ án đến VKSND huyện Diên Khánh.

 

KHPC đã kháng cáo đòi bồi thường thiệt hại với mức 1,2 tỷ đồng và đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nguyên đơn dân sự không có quyền kháng cáo về phần hình phạt, nhưng trong vụ án này, việc xác định mức độ thiệt hại liên quan chặt chẽ đến việc định khung hình phạt. Do đó, nếu KHPC đưa ra được chứng cứ thuyết phục, Tòa cũng chỉ có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.


Được biết, trong giai đoạn điều tra, bị cáo nhận tội, gia đình bị cáo cũng đã nộp hơn 800 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Nhưng về nguyên tắc, lời khai nhận tội của bị cáo chỉ trở thành chứng cứ buộc tội khi phù hợp với các chứng cứ khác. VKSND và Tòa cấp huyện đã không chấp nhận mức xác định thiệt hại mà cơ quan điều tra đưa ra vì những lý do nêu trên. Thực tế thiệt hại về sản lượng điện năng trong vụ này là bao nhiêu? Trong phiên tòa phúc thẩm dự kiến mở ngày 12-5 tới, KHPC sẽ phải đưa ra chứng cứ thuyết phục hơn để chứng minh. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào các tài liệu và diễn biến phiên tòa để ra phán quyết, bảo đảm tôn trọng sự thật khách quan. Báo Khánh Hòa sẽ thông tin tới bạn đọc về kết quả phiên xử này.


NGUYỄN VŨ