Thời gian qua, tuy lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không thể xóa bỏ được tình trạng người dân xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), vào rừng đốt than.
Thời gian qua, tuy lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không thể xóa bỏ được tình trạng người dân xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), vào rừng đốt than.
Một chiều giữa tháng 5, khi đến khu vực hồ Suối Hành (xã Cam Phước Đông), chúng tôi chứng kiến hàng chục xe máy của người dân ở xã Cam Phước Đông chở than xuống núi. Hỏi anh N. - người dân đang cào lá mía ở rẫy ven đường mới biết, tình trạng người dân lên núi đốt than đã diễn ra từ nhiều năm nay ở khu vực hồ Suối Hành và những ngọn núi lân cận. Trước đây, dân đốt than chỉ đặt “cơ sở sản xuất” ở lưng chừng những quả đồi gần hồ Suối Hành, than chủ yếu được vận chuyển bằng xe đạp. Càng về sau, do bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, xử lý gắt gao nên địa điểm đốt than của họ chuyển lên những ngọn núi cao, thậm chí đến cả khu vực giáp ranh với huyện Khánh Sơn.
Tiếp cận với những người đốt than, chúng tôi được ông M.V.X. (thôn Giải Phóng, làm nghề đốt than hơn 3 năm nay) cho biết: “Hiện nay, hầu hết người làm than đang tập trung ở khu vực núi Đá Bằng. Để đến được khu vực này phải mất hơn 1 giờ chạy xe máy và hơn 3 giờ cuốc bộ băng rừng. Cứ đi khoảng 1 giờ, những người đốt than lại nghỉ một lần. Họ giấu xe máy vào những lùm cây dưới chân núi, rồi lấy rựa, quang gánh, bao tải... để vượt núi lên lò than. Chỉ tay về phía những ngọn đồi xa tít tắp, ông M.V.X. nói: “Trong cánh rừng đó có hàng chục người đốt than, có khoảng 20 lò than vừa của dân Cam Phước Đông, vừa của dân Cam Phước Tây. Cứ thấy khói ở đâu là ở đó có lò than. Ở các cánh rừng xa hơn cũng đã có người đến đốt than”.
Người dân xã Cam Phước Đông chở than xuống núi. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dân đốt than thường chia thành từng tốp 2 - 4 người đốt chung 1 lò, họ có chung 1 máy cưa để cắt cây rừng. Công việc của người đốt than khi lên đến nơi là chui ngay xuống lò, đưa than lên chất vào bao tải. Khi đầy 3 - 4 bao (khoảng 60 - 80kg), đủ 1 chuyến xe xuống núi thì họ sẽ nghỉ để ăn trưa, sau đó mới đi hạ cây (đường kính khoảng 5 - 30cm) tập kết về quanh lò chuẩn bị đốt mẻ mới. Ông M.V.X. tâm sự: “Hầu hết người đốt than đều có hoàn cảnh khó khăn làm ruộng nương thu nhập không được bao nhiêu; nhiều người vợ con đau ốm liên miên không có tiền thuốc thang nên phải vào rừng chặt cây đốt than”.
Được biết, thu nhập từ nghề đốt than khá cao so với những nghề khác nên không ít người bám nghề. Ông M.V.B. (thôn Giải Phóng) cho biết: “Khi đưa than xuống núi, về nhà sẽ có người đến mua ngay. Hiện nay, than được bán với giá 5.500 - 6.500 đồng/kg tùy loại. Ở Cam Phước Đông, có nhiều người mua than rồi đưa đi tiêu thụ ở TP. Cam Ranh như: bà Nhạn, bà Hương, bà Thanh..., có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Trung bình, thu nhập của người đốt than 200.000 - 250.000 đồng/ngày (gấp đôi công làm cỏ mía, cào lá mía) nên nhiều người vẫn bám trụ”.
Tình trạng chặt cây, đốt than không chỉ hủy hoại tài nguyên rừng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn rất dễ xảy ra tình trạng cháy rừng, nhất là thời gian gần đây TP. Cam Ranh liên tục được dự báo cháy rừng ở cấp độ cao. Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm TP. Cam Ranh đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng nói chung và chặt cây để đốt than nói riêng; thường xuyên tuần tra, phá bỏ lò than; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến người dân... Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên một số người vẫn lén lút lên núi đốt than.
Theo ông Đỗ Lam Điền - cán bộ phụ trách quản lý, bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm TP. Cam Ranh, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như phòng, chống cháy rừng, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm thành phố đã làm việc với các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn để xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. “Nhờ tăng cường tuần tra, xử lý mà tình trạng đốt than trên địa bàn TP. Cam Ranh đã giảm, phần lớn chỉ ở tiểu khu 324 (xã Cam Phước Đông). Khu vực người dân đốt than chủ yếu là rừng non nên nguy cơ cháy rừng không cao. Tuy nhiên, chúng tôi không lơ là trong việc triệt phá các hầm than để đảm bảo phòng, chống cháy rừng, nhất là trong cao điểm mùa khô. Mới đây, Hạt đã tổ chức một đợt tuần tra vào khu vực rừng này và phát hiện, phá bỏ 2 lò than. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra những khu vực rừng có đốt than để giải quyết dứt điểm tình trạng này”, ông Điền cho hay.
BÍCH LA - THẾ ANH