02:05, 12/05/2014

Sáng nay (12-5), phúc thẩm vụ trộm điện: Bị cáo khai mâu thuẫn

Sáng nay (12-5), Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ trộm cắp điện xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa). Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn dân sự - Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm.

•    Quyết định chuyển vụ án đúng pháp luật không?


•    Kết luận giám định  thiệt hại chưa rõ, nhưng vẫn truy tố, xét xử ?


Sáng nay, 12-5, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ trộm cắp điện xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa). Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn dân sự - Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC), đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm.

 

Bị cáo (bìa trái) cho rằng mình chỉ trộm điện trong 33 ngày, đại diện KHPC (giữa) nói trộm hơn 1 năm…
Bị cáo (bìa trái) cho rằng mình chỉ trộm điện trong 33 ngày, đại diện KHPC (giữa) nói trộm hơn 1 năm…


Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Khánh Hoà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Mai Xuân Nhân (sinh năm 1959, trú xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, chủ cơ sở sản xuất nước đá đóng tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, Diên Khánh, Khánh Hòa) về tội “Trộm cắp tài sản “theo Khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS). Kết luận điều tra, điều tra bổ sung cũng như vậy. Nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh lại quyết định chuyển vụ án cho VKSND huyện Diên Khánh truy tố xét xử theo Khoản 2 Điều 138 BLHS. Quyết định chuyển vụ án có  lợi cho bị cáo về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, nhưng đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của KHPC.


KHPC cho rằng, thiệt hại về điện năng do hành vi trộm cắp điện mà bị cáo Mai Xuân Nhân thực hiện là hơn 1,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra lại đánh giá mức thiệt hại là hơn 1 tỷ đồng. Còn VKSND huyện và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diên Khánh lại xác định mức thiệt hại là hơn 58 triệu đồng. Ngoài ra, có luật sư còn cho rằng vụ án có những vi phạm về tố tụng.


* Bị cáo lúc nhớ lúc quên


Suốt phiên xét xử buổi sáng, bị cáo Mai Xuân Nhân thường xuyên không hiểu câu hỏi, lúc nhớ, lúc quên khi trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện VKS và luật sư.


Điều mà bị cáo nhớ nhất là hành vi trộm cắp điện chỉ xảy ra đúng từ thời điểm KHPC thay công tơ lần cuối (từ ngày 27-3-2012 đến 28-4-2012, 33 ngày). Theo tính toán của VKSND huyện, mức thiệt hại do hành vi này gây ra là hơn 58 triệu đồng. Bị cáo phủ nhận tất cả lời khai của mình trong giai đoạn điều tra (khai nhận trộm cắp từ tháng 10-2010, thiệt hại theo tính toán của cơ quan điều tra là hơn 1 tỷ đồng). Lý giải về việc thay đổi lời khai, lúc bị cáo cho rằng do bị mớm cung, lúc khai rằng do sợ quá nên bịa ra khai vậy. Trước câu hỏi “vì sao không trộm nhiều vậy mà lại tự nguyện nộp hơn 800 triệu đồng khắc phục hậu quả?”, bị cáo nói, do hồi đó công an bảo nếu khắc phục thì sẽ được giảm án, nếu không sẽ kê biên nhà. Bị cáo cũng khẳng định có trình bày bằng lời việc mình không trộm cắp tới mức đó, nhưng không được chấp nhận. “Hồi đó bị cáo có biết khiếu nại ở đâu đâu!”, bị cáo lý giải việc không có văn bản nào thể hiện bị cáo không đồng ý.


Tuy vậy, khi được hỏi cụ thể điều tra viên nào đã mớm cung cho bị cáo thì Mai Xuân Nhân im lặng, cau mày suy nghĩ rồi khai lại không có điều tra viên nào, là khi vào tạm giam, bạn giam chung hỏi rồi bày nếu không làm thì đừng nhận. Nên bị cáo cũng đã phản ánh nhưng không được chấp nhận. Bị cáo này cũng không thể nhớ được tên 2 lao động mà mình thuê làm việc, và làm từ bao giờ. Bị cáo cũng không nhớ mình có đơn xin khai lại và xin trả lại tài sản từ thời điểm nào, trước hay sau khi nhận được cáo trạng. Chỉ khi luật sư hỏi bị cáo nhận lại hơn 740 triệu đồng khi nào, bị cáo mới nhớ ra nhận lại sau khi nhận được cáo trạng và trước thời điểm phúc cung, đối chất.


* Quan điểm của KHPC và giám định viên trái ngược nhau


Trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện KHPC khẳng định, theo tính toán của KHPC, số tiền thiệt hại do hành vi trộm cắp điện năng của Mai Xuân Nhân gây ra là hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này cũng nói, KHPC cũng chấp nhận với mức thiệt hại mà cơ quan điều tra kết luận (hơn 1 tỷ đồng).


Lý giải căn cứ nào để khẳng định Mai Xuân Nhân trộm cắp 567 ngày (1 năm + 6 tháng + 22 ngày) chứ không phải 33 ngày như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã xác định, vị này cho rằng, tuy sau khi thu giữ công tơ, KHPC không có biên bản, không niêm phong, nhưng dữ liệu trong công tơ điện tử này là dữ liệu lưu trữ, không ai có thể can thiệp và thay đổi được, vì vậy, cách tính toán thiệt hại của KHPC là có cơ sở. Vị này cũng thừa nhận những sai sót trong khâu quản lý của đơn vị, tuy nhiên vẫn khẳng định KHPC có căn cứ khi cho rằng thiệt hại phải tiền tỷ. Đại diện KHPC cũng cho rằng phiên tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng khi không triệu tập giám định viên, nguyên đơn dân sự không được biết việc VKSND tỉnh chuyển truy tố xuống cho cấp huyện.


Ngược lại, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện năng lại khẳng định không có gì đảm bảo dữ liệu trong công tơ điện tử là bất biến. Ông này cũng khẳng định, ông đã từ chối giám định do thấy rất khó xác định thiệt hại thực tế. Sau đó, theo yêu cầu của cơ quan điều tra yêu cầu xác định thiệt hại trong vòng 567 ngày, ông đã dựa theo quy định của Bộ Công Thương để giám định trên cơ sở tính công suất tiêu thụ cao nhất của cơ sở nhân với số ngày thiệt hại được ấn định. Vì vậy, ông cho rằng kết quả này không hoàn toàn chính xác với thực tế và trong văn bản xác định lại kết luận giám định, ông đã đề nghị trưng cầu giám định cấp cao hơn. Về việc này, tòa cũng cần xem xét kỹ, ông nói.


Chiều nay, phiên tòa tiếp tục. Khánh Hòa online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.


N.V