Chiều 12-5, phần lớn thời gian của phiên phúc thẩm là phần biện luận của luật sư Nguyễn Hồng Hà – bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa. Luật sư Hà phân tích chủ yếu ở 2 vấn đề: Quyết định chuyển vụ án đúng pháp luật chưa và Kết luận giám định thiệt hại chưa rõ nhưng vẫn truy tố, xét xử?
Chiều 12-5, phần lớn thời gian của phiên phúc thẩm là phần biện luận của luật sư Nguyễn Hồng Hà – bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC). Luật sư Hà phân tích chủ yếu ở 2 vấn đề: Quyết định chuyển vụ án đúng pháp luật chưa và Kết luận giám định thiệt hại chưa rõ nhưng vẫn truy tố, xét xử?
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng?
Bảo vệ quyền lợi cho KHPC, luật sư Hà cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa quyết định chuyển vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng cho cấp huyện truy tố, xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo luật sư Hà, quyết định chuyển vụ án tuy chỉ là thủ tục của VKSND tỉnh nhưng xuất phát từ quyết định này, kiểm sát viên cấp huyện được quyền tiến hành tố tụng vụ án theo Khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Bị cáo (trái) khẳng định không có chuyện lấy lời khai sau khi ra cáo trạng… còn luật sư khẳng định căn cứ vào các bút lục trong hồ sơ thì ngược lại. |
Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa căn cứ Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) để chuyển hồ sơ là không đúng, vì điều này quy định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền, áp dụng trong giai đoạn điều tra. Nhưng vụ án này đã kết thúc điều tra, điều tra bổ sung, đang trong giai đoạn truy tố của VKSND tỉnh.
Vụ án được khởi tố, kết luận đề nghị truy tố theo Khoản 4, Điều 138 BLHS là thuộc thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát cấp tỉnh. VKSND tỉnh chưa bao giờ đề nghị điều tra bổ sung, yêu cầu chuyển Khoản 2 Điều 138 BLHS, nhưng lại xét thấy không thuộc thẩm quyền truy tố của VKSND tỉnh nên “chuyển vụ án Mai Xuân Nhân do cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 BLHS đến VKSND huyện Diên Khánh để truy tố theo thẩm quyền”. Thực tế không có văn bản nào thể hiện VKSND tỉnh không đồng tình kết luận điều tra bổ sung, kết luận Mai Xuân Nhân trộm cắp hơn 58 triệu đồng để chuyển xuống Khoản 2. Cơ quan điều tra cũng giữ nguyên các quyết định tố tụng, kết luận điều tra theo Khoản 4, Điều 138 BLHS. Thời điểm chuyển vụ án, VKSND tỉnh cũng không thông báo cho nguyên đơn dân sự biết lý do chuyển.
Luật sư cũng cho rằng, vi phạm nối tiếp vi phạm về thẩm quyền khi căn cứ quyết định chuyển vụ án trên, Viện trưởng VKSND huyện Diên Khánh đã có quyết định phân công Phó Viện trưởng VKSND huyện tiến hành tố tụng, trong khi kiểm sát viên cấp huyện không thể tiến hành tố tụng vụ án đã được cơ quan cấp tỉnh khởi tố theo Khoản 4 Điều 138 BLHS. Vụ án này phải thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.
Sau đó, VKSND huyện ban hành cáo trạng, trong đó chỉ truy tố Mai Xuân Nhân trộm điện 33 ngày, không phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng thời gian trộm điện từ 5/10/2010 đến ngày 26/3/2012, nên không phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, cáo trạng đã phủ nhận lời khai nhận của bị can và một phần kết luận điều tra, kết luận giám định. Kiểm sát viên cấp huyện tiến hành tố tụng vụ án đặc biệt nghiêm trọng là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Đại diện Viện Kiểm sát (trái) thừa nhận có những sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án… trong khi luật sư lại cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. |
Ngoài ra, theo Khoản 3, Điều 166 BLTTHS, trong 3 ngày kể từ ngày có quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, VKSND phải gửi hồ sơ và cáo trạng đến Tòa án. Nhưng VKSND huyện lại tiến hành đối chất, hỏi cung (ngày 13/11/2013) sau khi đã tống đạt cáo trạng cho Mai Xuân Nhân (ngày 10/11/2013), sau đó, Nhân mới phủ nhận toàn bộ hành vi trộm cắp điện và có đơn xin minh oan và trả lại tiền thừa. Lời khai sau này khi đã có cáo trạng là không khách quan.
Việc truy tố, xét xử chỉ áp dụng văn bản xác định lại kết luận giám định để chuyển khoản nhẹ hơn cho bị cáo và xử án treo là không nghiêm minh. Trong khi đó, tại văn bản xác định lại kết luận giám định, giám định viên còn đề nghị giám định lại ở cấp cao hơn. Khi xét xử, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diên Khánh cũng không triệu tập giám định viên để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định, là chứng cứ quan trọng của vụ án.
Bản án hình sự sơ thẩm ngày 22-1-2014 của TAND huyện Diên Khánh tuyên bị cáo Mai Xuân Nhân phạm tội Trộm cắp tài sản theo Khoản 2, Điều 138 BLHS và xử phạt bị cáo 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Do bị cáo đã bị tạm giam 8 tháng 15 ngày nên hình phạt tù còn lại phải chấp hành là 1 năm 3 tháng 15 ngày, thời gian thử thách 2 năm 7 tháng kể từ ngày tuyên án. Đồng thời, tòa hủy bỏ lệnh kê biên tài sản nhà, đất của bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo phải bồi thường 58.069.000 đồng đã được VKSND gửi vào tài khoản tạm giữ. |
Bên cạnh đó, các kết luận giám định của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực điện năng đều thống nhất mức thiệt hại là hơn 1 tỷ đồng. Nhưng phần cuối cùng văn bản giải thích và xác định theo yêu cầu của cơ quan điều tra, giám định viên vẫn yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định ở cấp cao hơn.
Ngày 30/8/2013, cơ quan điều tra có kết luận điều tra bổ sung đề nghị VKSND tỉnh truy tố Mai Xuân Nhân theo Khoản 4, Điều 138 BLHS.
Ngày 10/11/2013, Viện KSND huyện Diên Khánh có cáo trạng truy tố Mai Xuân Nhân về hành vi trộm cắp điện năng từ ngày 27/3/2012 đến ngày 28/4/2012 với số tiền hơn 58 triệu đồng. Cáo trạng này căn cứ vào bản xác định lại kết luận giám định ngày 12/8/2013 của giám định viên, trong khi chính giám định viên còn yêu cầu giám định ở cấp cao hơn. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng để giải quyết án. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng kết quả giám định là chưa chính xác và Toà án không thể căn cứ vào các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án để xác định mức độ thương tật của người bị hại mà cần phải tiến hành giám định bổ sung hoặc giám định lại mới đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, thì Hội đồng xét xử căn cứ vào Khoản 5, Điều 215 của Bộ luật tố tụng hình sự quyết định việc giám định bổ sung hoặc giám định lại. Vậy nhưng cấp sơ thẩm vẫn truy tố, xét xử. Đặc biệt, ở phiên tòa sơ thẩm, Tòa án không triệu tập giám định viên để làm rõ yêu nội dung giám định có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến yêu cầu bồi thường dân sự, đến thẩm quyền truy tố, xét xử của vụ án không thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
Vì vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của KHPC, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm đề điều tra lại từ đầu.
Không thể vì bảo vệ tài sản Nhà nước mà làm điều bất lợi cho bị cáo nếu không đủ cơ sở
Tranh luận trở lại, vị đại diện VKSND thừa nhận đúng là có những thiếu sót trong việc viện dẫn căn cứ pháp lý khi quyết định chuyển vụ án, tuy nhiên, điều đó không làm sai lệch bản chất vụ án. Đó là chuyển vụ án để truy tố theo Khoản 2, Điều 138 BLHS. Không nhất thiết kết luận như thế nào phải ra cáo trạng như thế. Việc VKSND tỉnh chuyển vụ án cho VKSND huyện là đúng thẩm quyền, không trái pháp luật. Việc truy tố một người không thể chỉ căn cứ vào ý chí chủ quan của một ai. Phát biểu của giám định viên tại phiên tòa này là hoàn toàn có căn cứ. Nếu KHPC cho rằng thiệt hại phải tới hơn 1,2 tỷ đồng, thì bị cáo cũng có quyền nói rằng bị cáo chỉ trộm trị giá hơn 58 triệu đồng. KHPC không thể thay công tơ, cất vào kho, không niêm phong, rồi khi cần lấy ra làm chứng cứ buộc tội. Quy trình thu thập chứng cứ được quy định rất chặt chẽ, phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc lấy lời khai sau khi có cáo trạng cũng không trái luật vì cần xác định việc bảo vệ tài sản cho Nhà nước là quan trọng nhưng không vì thế làm điều bất lợi cho bị cáo.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án lúc 8 giờ sáng 14-5. Khánh Hòa online sẽ thông tin tới bạn đọc kết quả tuyên án.
N.V