09:05, 25/05/2014

Bị khởi tố vì thiếu hiểu biết

Trong quá trình phát nương làm rẫy, nhiều người dân đã vô tình phá hủy hàng chục héc-ta rừng đầu nguồn, gây hậu quả nghiêm trọng. Sự thiếu hiểu biết này đã khiến họ rơi vào vòng lao lý.

Trong quá trình phát nương làm rẫy, nhiều người dân đã vô tình phá hủy hàng chục héc-ta rừng đầu nguồn, gây hậu quả nghiêm trọng. Sự thiếu hiểu biết này đã khiến họ rơi vào vòng lao lý.


Liên quan đến vụ phá trắng 25,3ha rừng ở tiểu khu 105, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) được phát hiện vào tháng 5-2013, ngày 23-5, Thượng tá Hồ Anh Thư, Phó trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện đã ra quyết định khởi tố 9 bị can gồm: Triệu Văn Linh (19 tuổi), Triệu Văn Thái (39 tuổi), Triệu Văn San (33 tuổi), Triệu Tiến Chi (47 tuổi), Dương Kim Minh (26 tuổi), Đặng Thắng Lâm (28 tuổi), Vi Văn Trời (38 tuổi), Triệu Tiến Hình (38 tuổi). 8 người này cùng trú ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk và Triệu Văn Hải (32 tuổi, trú huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cùng về hành vi hủy hoại rừng, quy định tại khoản 3 và Điều 189, Bộ Luật Hình sự.


Vô tình phá rừng


Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2009, Minh, Lâm và Chi cùng lên khu vực thác Sông Chò, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk bắt cá thì thấy một vùng đất trống chỉ có cây cỏ bông lau, lồ ô và những cây rừng nhỏ mọc rải rác, diện tích khoảng 2ha. Ở giữa vùng đất này lại có nước và bùn sình lầy nên ba người bàn nhau khai hoang trồng lúa, bắp. Sau đó, họ dùng rựa phát dọn sạch cây cỏ bông lau, cây lồ ô và những cây rừng nhỏ được khoảng 2ha đất để trồng bắp. Trồng bắp xong, họ lại tiếp tục phát dọn cỏ cây lồ ô, cây rừng và lấn chiếm thêm 2ha nữa để dự định trồng bắp. Ngoài khu vực đất rừng khoảng 4ha mà nhóm người trên tổ chức phát quang, lấy đất canh tác, xung quanh phần đất này còn khoảng 4,6ha đất có những cây rừng mọc rải rác nhưng họ chưa chặt phá, phát quang vì còn chờ xem thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp với loại cây trồng nào. Khi phát quang được 4ha đất nêu trên, nhóm người này đã trồng 2ha bắp nhưng chưa kịp thu hoạch thì đã bị khỉ ăn sạch. Do vậy, đến cuối năm 2009 họ bỏ hoang khu đất này.


Đầu tháng 3-2013, từ thông tin của bà con, họ hàng, Triệu Tiến Hình cũng đã tìm đến tiểu khu 105 và tìm được lô đất rộng khoảng 8ha, trong đó có khoảng 4ha đất mà Minh, Lâm và Chi đã chặt phá, khai hoang trước đó và 4,6ha rừng chưa bị chặt phá, hỏi mua lại với giá 20 triệu đồng.


Sau khi mua được diện tích đất rừng trên (khoảng 8ha), ông Hình đã thuê Triệu Văn Thái phát dọn sạch cỏ, cây rừng trên tổng diện tích khoảng 8ha đất đã mua với giá 40 triệu đồng. Sau đó, ông Thái rủ thêm Trời, San, Hải, Linh cùng phát dọn 8ha đất nêu trên. Tuy nhiên, số diện tích mà họ phát quang để lấy đất canh tác lại thuộc lâm phần do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Trầm Hương quản lý, thuộc tiểu khu 105, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh.

 

 Hiện trường vụ phá rừng.
Hiện trường vụ phá rừng.


Không xử lý hình sự chủ rừng


Đến tháng 5-2013, đoàn công tác liên ngành của tỉnh phát hiện tại tiểu khu 105 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Khánh Vĩnh, giáp ranh với huyện M’Đrắk có đến 25,3ha rừng đầu nguồn bị phá trắng. Ngay sau đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này.


Căn cứ bản kết luận giám định thiệt hại về rừng ngày 3-7-2013 của 3 cơ quan giám định gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Trung tâm điều tra khảo sát thiết kế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tại khu vực 1 và 2, tiểu khu 105 thuộc xã Khánh Bình, tổng diện tích rừng bị chặt phá lên đến 25,3ha, trong đó có 19ha rừng thuộc trạng thái IIIA3 và 6,3ha rừng thuộc trạng thái IIB. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Khánh Vĩnh đã trưng cầu giám định giá trị tài sản là số lâm sản (gỗ) bị thiệt hại thực tế tại hiện trường là 80,580 triệu đồng.


Quá trình điều tra cũng xác định, ngày 22-1-2013, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt phương án thành lập tổ phát triển lâm nghiệp gồm 10 xã mới thuộc vùng dự án để phát triển lâm nghiệp, cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, trong đó UBND xã Cư San, huyện M’Đrắk được hỗ trợ nguồn vốn này. Theo đó, cứ 1ha của 1 hộ gia đình được hỗ trợ 12 triệu đồng. Từ dự án trên, người dân trên địa bàn xã Cư San đã rủ nhau đi mua đất, khai hoang lấn chiếm đất rừng với mục đích để được nhà nước hỗ trợ vốn. Vì vậy, vụ hủy hoại rừng đã xảy ra và dẫn đến hậu quả nêu trên.


Những người tham gia phá rừng bị khởi tố đều là đồng bào dân tộc thiểu số, di canh, di cư tự do, không có nhà ở ổn định. Nghề nghiệp chính của họ là phát rừng làm rẫy, vì vậy nhận thức về pháp luật của họ còn nhiều hạn chế. Khi đi phá rừng làm nương rẫy, họ không biết địa giới hành chính đất rừng này do ai quản lý và của ai, mà chỉ biết phá rừng, lấy đất canh tác, trong khi đó, khu vực đất rừng thuộc tiểu khu 105, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh lại nằm giáp ranh với rừng sản xuất của xã Cư San. Khu vực rừng bị chặt phá, xâm hại cách xa, đồi núi hiểm trở, không có đường tuần tra, kiểm soát nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng.


Căn cứ điều 144 Bộ Luật hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Khánh Vĩnh cho rằng, về mặt khách quan, tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước trong vụ án này không có mối quan hệ nhân quả nên không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, không xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương.


THÀNH LONG