08:04, 22/04/2014

Quản lý quỹ tự nguyện: Cần minh bạch

Ở nông thôn, việc đóng góp các loại quỹ tự nguyện của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội ở cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vấn đề thu, chi những khoản đóng góp này vẫn còn nhiều điều đáng bàn...

Ở nông thôn, việc đóng góp các loại quỹ tự nguyện của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội ở cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vấn đề thu, chi những khoản đóng góp này vẫn còn nhiều điều đáng bàn...


Người dân chỉ biết nộp


Mới đây ở thôn Phú Văn, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), người dân đã làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng để khiếu nại về việc sử dụng các loại quỹ trong thôn. Theo phản ánh, từ năm 2001, thôn Phú Văn thống nhất thành lập quỹ tương trợ cho những gia đình có người quá cố. Theo đó, khi trong thôn có người qua đời, mỗi hộ sẽ đóng góp 10.000 đồng để xây mộ. Tương ứng với hơn 400 hộ trong thôn, số tiền đóng góp cho mỗi lần có người mất khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi gia đình khi có người thân mất lại chỉ được giúp đỡ 2,5 triệu đồng, phần tiền còn lại do cán bộ thôn nắm giữ. Tính từ khi thành lập quỹ đến nay, cả thôn có hơn 100 người qua đời, do đó số tiền còn dư khá lớn. Nhiều người dân thắc mắc số tiền còn dư này dùng để làm gì và do ai nắm giữ, nhưng suốt cả thời gian dài không ai giải quyết. Thậm chí, trong những lần tiếp xúc cử tri, vấn đề này cũng được phản ánh, song không ai đứng ra giải trình. Ngoài ra, các quỹ khác thu để phục vụ việc cúng và tôn tạo đình làng lên đến mấy chục triệu đồng cũng không được minh bạch.

 

Đơn khiếu nại của người dân.
Đơn khiếu nại của người dân.


Được biết, hiện nay, hầu hết các thôn, xóm ở nông thôn đều lập các quỹ tự nguyện nhằm giúp đỡ nhau lúc khó khăn, cũng như sử dụng vào việc chung trong cộng đồng dân cư như: quỹ tương trợ, giao thông nông thôn, tôn tạo đình làng, miếu mạo, quỹ khuyến học... Vì đây là quỹ đóng góp tự nguyện theo các hội, đoàn thể nên không áp dụng quy định thu quỹ, phí do HĐND tỉnh quy định. Cách thức quản lý tài chính cũng theo hình thức của quỹ tự nguyện. Bình thường khi phát động, phần lớn người dân đều đồng lòng tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ, nhiều địa phương không làm tốt vấn đề minh bạch tài chính.


Cần công khai, minh bạch


Việc đóng góp tự nguyện của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội ở cộng đồng dân cư. Quay lại vấn đề thu, chi quỹ ở thôn Phú Văn, ông Nguyễn Văn Tâm - trưởng thôn cho biết: “Hiện quỹ tương trợ của thôn còn dư khoảng 7 triệu đồng. Các khoản quỹ khác hiện người dân chưa nộp đủ nên chưa thể thống kê và công khai trước dân. Về cơ bản mỗi loại quỹ khi được thu đều được công khai, song vì mức đóng ít, người đóng, người không nên cán bộ thôn gặp không ít khó khăn. Còn về việc khiếu nại là do một số cá nhân có ý hiềm khích nên mới khiếu nại”.


Giải thích của Trưởng thôn Phú Văn khá rõ ràng, song khi trao đổi lại vấn đề này với một số người dân ở thôn thì họ không đồng tình. Họ cho rằng, số tiền quỹ tương trợ còn dư 7 triệu là có vấn đề, vì chênh lệch giữa thu và chi hàng năm là rất lớn. “Khi thôn yêu cầu thì chúng tôi nộp, trưởng thôn đi thu cũng không có phiếu thu hay chữ ký xác nhận của người nộp. Cứ thế, năm nào thôn vẫn thu đều các khoản đóng góp. Tuy trong thôn vẫn thường xuyên tổ chức họp định kỳ hàng tháng, nhưng họp là để triển khai chứ không thông báo kết quả thực hiện nên gây nhiều hoài nghi cho người dân” - một người dân thôn Phú Văn nói.


Xung quanh vấn đề này, ông Hà Văn Trai - Chủ tịch xã Ninh Trung cho biết: “Dù UBND xã không nhận được đơn khiếu nại, song thời gian qua chúng tôi có biết những thắc mắc này của người dân thôn Phú Văn. Mới đây, lãnh đạo xã đã chỉ đạo kiểm tra về vấn đề này. Số tiền thu được trong thời gian vừa qua hiện do cán bộ mặt trận thôn nắm giữ là đúng quy định. Tuy nhiên, do người giữ tiền bị bệnh suốt thời gian dài nên hiện vẫn chưa quyết toán được các khoản đóng góp để công bố cho dân. Tuy xã không quản lý tài chính về các quỹ đóng góp tự nguyện ở các thôn, song chúng tôi sẽ giám sát chặt và không cho phép chi sai mục đích”.   


Như vậy có thể thấy, việc người dân yêu cầu việc thu, chi các loại quỹ tự nguyện cần rõ ràng là điều các cấp, ngành ở địa phương phải lưu tâm. Để tạo lòng tin cho người đóng quỹ, mọi khoản thu, chi phải được công bố và giải thích cho người dân tại các cuộc họp. Bên cạnh đó, có thể niêm yết bằng văn bản tại trụ sở thôn để nhân dân giám sát. Tuy các khoản đóng góp ở thôn, làng không lớn nhưng cũng cần xây dựng một quy chế hoạt động cụ thể. Trong đó, phải công khai, minh bạch sử dụng mọi khoản đóng góp tự nguyện của người dân để tránh những tiêu cực, giảm lòng tin trong nhân dân.  


Đình Lâm