07:03, 12/03/2014

Vì sự bình yên ở vùng cao

Thời gian qua, các già làng, trưởng bản ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực…

Thời gian qua, các già làng, trưởng bản ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực…


Trước đây, các loại súng, súng tự chế chủ yếu được người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số dùng để săn bắn, thì nay, không ít trường hợp đã trở thành một loại hung khí nguy hiểm để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội. Trước thực trạng này, tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đến cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân để họ tự nguyện giao nộp vũ khí, góp phần đem lại bình yên cho các bản làng.


Hơn 1 năm qua, huyện Khánh Sơn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đạt được thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Mới đây, già làng Cao Xuân Đảm - Trưởng thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình đã đến trụ sở Công an huyện bàn giao 1 khẩu súng quân dụng mà ông đã vận động người dân trong thôn tự giác giao nộp. Từ cuối năm 2012, khi huyện Khánh Sơn mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, già làng Cao Xuân Đảm đã không ngại khó, ngại khổ đến từng hộ trong thôn nắm tình hình, nói cho bà con hiểu việc để vũ khí trong nhà là vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho cộng đồng. Nghe già làng tuyên truyền, nhiều người dân trong thôn đã tự giác mang vũ khí đến giao nộp cho công an. Già làng Cao Xuân Đảm cho biết: “Sau khi có Pháp lệnh, chúng tôi đã cùng lực lượng Công an xã đi vận động từng gia đình. Thời gian qua, người dân trong thôn Xóm Cỏ đã tự giác giao nộp 5 khẩu súng quân dụng cho cơ quan chức năng”.

 

Nhiều người dân đã tự giác giao nộp súng cho Công an huyện Khánh Sơn.
Nhiều người dân đã tự giác giao nộp súng cho Công an huyện Khánh Sơn


Trong những năm kháng chiến, huyện miền núi Khánh Sơn là căn cứ địa cách mạng với nhiều kho vũ khí ở trong rừng. Sau ngày giải phóng, một số người dân nhặt được vũ khí còn sót lại mang về sử dụng. Theo Công an huyện Khánh Sơn, những năm gần đây, nhiều hộ người Tày, Nùng, Mường từ các tỉnh phía Bắc di cư vào cũng mang theo vũ khí tự chế như: súng phà, súng kíp... Thói quen sử dụng súng để săn bắn và giữ nương rẫy của nhiều hộ đồng bào luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Huyện Khánh Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín. Nhờ đó, từ cuối năm 2012 đến nay, thực hiện cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, đồng bào các dân tộc ở huyện Khánh Sơn đã tự giác giao nộp 31 khẩu súng các loại.


Trung tá Hoàng Minh Tước - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Khánh Sơn cho biết: Việc nắm rõ đặc điểm tình hình, phong tục tập quán của người dân rất quan trọng. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng dựa vào già làng, trưởng bản, người có uy tín, cựu chiến binh và quần chúng để thu thập thông tin, có kế hoạch vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.


Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song theo Công an huyện Khánh Sơn, tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có suy nghĩ súng là vật kỷ niệm, là công cụ dùng để săn bắt thú rừng và bảo vệ nương rẫy; vì vậy, vẫn còn một số người cất giấu súng tại rẫy hoặc trong rừng để sử dụng. Dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, thời gian tới, chính quyền huyện Khánh Sơn sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài việc vận động nhân dân thực hiện, cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành.


NHẤT - LONG