09:03, 05/03/2014

Lừa xin việc làm, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng

Đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người lao động có nhu cầu tìm việc làm nhưng lại thiếu thông tin về tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp, Nguyễn Tấn Khương đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người rồi bỏ trốn.

Đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người lao động có nhu cầu tìm việc làm nhưng lại thiếu thông tin về tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp, Nguyễn Tấn Khương đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người rồi bỏ trốn.


Thượng tá Nguyễn Thành Linh - Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh cho biết, sau một thời gian tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời đang vận động đối tượng Nguyễn Tấn Khương (còn gọi là Khương “gà”, 24 tuổi, hộ khẩu thường trú ở thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.


Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng giữa tháng 10-2013, một số người dân ở các vùng thôn quê huyện Diên Khánh đã đồng loạt tố cáo Nguyễn Tấn Khương có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ.

Chân dung Nguyễn Tấn Khương.
Chân dung Nguyễn Tấn Khương.


Ngay sau khi nhận được đơn thư của các công dân, Công an huyện Diên Khánh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ nhanh chóng vào cuộc làm rõ hành vi lừa đảo của Khương. Theo đó, khoảng giữa năm 2012, Khương tình cờ quen chị N.Đ.Q (trú xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh). Trong thời gian tìm hiểu, mỗi lần chị Q. đi thăm họ hàng đều đưa Khương cùng đi. Mỗi lần ra mắt, để ra oai với người nhà bạn gái, Khương thường “nổ” với họ là y đang làm tổ trưởng tổ sản xuất của một nhà máy danh tiếng tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh. Cùng lúc này, chị Q. sau khi học xong cấp 3 cũng đã được Khương hứa sẽ xin vào làm việc ở nhà máy mà y làm “tổ trưởng”.


Đến giữa tháng 6-2013, Khương điện thoại cho chị Nguyễn Thị Thanh Diệu (29 tuổi, trú xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) - người bà con của chị Q. nói: Công ty (nơi y làm tổ trưởng) đang có nhu cầu tuyển nhân viên, sẽ xin cho chị Diệu vào làm tại bộ phận y tế với mức lương khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng, giá để vào làm là 16 triệu đồng. Khương hứa chậm nhất ngày 28-8-2013 chị Diệu sẽ đi làm, và khi nào có quyết định đi làm mới giao tiền. Khương còn cho biết, y rất thân với giám đốc nên chắc chắn sẽ xin được và cam kết nếu không xin được sẽ hoàn trả số tiền đã nhận. Đang không có việc làm, nghe Khương nói, chị Diệu đã gật đầu đồng ý mà không có chút nghi ngờ. Sau đó, Khương yêu cầu chị Diệu nhiều lần đưa tiền chạy việc với số tiền 14 triệu đồng.


Cũng trong thời gian này, chị Diệu có kể cho chị Huỳnh Quế Trân (26 tuổi, trú thôn Đồng Bé, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) về việc nhờ Khương xin việc. Thấy tin tưởng, chị Trân đã nhờ chị Diệu nói Khương xin việc giúp. Chị Trân trực tiếp gặp Khương sau đó và được Khương hứa xin vào làm tại bộ phận kiểm tra sản phẩm của công ty, với giá 20 triệu đồng. Khương yêu cầu chị Trân đưa trước 10 triệu đồng, khi nào nhận quyết định đi làm thì đưa hết số còn lại. Khương khẳng định, chậm nhất ngày 28-8-2013 chị Trân sẽ đi làm.


Sau khi chạy vạy số tiền mà Khương yêu cầu nhưng không đủ, ngày 15-6-2013, chị Trân chỉ giao cho Khương được 7 triệu đồng. Ngày hôm sau, Khương yêu cầu chị Trân đưa tiếp 6 triệu đồng. Ít ngày sau, Khương điện thoại cho chị Trân và cho biết đã “năn nỉ” được giám đốc giảm giá xin việc, hiện giá đầu vào chỉ còn 14 triệu đồng nên yêu cầu chị đưa thêm 1 triệu đồng. Ngày 24-8-2013, Khương tiếp tục điện thoại cho chị Trân và thông báo đã đọc được quyết định đi làm của chị này, sau đó yêu cầu chị Trân đưa thêm 1,5 triệu đồng.


Cũng với thủ đoạn trên, đầu tháng 7-2013, Khương nhận lời xin việc cho các anh: Lê Xuân Lộc, Nguyễn Lê Vũ, Đặng Thanh Hà và Ngô Lê Bá Khâm, cùng trú xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh vào làm tại công ty mà y làm “tổ trưởng” với giá 15 triệu đồng/người. Thấy Khương tự giới thiệu là rất thân với giám đốc công ty, xin việc làm dễ như trở bàn tay nên ai cũng tin tưởng. Khương khẳng định, sau khi nhận tiền và hồ sơ, chậm nhất ngày 28-8-2013, những người này sẽ nhận quyết định đi làm. Y cũng cam kết, nếu trong thời gian xin việc mà những người này đổi ý, không muốn đi làm thì sẽ trả lại tiền, còn nếu đã đi làm mà họ tự động xin nghỉ hoặc bị công ty đuổi việc thì sẽ trả lại 70 - 100% số tiền đã đưa.


Thấy bùi tai, các anh Lộc, Hà, Vũ và Khâm đều đưa cho Khương số tiền mà y yêu cầu. Tuy nhiên, hai ngày sau, do nghi ngờ nên anh Khâm đã gọi điện cho Khương đòi lại tiền nhưng Khương chỉ hẹn mà không trả. Sau nhiều ngày tự đi tìm Khương, anh Khâm đã tạm giữ chiếc xe máy của Khương và yêu cầu đối tượng này hoàn trả toàn bộ số tiền thì sẽ giao lại xe máy. Hai tuần sau đó, Khương mang 15 triệu đồng trả lại cho anh Khâm và được anh này trả lại xe máy.


Đến cuối tháng 8-2013, nhiều người bà con của chị Q. vẫn không thấy công ty gọi đi làm nên gọi điện hỏi Khương thì đối tượng này tiếp tục hẹn đến ngày 5-9, 10-9-2013 sẽ đi làm. Từ giữa tháng 9-2013 đến nay, sau khi ôm hàng chục triệu đồng của các nạn nhân, Khương đã trốn biệt tăm.


Theo Đại úy Phạm Văn Tấn - điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an huyện Diên Khánh, ngoài việc xác minh thông tin củng cố hồ sơ của các bị hại cũng như các nhân chứng liên quan, cơ quan điều tra đã làm việc với công ty mà Nguyễn Tấn Khương “nổ” với mọi người là đang làm việc với chức vụ “tổ trưởng” ở xã Suối Hiệp. Qua đó phát hiện, 2 năm trở lại đây, công ty này không có nhu cầu tuyển dụng lao động và cũng không có nhân viên nào tên Nguyễn Tấn Khương. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xét thấy hành vi của Nguyễn Tấn Khương đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại khoản 2, Điều 139 Bộ Luật Hình sự.


THÀNH LONG