01:03, 13/03/2014

Di chúc giả, chủ quyền thật

Ngay sau khi phát hiện việc cưỡng chế nhà đất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người thừa kế theo di chúc, ông Đ.Q.P (định cư ở nước ngoài) đã có đơn khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc hợp pháp.

Theo luật, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Thực tế vẫn xảy ra việc kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận (GCN) không đúng đối tượng do có gian dối, giả mạo trong các văn bản công chứng, chứng thực, xâm phạm đến quyền lợi của người thừa kế hợp pháp...


Từ vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng...


Căn nhà ở đường Mê Linh (TP. Nha Trang) thuộc sở hữu của bà N.T.G, được UBND tỉnh cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở năm 2001. Bà G. có 5 người con (trong đó 4 người con ở nước ngoài). Trước đó, bà đã lập di chúc tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh, có 2 người làm chứng, được công chứng viên chứng nhận ngày 30-5-1997. Theo đó, bà G. chuyển giao quyền thừa kế nhà đất này cho 3 người con là ông  Đ.Q.V, bà Đ.T.M.H và ông Đ.Q.P.


Tháng 1-2002, bà G. mất, nhà đất này tạm giao cho bà H. quản lý. Từ ngày mẹ mất, các con của bà G. chưa bao giờ lập biên bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản thừa kế và cũng không ký bất cứ thủ tục nào nhường quyền thừa kế cho bà H. được toàn quyền sở hữu nhà đất nói trên. Thế nhưng ngày 9-8-2011, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có quyết định cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản đối với nhà đất này để thi hành quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trong đó, nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, bị đơn là bà N.T.B.T.; người có quyền và nghĩa vụ liên quan là bà Đ.T.M.H. (bà H. đứng ra bảo lãnh cho bà T. vay nợ) Theo quyết định của Tòa, bà T. còn nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam gần 2 tỷ đồng (gồm gốc và lãi), nếu bà T. vi phạm thời hạn trả, ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, bán tài sản thế chấp là căn nhà ở đường Mê Linh đứng tên bà H.


Ngay sau khi phát hiện việc cưỡng chế nhà đất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người thừa kế theo di chúc, ông Đ.Q.P (định cư ở nước ngoài) đã có đơn khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc hợp pháp. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có quyết định tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế đã được Tòa án tỉnh thụ lý ngày 14-10-2011. Vụ kiện kéo dài đến nay do có nội dung phức tạp, phải chờ kết quả ủy thác tư pháp nước ngoài.


Di chúc giả, được cấp chủ quyền thật?


Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, luật sư của nguyên đơn phát hiện việc chỉnh lý tên chủ sở hữu nhà ở đường Mê Linh cho bà H. được Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP. Nha Trang chứng nhận căn cứ vào bản di chúc bất hợp pháp, đó là bản sao di chúc được UBND phường chứng thực, có nội dung giả mạo.


Di chúc bản chính của bà G. có nội dung chỉ định cho 3 người con hưởng di sản thừa kế nhà đất. Di chúc này lập thành 4 bản chính, được Phòng Công chứng số 1 chứng nhận ngày 30-5-1997, hiện được lưu tại Phòng 1 bản, các bản chính còn lại các đương sự đang lưu giữ. Còn chứng nhận điều chỉnh tên sở hữu chủ cho bà H. do Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP. Nha Trang thực hiện ngày 20-9-2007 là căn cứ vào bản di chúc chứng thực sao y của UBND phường, có nội dung giả mạo chỉ định bà H. được thừa kế.


Trong vụ việc này, nhiều ý kiến của giới luật sư cho rằng có khả năng Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP. Nha Trang không yêu cầu đương sự cung cấp bản chính di chúc, không kiểm tra đối chiếu bản chính với bản sao chứng thực. Từ đó dẫn đến việc chỉnh lý tên chủ sở hữu trong GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở theo di chúc giả, xâm phạm đến quyền thừa kế của những người thừa kế theo di chúc thật. Vì vậy, luật sư của ông P. đã gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra để sớm có quyết định thu hồi nội dung điều chỉnh chủ sở hữu, sử dụng trái pháp luật trong GCN quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở.


TƯỜNG LINH

 

 



Thu hồi GCN đã cấp trái pháp luật thực hiện như sau:


a) Trường hợp GCN đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là GCN đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi GCN đã cấp;


b)Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN tự kiểm tra và phát hiện GCN đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với GCN do UBND cấp huyện cấp, Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với GCN do UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu qua thẩm tra có kết luận là GCN cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp GCN ra quyết định thu hồi GCN đã cấp;


c) Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện GCN đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp GCN. Cơ quan nhà nước đã cấp GCN có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại điểm b khoản này.


(Trích khoản 2, Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-11-2009 của Chính phủ về cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất)