11:01, 17/01/2014

Sập bẫy tín dụng đen

Mù chữ, nhận thức hạn chế, thiếu vốn làm ăn, không ít người dân nghèo ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã rơi vào bẫy của các đối tượng tín dụng đen. Đến khi nhận ra vấn đề thì tài sản lớn nhất là ngôi nhà cùng đất đai của họ đã bị ép chuyển nhượng với giá bèo bọt…

 

Mù chữ, nhận thức hạn chế, thiếu vốn làm ăn, không ít người dân nghèo ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã rơi vào bẫy của các đối tượng tín dụng đen. Đến khi nhận ra vấn đề thì tài sản lớn nhất là ngôi nhà cùng đất đai của họ đã bị ép chuyển nhượng với giá bèo bọt…
 
 
 
Đầu tháng 5-2012, bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) vay tiền nóng của một người tên Mây ở TP. Nha Trang. Theo thỏa thuận miệng giữa hai bên, chị Hoa sẽ giao sổ đỏ cho Mây để vay 60 triệu đồng, lãi suất 7%/tháng. Sau đó Mây sẽ thế chấp sổ đỏ này cho một ngân hàng để vay 100 triệu đồng. Chị Hoa sẽ được nhận 40 triệu sau khi khấu trừ số nợ đã vay của Mây. 
 
 
 
Thỏa thuận là vậy, nhưng sau nhiều tháng, chị Hoa vẫn không nhận được số tiền 40 triệu đồng nêu trên. Trong thời gian này, Mây đã tìm cách hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng đất và nhà của chị Hoa cho Mây với giá 40 triệu đồng (trong khi thời điểm hiện tại giá trị tài sản nhà và đất của chị Hoa khoảng hơn 300 triệu đồng). “Mây dẫn tôi đến một phòng của cơ quan nào đó mà tôi không hề biết vì không biết đọc. Họ nói tôi ký tên. Tôi bảo không biết chữ, họ lấy tay tôi chấm chấm vào một tập giấy. Sau đó, họ kêu đi về, khi nào có tiền thì kêu xuống nhận. Tôi đợi lâu quá không thấy người này liên lạc. Tìm cách điện thoại thì người này không bốc máy. Sau Tết năm 2013, tôi nghe người ta nói sổ đỏ nhà tôi đã sang tên người khác rồi. Quá bất ngờ, tôi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỏi, người ta nói sổ đã sang tên người khác, người ta coi giúp thì thấy sổ của tôi đã bị tẩy sửa” - chị Hoa bức xúc nói. 
 
 
 
Hiện tại, căn nhà của chị Hoa ở thị trấn Diên Khánh đã được sang nhượng cho chủ nợ từ cuối năm 2012 nhưng chị không hề hay biết.
 
 
 
Cũng trong thời gian này, chị Nguyễn Thị Hoàng (thị trấn Diên Khánh) cũng thế chấp sổ đỏ cho Mây để vay 60 triệu đồng, lãi suất 7%/tháng. Song song đó, chị Hoàng thỏa thuận chuyển nhượng đất và nhà cho một người khác. Tuy nhiên, khi trả lại tiền và lãi suất cho Mây để nhận lại sổ đỏ làm các thủ tục chuyển nhượng theo quy định thì chị Hoàng mới biết sổ đỏ của mình đã bị tẩy xóa, không chuyển nhượng được.
 
 
 
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường Công an huyện Diên Khánh cho biết, qua hồ sơ cơ quan Công an huyện thu thập được thì việc vay mượn nêu trên không thể hiện được là tài liệu vay mượn tiền, nhưng lại thể hiện là thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, thay vì giấy tờ vay mượn tiền nhưng những người này lại ký vào giấy tờ chuyển nhượng tài sản. Vì vậy, một số người đã sập bẫy của những đối tượng tín dụng đen.
 
 
 
Qua tìm hiểu, bản photo sổ đỏ gốc cấp cho chị Hoa mà cơ quan Công an huyện Diên Khánh thu thập được từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và cuốn sổ đỏ mà chị Hoa đã đưa cho Mây, thì so với sổ gốc chữ “hộ” đã bị xóa. Rõ ràng, việc cấp cho “hộ bà Nguyễn Thị Hoa” và cấp cho “bà Nguyễn Thị Hoa” có bản chất khác nhau hoàn toàn. Cụ thể, nếu cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho “hộ bà Nguyễn Thị Hoa” thì khi chuyển nhượng phải có chữ ký đồng thuận của tất cả thành viên trong gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn khi cuốn sổ đỏ bị xóa mất chữ “hộ”, thì trong quá trình chuyển nhượng chỉ cần chị Hoa đồng ý ký tên là việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện. 
 
 
 
Theo trình bày của chị Hoa, có thể xác định, Mây mời chị này lên phòng công chứng. Do biết nạn nhân không biết chữ nên đối tượng này yêu cầu chị điểm chỉ vào một tập giấy tờ mà chị này nghĩ là để vay tiền, nhưng đó lại là hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà cho Mây đã được các đối tượng chuẩn bị sẵn!
 
 
 
Theo Công an huyện Diên Khánh, đây là thủ đoạn mới của các đối tượng tín dụng đen. Những đối tượng này đã tẩy xóa các thông tin trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để qua mặt phòng công chứng, hòng thực hiện việc ký, chuyển nhượng nhà đất và sau khi đã ký rồi thì tài sản của họ sẽ bị những đối tượng này chiếm đoạt.
 
 
 
Năm 2013, Công an huyện Diên Khánh đã nhận được đơn của gần chục trường hợp người dân nghèo vay tiền của các đối tượng tín dụng đen mà không có hợp đồng vay mượn nên kết cục phải mất nhà, mất đất cho chủ nợ. Công an huyện Diên Khánh đã tiến hành trưng cầu giám định một số sổ đỏ có dấu hiệu tẩy xóa, trên cơ sở đó khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người dân nghèo.
 
 
 
V.N - L.G
 
-----------------------------------------------------
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.