09:12, 15/12/2013

Đền bù đất đai theo quy định mới: Phù hợp thực tiễn

Theo quy định Luật đất đai hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường tài sản gắn liền trên đất còn nhiều bất cập. Luật đất đai vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ tháng 7-2014, đã quy định rõ hơn về vấn đề này. Đây cũng là một điểm mới quan trọng góp phần giảm thiểu các khiếu nại khi Nhà nước thu hồi đất…

Theo quy định Luật đất đai hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường tài sản gắn liền trên đất còn nhiều bất cập. Luật đất đai vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ tháng 7-2014, đã quy định rõ hơn về vấn đề này. Đây cũng là một điểm mới quan trọng góp phần giảm thiểu các khiếu nại khi Nhà nước thu hồi đất…

 


Theo quy định hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ phải đền bù về đất, tài sản trên đất. Điều này được điều chỉnh bởi Luật đất đai, Nghị định 197/CP, Nghị định 84/CP và Nghị định 69/CP. Riêng ở Khánh Hòa còn được điều chỉnh bởi Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND về chi phí đền bù, hỗ trợ một số công trình trên đất tại địa bàn tỉnh. Việc đền bù về đất như vậy đã rõ, tuy nhiên, có một thực tế là người dân bỏ rất nhiều công sức để cải tạo đất, nâng cao giá trị sử dụng của đất nhưng khi Nhà nước thu hồi thì những chi phí này không được tính đến. Điều này khiến cho người bị thu hồi đất cảm thấy bức xúc, nảy sinh các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện.

 


Điển hình là trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Việc chính quyền không giải quyết thỏa đáng chi phí mà gia đình ông Vươn bỏ ra khi thu hồi đất đã khiến gia đình ông có những phản ứng quá mức. Ở Khánh Hòa, một số trường hợp khiếu nại kéo dài đã xảy ra ở Ninh Hòa, Diên Khánh. Chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Văn Sồ, tổ Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh. Ông được thừa kế phần đất mà ông nội và cha ông tạo lập từ thời vua Khải Định thứ 4 tại Hà Dừa, thôn Trường Lạc, xã Diên Thạnh (nay thuộc tổ 1 thị trấn Diên Khánh). Lúc đầu, đây là vùng đất hoang, không thể canh tác được, nhiều đời của gia đình ông phải bỏ rất nhiều chi phí, công sức vừa sản xuất vừa cải tạo để biến thành một vùng đất màu mỡ. Toàn bộ đất này đều có các giấy tờ sở hữu hợp lệ từ thời phong kiến đến trước năm 1975. Sau giải phóng, gia đình ông vẫn tiếp tục sử dụng đất ổn định. Nhưng đến năm 1987, phần đất này Tập đoàn sản xuất nông nghiệp của thị trấn lấy để đưa vào làm ăn tập thể mà không hề có quyết định nào của chính quyền xã, huyện. Khi bị lấy, trên đất đã có sẵn các công trình thủy lợi, giếng nước, thuận lợi cho việc sản xuất và hoa màu trên đất. Tuy vậy, gia đình ông không hề nhận được bồi thường cả về đất lẫn hoa màu. Chính vì thế, ông Sồ đã liên tục khiếu nại. Về đất, UBND huyện Diên Khánh đã có Quyết định giải quyết. Tuy nhiên, về tài sản gắn liền với đất, hoa màu và đặc biệt là chi phí cảo tạo đất thì không được giải quyết. Chính điều này khiến gia đình đã làm đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ phần tài sản và chi phí công sức bỏ ra để cải tạo đất khi Nhà nước thu hồi phần đất đó để thực hiện dự án khu đô thị mới Nam Sông Cái.

 


Vì sao lại có tình trạng này? Theo luật đất đai 2003, Nhà nước chỉ bồi thường về đất, còn việc bồi thường tài sản gắn liền trên đất thì chỉ được quy định bởi các Nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, pháp luật đất đai chưa công nhận phần chi phí, công sức khi người dân bỏ ra để tôn tạo, tăng giá trị sử dụng đất hoặc những thiệt hại về sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ 1-7-2014), vấn đề này đã được quy định trong luật. Theo đó, Luật đất đai 2014 có nhiều điều (điều 76 đến điều 78, điều 80) quy định về bồi thường chi phí đầu tư trên đất còn lại trong các trường hợp thu hồi đất. Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này. Ngoài ra, Luật còn quy định hẳn một chương về đền bù tài sản gắn liền trên đất và đặc biệt việc đền bù thiệt hại về sản xuất kinh doanh khi bị thu hồi đất là một quy định hoàn toàn mới.

 


Có thể thấy, Luật đất đai mới đã có những điểm hết sức tiến bộ trong vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Luật xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp mà Nhà nước phải thu hồi đất (như Hiến pháp vừa được thông qua) nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất; đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo dư luận xấu trong xã hội. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; khắc phục và điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước là chủ sở hữu về đất đai, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

 


Hy vọng rằng, với quy  đinh mới này, Luật đất đai sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý đất đai, phát huy tối đa giá trị của đất đai nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

 


L.M