09:12, 05/12/2013

Cả 2 lần xử đều sai

Mới đây, Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh về vụ án: "Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất" giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Điệp với bị đơn là ông Đỗ Nhánh, giao hồ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử lại theo đúng quy định pháp luật…

Mới đây, Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh về vụ án: “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Điệp với bị đơn là ông Đỗ Nhánh, giao hồ vụ án cho TAND tỉnh xét xử lại theo đúng quy định pháp luật…


Về vụ án này, ngày 9-6-2008, Báo Khánh Hòa đã đăng bài viết: “Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm có cơ sở?” phân tích việc hủy án và đình chỉ việc giải quyết vụ kiện của Tòa phúc thẩm là không có căn cứ pháp luật, cần phải được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.


Từ vụ tranh chấp di sản thừa kế…


Bản án phúc thẩm ngày 24-7-1979 của TAND tỉnh Phú Khánh về vụ án “Chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Liễu, bị đơn là ông Lê Công Tú và người có quyền lợi liên quan là ông Võ Đình Lạc đã quyết định mỗi người được 1/3 lô đất. Ông Lạc, ông Tú (đều chết năm 2002), khi còn sống không có đơn yêu cầu thi hành bản án và vẫn để bà Liễu quản lý.


Tháng 10-2006, bà Liễu có mời vợ con ông Tú và vợ con ông Lạc về để phân chia đất nhưng 3 gia đình không thỏa thuận được việc phân chia. Do đó, ngày 23-4-2007, bà Lê Thị Điệp (vợ ông Tú) có đơn khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) hiện do bà Lê Thị Liễu đang quản lý sử dụng. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (vợ ông Lạc) cũng có đơn yêu cầu với bà Liễu.


… đến vụ kiện “đòi quyền sử dụng đất”


Tại bản án dân sự ngày 26-9-2007, TAND tỉnh đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị Điệp và bà Nguyễn Thị Nhỏ được nhận lại tài sản chung là 3.504,1m2 đất tại thôn Đông, xã Vĩnh Phương...
Tại bản án phúc thẩm ngày 16-4-2008, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên xử: Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do là việc bà Điệp, bà Nhỏ kiện đòi lại tài sản chung đã được giải quyết tại bản án từ năm 1979. Việc Tòa thụ lý và xét xử là không đúng quy định pháp luật.


Sau đó, các đương sự liên tục khiếu nại. Ngày 6-4-2011, Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa phúc thẩm xử lại theo đúng quy định pháp luật.


Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều có sai sót


Ngày 12-8-2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, do ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa. Hội đồng xét xử đã nhận định, bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều có sai sót.


Về bản án sơ thẩm, quan hệ pháp luật mà Tòa án giải quyết năm 1979 là “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Liễu với bị đơn là ông Lê Công Tú; còn hiện nay là vụ án đòi lại QSDĐ đã được xác lập theo bản án có hiệu lực pháp luật giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Điệp với bị đơn là bà Lê Thị Liễu và ông Đỗ Nhánh là hai quan hệ tranh chấp khác nhau, nguyên đơn khác nhau và bị đơn cũng khác nhau. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết là có cơ sở.


Tuy nhiên, Tòa chưa xem xét đến trong thực tế công sức trong việc bảo quản, duy trì đất của gia đình bà Liễu đồng thời lại buộc gia đình bà Liễu trả cho những người thừa kế của ông Tú, ông Lạc mỗi gia đình 450m2 đất là không có căn cứ.  


Còn Tòa phúc thẩm cho rằng, việc tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án tranh chấp thừa kế có hiệu lực  năm 1979; từ đó hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án là đánh giá không đúng quan hệ pháp luật cần giải quyết và không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.


Hội đồng thẩm phán - TAND Tối  cao quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và  sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.


Như vậy, vụ kiện kéo dài hơn 6 năm, nay quay trở lại  điểm xuất phát và chưa biết đến bao giờ mới có điểm dừng.  


Nguyễn Tường Linh