11:12, 17/12/2012

Dưới góc nhìn pháp lý

Vì sao người dân không chịu sang tên, hậu quả pháp lý là gì, tai nạn xảy ra có phải chịu trách nhiệm liên đới… là những vấn đề được nhiều người dân quan tâm kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực.

Vì sao người dân không chịu sang tên, hậu quả pháp lý là gì, tai nạn xảy ra có phải chịu trách nhiệm liên đới… là những vấn đề được nhiều người dân quan tâm kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực.

Ngày 10-11-2012, Nghị định số 71/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Điều khiến người dân quan tâm nhất là quy định xử phạt chủ phương tiện (ô tô, xe máy...) không chuyển quyền sở hữu (thường gọi là xe không chính chủ). Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa xử phạt đối với hành vi này dù Nghị định đã có hiệu lực. Ở bài viết này, xin được bàn vấn đề xe không chính chủ dưới góc độ pháp lý.

Nỗi lo xe không chính chủ

Ngay từ khi có thông tin về việc Nhà nước sẽ xử phạt xe không chính chủ, rất nhiều người đã tỏ thái độ không đồng tình. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, một công chức bức xúc: Tôi quê ở Nghệ An, khi xin việc trong này, bố mẹ có mua cho tôi một chiếc xe biển số Nghệ An để đi làm. Nay biết tìm chủ cũ nơi nào để làm thủ tục sang tên? Còn chị Huỳnh Thị Tuyết Mai, một nhân viên ngân hàng cho biết: Nhà tôi có ô tô và có tài xế riêng, mỗi lần giao xe cho tài xế đi công chuyện, không lẽ tôi phải đưa giấy tờ xe cho anh ta? Cũng chung bức xúc đó, anh Lê Mạnh Quang, công nhân Khatoco cho biết, nhà anh chỉ có một chiếc mô tô do mẹ vợ mua cho vợ anh từ trước khi cưới. “Bây giờ, tôi thường xuyên phải chở vợ đi làm. Khi tôi đi công chuyện, không lẽ Nhà nước lại xử phạt tôi vì tội không đứng tên chiếc xe? Mà lúc đó, làm sao ngay lập tức chứng minh được mối quan hệ giữa tôi và vợ tôi? Không lẽ đi đâu cũng phải mang theo giấy đăng ký kết hôn, trong khi đây không phải là giấy tờ tùy thân”. Một số người còn thắc mắc, vậy những công nhân lái taxi thì sao? Xe có phải của họ đâu mà phải có giấy đăng ký đúng tên mình?

Đây là một số phản ứng về quy định xe chính chủ, và trên thực tế, còn nhiều trường hợp oái oăm khác liên quan đến quy định này. Và để đối phó với những quy định trên, trong thực tế, đã rục rịch xuất hiện những dịch vụ về xe chính chủ. Anh Nguyễn Quang Dũng, người đã mua một chiếc xe cũ có biển số tại Ninh Hòa cho biết: “Tôi mua chiếc xe này ở tiệm xe cũ; lúc đó chỉ mua bán giấy tay, trao tiền, lấy giấy chứng nhận đăng ký xe là xong. Bây giờ, liên hệ với tiệm bán xe, tôi mới biết, chiếc xe này đã qua 4 đời chủ nên rất khó tìm được người chủ đầu tiên. Chủ tiệm xe có giới thiệu cho tôi một người làm dịch vụ. Người này sẽ đứng ra liên hệ chủ cũ để sang tên cho tôi và ra giá 3 triệu đồng. Thấy giá hơi cao nên tôi chưa quyết, để chờ xem Nhà nước có thay đổi gì không, nếu không thì chắc cũng phải chịu thôi chứ mình thời gian đâu mà đi làm việc ấy”. Rất nhiều người khác cũng chia sẻ quan điểm này. Thậm chí, họ còn nêu ra giả thiết, nếu người chủ cũ qua đời rồi thì thủ tục còn cực kỳ phức tạp vì còn liên quan đến các quy định về thừa kế...

Việc xử phạt xe không chính chủ là một biện pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ
Việc xử phạt xe không chính chủ là một biện pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ

Những lo lắng ấy là có thể hiểu được bởi mức phạt về hành vi này được quy định rất cao. Vi phạm đối với mô tô, mức phạt từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng, còn đối với ô tô, thì mức tối đa có thể lên đến 10 triệu đồng. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là quy định ấy có đúng và phù hợp với thực tiễn?

Góc nhìn pháp lý

Về mặt pháp lý, Nghị định quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Điều này có bản chất khác hoàn toàn so với cách hiểu của một số người dân về “phạt xe không chính chủ”. Như trường hợp của anh Quang, chị Mai, hay các tài xế taxi nói trên, đó không phải vi phạm về quy định chuyển quyền sở hữu xe. Chính khái niệm thường dùng - “xe chính chủ” - khiến mọi người lầm tưởng là phải đi xe đúng của mình, trong khi bản chất vấn đề là việc làm thủ tục khi chuyển quyền sở hữu phương tiện. Vì thế, hiện nay, Nhà nước đang nghiên cứu để có thông tư hướng dẫn cụ thể, tránh hiểu nhầm cho người dân cũng như tạo điều kiện cho người dân được sang tên đổi chủ dễ dàng.

Vậy tại sao Nhà nước phải xử phạt nếu công dân không sang tên sở hữu phương tiện? Theo quy định hiện hành, mô tô, ô tô là tài sản bắt buộc phải đăng ký nên phải được sang tên khi chuyển quyền sở hữu. Việc chuyển quyền sở hữu chỉ hoàn tất khi Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký mới. Tuy nhiên, ở nước ta, thói quen mua bán bằng giấy tay đã quá phổ biến nên nhiều người không thực hiện đúng quy định này, một phần cũng bởi ngán ngại các thủ tục hành chính. Nhưng hệ quả của thói quen này lại rất phức tạp. Bởi nó vừa làm thất thu ngân sách (người dân trốn các loại phí, lệ phí sang tên) vừa khó cho công tác quản lý. Vấn đề là ở chỗ, khi mua bán bằng giấy tay, tuy 2 bên đã “tiền trao cháo múc”, ngỡ rằng không còn gì dính dáng đến nhau, nhưng về mặt pháp lý lại không phải như vậy. Vì trên thực tế, hồ sơ đăng ký ở cơ quan quản lý chưa ghi nhận sự thay đổi này, người đứng tên vẫn phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình. Giả sử trường hợp chiếc xe ấy gây tai nạn, người đứng tên sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình.

Vì thế, để chuẩn hóa lại việc quản lý các phương tiện, Nhà nước phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật mà xử phạt xe không chính chủ là cách làm hiệu quả nhất, tác động trực tiếp đến thói quen của người dân trong việc mua bán phương tiện. Dĩ nhiên, để thực hiện tốt vấn đề trên, bên cạnh xử phạt, Nhà nước cũng cần có những quy định bổ sung để tạo điều kiện cho người dân. Chẳng hạn, phải tạo điều kiện để người dân sang tên dễ dàng trong trường hợp khó xác định được chủ cũ hay có quy định giải thích rõ, thế nào là phương tiện chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Đó chính là lý do tại sao quy định này tuy đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa áp dụng mà còn phải chờ các văn bản hướng dẫn. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang soạn thông tư hướng dẫn về xe chính chủ; Bộ Công an cũng đang có dự thảo về đăng ký xe mua bán qua nhiều chủ thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng.

LÊ MINH