10:12, 26/12/2012

Lãnh “trái đắng” vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Không thực hiện đúng cam kết đã ký, một giáo viên Anh ngữ đã bị đơn vị sử dụng lao động kiện ra Tòa đòi bồi thường chi phí đào tạo với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Không thực hiện đúng cam kết đã ký, một giáo viên Anh ngữ đã bị đơn vị sử dụng lao động kiện ra Tòa đòi bồi thường chi phí đào tạo với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Năm 2007, Trường Ngoại ngữ Không Gian (nay thuộc Công ty Cổ phần - CTCP - Giáo dục Không Gian, TP. Hồ Chí Minh) và bà Nguyễn Hoàng Thanh Thủy (sinh năm 1984, trú Diên Đồng, Diên Khánh) ký hợp đồng đào tạo giáo viên Anh ngữ. Theo hợp đồng, trường sẽ cử bà Thủy đi học các lớp đào tạo để trở thành giáo viên giảng dạy Anh văn và đào tạo trở thành cử nhân ngữ học theo chương trình cử nhân của Hoa Kỳ với thời hạn 2 năm. Trường sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí để bà Thủy tham gia và hoàn thành các lớp đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, bà Thủy phải làm việc cho trường tối thiểu là 7 năm tính từ ngày ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức. Để đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Hoàng (cha ruột của bà Thủy) đã ký bảo lãnh cho bà Thủy cam kết chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ những chi phí nêu trong hợp đồng trong trường hợp bà Thủy không thực hiện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khóa học cử nhân ngữ học Hoa Kỳ được thay bằng khóa học cử nhân giáo dục Hoa Kỳ, trường đã thông báo cho bà Thủy về sự thay đổi trên và bà Thủy đã đồng ý bằng văn bản.

Sau khi hoàn thành khóa học, bà Thủy chính thức về làm việc tại Trường Ngoại ngữ Không Gian từ tháng 10-2008, với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, hợp đồng có thời hạn 7 năm. Tuy nhiên, ngày 26-3-2012, bà Thủy có thư gửi Phòng Hành chính đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, không thông báo trước với Công ty. Sau đó, Công ty có thư mời bà Thủy đến để giải quyết việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng bà Thủy không đến làm việc nên Giám đốc Công ty đã ra quyết định cho bà Thủy nghỉ việc. Công ty yêu cầu bà Thủy và ông Hoàng phải bồi thường chi phí đào tạo tổng cộng là 336,9 triệu đồng; tuy nhiên, trong quá trình học tập và làm việc tại Trường Ngoại ngữ Không Gian, bà Thủy có tham gia một số hoạt động ngoại khóa nên Công ty giảm cho bà Thủy khoảng 11 triệu đồng, còn lại bà phải bồi thường 325,9 triệu đồng. Do bà Thủy không chịu bồi thường và yêu cầu Công ty phải xuất trình đầy đủ hóa đơn về các khoản học phí đào tạo thì bà mới chịu bồi thường nên Công ty khởi kiện ra Tòa.

Phải bồi thường chi phí đào tạo

Tháng 10-2012, Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh đưa vụ kiện ra xét xử và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bà Thủy và ông Hoàng phải bồi thường chi phí đào tạo cho CTCP Giáo dục Không Gian 325,9 triệu đồng. Sau đó, bà Thủy và ông Hoàng có đơn kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm xét xử không khách quan, chưa xem xét các chứng cứ có trong vụ án, chưa thu thập và đánh giá chứng cứ khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên yêu cầu hủy án sơ thẩm.

Ngày 19-12, Tòa án nhân dân tỉnh xử phúc thẩm vụ kiện. Tại phiên tòa, bà Thủy cho rằng CTCP Giáo dục Không Gian không có chức năng đào tạo giáo viên Anh ngữ nên hợp đồng ký giữa bà với Trường Ngoại ngữ Không Gian (tiền thân của Công ty) là hợp đồng vô hiệu. Luật sư bào chữa cho bà Thủy cho rằng, Trường Ngoại ngữ Không Gian và Cơ sở ngoại ngữ Thượng Đỉnh (nơi bà Thủy được gửi đi đào tạo) không có chức năng đào tạo giáo viên giảng dạy Anh ngữ nên không thể buộc bà Thủy bồi thường các chi phí đào tạo. Tuy nhiên, CTCP Giáo dục Không Gian lại phản bác rằng: Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty được phép hành nghề kinh doanh các dịch vụ giáo dục (bao gồm đào tạo ngoại ngữ). Việc Công ty tổ chức đào tạo là nhằm bồi dưỡng nâng cao khả năng và kiến thức Anh ngữ cho nội bộ nhân viên, nhất là một số nhân sự được tuyển chọn làm giáo viên. Trên thực tế, Công ty có thỏa thuận với Cơ sở ngoại ngữ Thượng Đỉnh đào tạo nhân sự cho Trường Ngoại ngữ Không Gian nhằm cải thiện trình độ tiếng Anh và trình độ hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên, nhân viên và cán bộ của trường.

Căn cứ vào hợp đồng 2 bên đã ký kết, cũng như những tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: Trường Ngoại ngữ Không Gian đào tạo bà Thủy trở thành giáo viên giảng dạy tiếng Anh theo phương pháp, giáo trình và các tài liệu của trường, theo tiêu chuẩn riêng của trường chứ không phải theo quy định của Nhà nước, bà Thủy đã tự nguyện khi ký kết hợp đồng nên hợp đồng này không vi phạm pháp luật. Việc bà Thủy đơn phương chấm dứt HĐLĐ là đã vi phạm cam kết, nên việc CTCP Giáo dục Không Gian yêu cầu bà Thủy, ông Hoàng phải bồi thường chi phí đào tạo là có cơ sở. Các chi phí đào tạo cũng đã được phía Công ty xuất trình các hóa đơn, chứng từ liên quan, những phần bà Thủy không tham gia cũng đã được khấu trừ. Do đó, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận kháng cáo của bà Thủy, ông Hoàng và giữ nguyên án sơ thẩm.

Vụ việc trên là bài học cho những ai xem nhẹ pháp luật, nhất là trong việc ký kết và thực hiện các HĐLĐ.

NHẬT LỆ