Tình trạng thi công công trình làm ảnh hưởng đến công trình lân cận đang diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc giải quyết những vụ việc này thường gặp nhiều khó khăn…
Tình trạng thi công công trình làm ảnh hưởng đến công trình lân cận đang diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc giải quyết những vụ việc này thường gặp nhiều khó khăn…
Tranh cãi kéo dài
Năm 2010, căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Hóa (tổ dân phố Hương Long, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) bỗng xuất hiện nhiều vết nứt. Sự việc xảy ra trùng với thời điểm hộ ông Trần Văn Hiếu ở liền kề xây dựng nhà. Bà Hóa cho rằng, việc thi công nhà của ông Hiếu là nguyên nhân chính gây hư hại đến căn nhà của gia đình bà. Ngày 11-9-2010, UBND phường Ba Ngòi đã tổ chức hòa giải. Trong lần hòa giải này, bà Hóa yêu cầu ông Hiếu hỗ trợ 50% kinh phí để bà xây dựng lại nhà. Nhưng ông Hiếu lại cho rằng, trước khi ông xây nhà, tường nhà bà Hóa đã bị nứt, nên việc ông xây dựng nhà không ảnh hưởng đến nhà bà Hóa. Tuy nhiên, với tình nghĩa xóm giềng, ông sẽ cho sơn sửa lại những vết nứt trên tường nhà bà Hóa, nhưng không hỗ trợ kinh phí để xây lại. Hòa giải không thành, bà Hóa đã có đơn khiếu nại gửi Tòa án nhân dân TP. Cam Ranh. Nhưng hơn 1 năm sau khi Tòa án nhân dân TP. Cam Ranh thụ lý, vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Vết nứt trên tường nhà bà Nguyễn Thị Hóa. |
Một vụ khác: Trụ sở Văn phòng Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư 238 Ngô Gia Tự (Công ty này vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu xây dựng) có thiết kế 16 tầng được khởi công xây dựng từ tháng 12-2011. Việc xây dựng trên đã khiến căn nhà số 238 bị nứt tường, lún móng, lún nền. Ngay từ đầu, chủ nhà số 238 là bà Trần Anh Thư đã yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư 238 Ngô Gia Tự phải sửa chữa, khôi phục căn nhà như hiện trạng ban đầu, đồng thời bồi thường tổng cộng 104 triệu đồng. Tuy nhiên, phía gây thiệt hại chỉ đồng ý khôi phục hiện trạng công trình bị ảnh hưởng, không chấp nhận mức bồi thường này. Do vậy, bà Thư đã khiếu nại lên chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và cơ quan ngôn luận. Ngày 2-10-2012, UBND phường Phước Tiến đã tổ chức hòa giải. Phía bà Thư yêu cầu bồi thường 66 triệu đồng, nhưng bên gây thiệt hại chỉ chấp nhận khôi phục công trình hư hỏng và hỗ trợ 20 triệu đồng. Do các bên không thống nhất, UBND phường đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang mời cơ quan trung gian thẩm định giá trị thiệt hại, làm căn cứ để các bên thực hiện việc bồi thường. Tuy nhiên, vụ việc hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Khó trong khâu giám định
Thực tế, việc xác định mức thiệt hại của một ngôi nhà đã khó, nhưng việc phải tìm ra nguyên nhân gây lún, nứt lại càng khó hơn. Bà Nguyễn Thị Hằng - Chánh án Tòa án nhân dân TP. Cam Ranh cho biết, những ngôi nhà cấp 4 thường không có hồ sơ thiết kế, không khảo sát nền đất rõ ràng nên việc xác định nguyên nhân thường gặp khó khăn. Kể cả đơn vị chuyên giám định tài sản cũng không đủ phương tiện để xác định rõ mức độ cũng như nguyên nhân thiệt hại. Đây là khó khăn chung của cơ quan xét xử khi gặp những vụ việc tương tự. Thường, cách tốt nhất để giải quyết vụ việc là cả hai bên thỏa thuận được với nhau. Từ trước đến nay, đa số vụ án liên quan đến bồi thường thiệt hại về xây dựng đều không đưa ra xét xử được. Theo một số thẩm phán từng giải quyết các vụ án này, các vụ việc thường kéo dài, có khi đến 2 - 3 năm. Có vụ, do kéo dài quá lâu, các đương sự quá mệt mỏi với việc chờ đợi nên đành thỏa thuận cho xong. Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Phước - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Hiện các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là chưa có người giám định tư pháp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trong giám định thiệt hại về xây dựng nên việc trưng cầu giám định cũng gặp khó khăn”.
Tuy Pháp lệnh Giám định tư pháp ban hành đã lâu (năm 2004), nhưng chủ yếu chỉ điều chỉnh hoạt động giám định trong lĩnh vực hình sự. Các lĩnh vực liên quan đến xây dựng, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao, kinh doanh thương mại... vẫn chưa quy định cụ thể nên khi có tranh chấp xảy ra, rất khó giải quyết. Được biết, từ ngày 1-1-2013, Luật Giám định tư pháp sẽ chính thức có hiệu lực. Hy vọng, văn bản này sẽ khắc phục được những tồn tại nói trên.
ĐÌNH LÂM