07:10, 20/10/2012

Bất an với nạn trộm cắp gỗ sưa

Những năm gần đây, giá gỗ sưa (hay còn gọi là huỳnh đàn) tăng lên vùn vụt. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã liều lĩnh trộm cắp gỗ sưa, thậm chí còn manh động cướp sưa.

Những năm gần đây, giá gỗ sưa (hay còn gọi là huỳnh đàn) tăng lên vùn vụt. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã liều lĩnh trộm cắp gỗ sưa, thậm chí còn manh động cướp sưa. Tình trạng này đang gây không ít hoang mang cho người dân trên địa bàn  huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)…

Bất an vì gỗ sưa

Huyện Vạn Ninh được xem là nơi có nhiều bàn, ghế, giường, tủ và nhiều vật dụng trong nhà được làm bằng gỗ sưa. Một cái tủ đứng có giá vài triệu bỗng chốc được đẩy lên vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Chính vì giá trị của những món đồ gia dụng quá cao nên nó đã trở thành mục tiêu cho các đối tượng trộm cắp. Các đồ vật làm bằng gỗ sưa có cấu tạo cồng kềnh, do đó “đạo chích” thường tổ chức thành nhóm để dễ bề ra tay khi có điều kiện. Ban đầu, bọn chúng hay dùng các thủ đoạn thám thính, theo dõi các gia đình có gỗ sưa vào ban ngày và đợi đêm khuya để ra tay. Sau này do nhiều người phát hiện, cảnh giác, chúng chuyển hướng sang đóng giả những người đi mua gỗ để nắm tình hình và quan sát địa hình, đợi một thời gian cho gia chủ mất cảnh giác, chúng sẽ cạy cửa trộm đồ.

Hiện trường vụ cướp sưa ngày 25-9-2012 - những người bị hại (ảnh nhỏ) trong vụ cướp.
Hiện trường vụ cướp sưa ngày 25-9-2012

Theo số liệu thống kê của Công an huyện Vạn Ninh, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều xảy ra tình trạng trộm cắp gỗ sưa. Có những vụ trị giá lên tới hơn 500 triệu đồng, phải chuyển cho Công an tỉnh xử lý. Đặc biệt, các đối tượng ngày càng có các hành vi liều lĩnh và manh động. Điển hình như gia đình ông Lê Ngọc Lễ (trú tại thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng), vào cuối năm 2011 bị 6 đối tượng đều cư trú tại huyện Vạn Ninh vào nhà tháo 6 cánh cửa làm bằng gỗ sưa và chuyển đi bằng xe máy. Mới đây, ngày 25-9, gia đình bà Bùi Thị Trung (thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú) bị các đối tượng bịt mặt, dùng dao khống chế các thành viên gia đình để cướp đi khung bàn làm bằng gỗ sưa. Khi chúng tôi đến nơi xảy ra vụ cướp sưa, các thành viên gia đình bà Trung vẫn còn chưa hết hoảng sợ. “Bọn chúng dùng dao khống chế các thành viên trong gia đình làm ai cũng lo sợ, không dám chống cự. Nếu chúng tôi hô hoán, chắc chắn sẽ bị bọn chúng hành hung, không biết lúc đó có bảo toàn được tính mạng hay không. Thôi thì đành để bọn chúng cướp tài sản mang đi” - bà Trung nói.     

Tình trạng trộm cắp gỗ sưa diễn ra khắp nơi khiến nhiều người dân địa phương không khỏi bất an. Chị Nguyễn Hồng Mai (thôn Phú Cang, xã Vạn Phú) lo lắng: “Gia đình nào có gỗ sưa trong nhà lúc nào cũng nơp nớp lo sợ bị trộm ghé thăm. Bọn chúng trộm đồ đã đành, không cẩn thận còn bị bọn chúng đánh trọng thương. Gia đình nhà tôi cũng có một trang thờ bằng gỗ sưa. Đây là đồ thờ gia tiên nên không thể bán, nhưng để trong nhà thì lại lo không biết bọn chúng “ghé thăm” lúc nào”. Cũng cùng tâm trạng chị Mai, ông Hoàng Văn Bình (xã Vạn Hưng) cho biết: “Nhà tôi có cái bàn thờ bằng gỗ sưa được ông bà để lại, nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi không bán. Bọn trộm thường xuyên rình mò, song vì gia đình cảnh giác cao nên chúng không làm gì được. Tuy nhiên, trước tình trạng trộm cắp gỗ sưa như hiện nay, chắc tôi phải đem đi gửi, chứ già cả như tôi dễ bị bọn chúng vào nhà hành hung rồi cướp mất”.

Lực lượng Công an gặp khó

Tuy nạn trộm cắp gỗ sưa xảy ra khá nhiều, nhưng lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn khi trấn áp loại tội phạm này. Từ năm 2010 đến nay, đã có rất nhiều vụ trộm cắp gỗ sưa xảy ra nhưng đến nay vẫn còn nhiều vụ chưa điều tra được thủ phạm. Ông Ngô Hữu Nghiệp - Phó Chủ tịch xã Vạn Phú cho biết: “Lâu nay chỉ xảy ra tình trạng trộm cắp chứ chưa xảy cướp gỗ. Vụ cướp mới đây tại gia đình bà Bùi Thị Trung là vụ đầu tiên. Điều đó cho thấy các đối tượng tội phạm ngày càng manh động. Trước đây, tại xã Vạn Phú cùng từng có gia đình bị bọn trộm dùng thuốc mê gây mê cả nhà rồi lẻn vào lấy mấy chiếc ghế làm bằng gỗ sưa. Vụ trộm này hiện vẫn chưa tìm ra thủ phạm, ngay cả vụ của gia đình bà Trung hiện vẫn chưa tìm được manh mối nào”.

Theo Trung tá Ngô Minh Thư - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Vạn Ninh: “Tình trạng trộm cắp gỗ sưa bắt đầu rộ lên từ cuối năm 2010. Các đối tượng thường sử dụng một nhóm người ở địa phương chuyên đi thăm dò xem nhà ai có đồ gỗ sưa để từ đó có kế hoạch gây án. Án trộm là 1 trong những loại án khó, thời gian gây án thường rơi vào đêm khuya nên rất khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra. Bên cạnh đó, khi đem đi tiêu thụ, các đối tượng cũng tiêu thụ lén lút vào ban đêm, thậm chí là ngay sau thời điểm gây án. Việc mua bán gỗ huỳnh đàn hiện địa phương không quản lý được. Trên địa bàn huyện có khoảng 4 nhóm chuyên mua bán loại gỗ này. Các nhóm này chủ yếu là mua theo sự đặt hàng của các thương lái Trung Quốc. Tuy gỗ sưa là một trong những loại gỗ cấm khai thác, buôn bán, nhưng ở đây là các vật dụng đã qua sử dụng nên pháp luật không cấm. Từ trước đến nay cũng chưa thấy một văn bản nào cấm về việc mua bán các vật gia dụng làm bằng gỗ sưa”.

Tuy tình trạng trộm cắp các vật dụng bằng gỗ sưa vẫn tiếp tục diễn ra nhưng có thể thấy, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống vẫn chưa cao. Thậm chí, có nhiều vụ trộm không được người dân báo với cơ quan Công an để lực lượng chức năng có điều kiện nắm bắt và xử lý. Chính vì lẽ đó, từ năm 2010 đến nay, số vụ trộm được phá và đối tượng bị bắt chỉ mới bằng số nhỏ các vụ việc đã xảy ra. Để cùng với lực lượng Công an ngăn chặn tình trạng trộm cắp gỗ sưa, đã đến lúc người dân cần tăng cường hơn nữa tinh thần cảnh giác, tố giác trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.

ĐÌNH LÂM

 Ông Lê Văn Tân - Hạt trưởng hạt kiểm Lâm Vạn Ninh: Gỗ sưa tự nhiên hiện nay không còn. Ngày trước loại gỗ này có nhiều ở địa bàn xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh. Loại gỗ mà các đối tượng đang mua bán trên thị trường chủ yếu là các vật dụng của người dân. Đối với các loại vật dụng này, pháp luật không cấm mua bán do đó lực lượng kiểm lâm không thể can thiệp.