Vì mâu thuẫn trong gia đình, ở tuổi gần đất xa trời, người mẹ đã viết đơn kiện để yêu cầu con trai trưởng trả lại đất. Tình nghĩa mẹ con, anh em ruột thịt cũng không còn như xưa.
Vì mâu thuẫn trong gia đình, ở tuổi gần đất xa trời, người mẹ đã viết đơn kiện để yêu cầu con trai trưởng trả lại đất. Tình nghĩa mẹ con, anh em ruột thịt cũng không còn như xưa.
Đòi lại đất vì con bất hiếu
Theo đơn kiện của bà T.T.V (sinh năm 1929, trú huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), bố mẹ của bà mất sớm, để lại cho bà một mảnh đất rộng 2.600m2 nhưng không có giấy tờ. Lớn lên, bà đi lấy chồng ở nơi khác. Đến năm 1977, chồng mất, bà V. dẫn các con về dựng nhà, sống tại mảnh đất bố mẹ để lại. Sau đó, gia đình bà V. gia nhập hợp tác xã nhưng vẫn giữ lại mảnh đất này. Rồi các con của bà lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Bà V. sống chung với gia đình con trai trưởng là N.V.T. Trong quá trình ở chung, ông T. đã tự ý đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Mãi đến năm 2009, bà V. mới biết. Do vợ chồng ông T. bất hiếu nên bà V. làm đơn khởi kiện để yêu cầu con trai trả lại 2.100m2 đất, bà chỉ cho ông T. 500m2 mà ông đã làm nhà trên đó.
Phía bị đơn - ông T. - lại cho rằng mảnh đất này do bố đẻ của ông mua lại từ bà ngoại. Ông được cha ủy quyền (bằng miệng) cho sử dụng mảnh đất này. Năm 1979, ông đã giao toàn bộ đất của gia đình cho hợp tác xã để làm ăn chung, chỉ giữ lại số đất xung quanh nhà là 500m2. Đến năm 1981, ông có nhận khoán lại 2.100m2 đất ruộng xung quanh nhà, nhưng vì thiếu nước nên đã chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Năm 1997, gia đình ông (có 9 nhân khẩu) được Nhà nước cấp đất theo Nghị định 64 của Chính phủ với tổng diện tích đất 8.630m2, trong đó có 2.600m2 đất vườn nhà (hiện đang tranh chấp). Ông T. cho rằng, gia đình ông được Nhà nước cấp mảnh đất này chứ không phải của bà V. nên không trả lại đất. Thay vào đó, ông chỉ trả cho mẹ số ruộng Nhà nước đã cấp cho 1 nhân khẩu là 630m2.
Còn đâu tình nghĩa?
Đầu năm 2012, Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh đã đưa vụ án ra xét xử. Tòa sơ thẩm nhận định, nguồn gốc đất tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của bà V., tuy nhiên cần tính đến công quản lý và cải tạo đất đai của vợ chồng ông T. từ nhiều năm nay. Theo đó, Tòa đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà V., buộc ông T. cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải trả lại cho bà V. một nửa diện tích đất đang tranh chấp (1.340m2).
Không đồng ý với bản án của Tòa sơ thẩm, ông T. làm đơn kháng cáo. Trong ngày xét xử phúc thẩm, ông T. không tới mà ủy quyền cho con gái và luật sư. Sau khi xem xét chứng cứ, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định, nguồn gốc số đất trên là của gia đình bà V. nhưng gia đình đã nhập vào hợp tác xã để làm ăn chung nên mảnh đất trên không còn là tài sản của họ. Việc UBND huyện Diên Khánh cấp đất cho vợ chồng ông T. là đúng pháp luật; khi gia đình con trai được cấp đất, bà V. không có ý kiến gì, chỉ đến khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình, bà V. mới làm đơn kiện đòi lại đất. Từ đó, HĐXX phúc thẩm nhận định, việc Tòa sơ thẩm xác định mảnh đất trên của bà V. là chưa chuẩn xác.
Theo Tòa, nếu xử theo luật, bà V. chỉ được một phần rất nhỏ diện tích mảnh đất đang tranh chấp. Để giữ tình cảm trong đại gia đình bà V., chủ tọa phiên tòa đã vận động gia đình ông T. tự nguyện cắt thêm một phần đất cho mẹ như một cách báo hiếu; thế nhưng, con gái ông T. không đồng ý. Chủ tọa tiếp tục gợi ý để con gái ông T. gọi điện thuyết phục bố tự nguyện cắt đất cho bà V., nhưng ông T. một mực từ chối, yêu cầu Tòa xử theo luật định.
Không thuyết phục được đương sự, HĐXX đã tuyên xử chấp nhận đơn kháng cáo của ông T., hủy án sơ thẩm; bà V. chỉ được phần đất có diện tích 375m2. Nghe Tòa tuyên án, ông N.V.Đ - con trai thứ của bà V. có mặt tại phiên xử - đã lớn tiếng phản đối. Ông Đ. cho rằng, phán quyết của Tòa là bất công, bởi cùng là con cái nhưng ông T. được quyền độc chiếm toàn bộ đất đai của bố mẹ để lại, trong khi ông không có một tấc đất cắm dùi... Đến lúc này, nhiều người lờ mờ nhận ra, việc bà V. đòi lại đất còn có những uẩn khúc khác. Dường như, việc bà V. đòi lại đất có sự tác động không nhỏ từ ông Đ.; bởi gia đình có mâu thuẫn, ông không đứng ra giảng hòa, hàn gắn tình cảm giữa anh trai và mẹ mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”.
Phiên tòa kết thúc với phần thắng thuộc về ông T. Nhìn dáng liêu xiêu của bà V. được con trai dìu khỏi Tòa, nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Ở tuổi ngoài 80, đáng lẽ bà V. được sống trong sự yêu thương của con cháu thì lại rơi vào cuộc chiến pháp lý để tranh giành đất đai với con cháu mình.
NHẬT LỆ