07:09, 26/09/2012

Cũng tại cái “sổ đỏ”

Ranh giới giữa hai nhà đã tồn tại từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước cấp sổ cho cả 2 nhà thì tranh chấp xảy ra do việc thể hiện ranh giới chưa chính xác. Cuối cùng, 2 bên phải nhờ đến Tòa án.

Ranh giới giữa hai nhà đã tồn tại từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước cấp sổ cho cả 2 nhà thì tranh chấp xảy ra do việc thể hiện ranh giới chưa chính xác. Cuối cùng, 2 bên phải nhờ đến Tòa án.

Sự việc bắt đầu vào tháng 4-2011, khi nhà bà Huỳnh Thị Phấn (sinh năm 1939, trú Phú Ân Nam, Diên An, Diên Khánh, Khánh Hòa) chuẩn bị xây nhà cho con trai trên phần đất giáp ranh với nhà bà Trần Thị Khải Phương. Khi phát quang đất, bà Phấn phát hiện có một ống nước của nhà bà Phương (được xây dựng từ năm 2004) chạy trên phần móng tường rào giữa 2 nhà (được xây dựng từ năm 1990). Bà Phấn yêu cầu bà Phương tháo dỡ nhưng bà Phương không đồng ý. Để xây dựng cho kịp tiến độ, bà Phấn đã cắt ống nước đó. Mâu thuẫn xảy ra khi bà Phương cho rằng ống nước này vẫn nằm trên phần đất nhà mình. Bà Phương đã khởi kiện bà Phấn ra Tòa để đòi 3m2 đất. Tại phiên xử, khi hội thẩm hỏi vị trí đất lấn chiếm và kích thước cụ thể thì bà Phương không trả lời được nên Tòa hoãn phiên xử. Sau đó, bà Phương căn cứ vào sổ đỏ giữa 2 bên và thực tế sử dụng đất đã bổ sung yêu cầu khởi kiện, tăng diện tích đất đòi lại lên 14m2.

Đoạn ống nước lộ thiên của bà Phương được cho là nằm trên móng tường rào của bà Phấn.
Đoạn ống nước lộ thiên của bà Phương được cho là nằm trên móng tường rào của bà Phấn.

Mất tình vì chút đất

Cả trăm năm nay, 2 phần đất này vốn cách nhau bởi một hàng cây duối. Trải qua nhiều thế hệ sử dụng, 2 bên không hề có tranh chấp. Đến thời bà Phấn và bà ngoại của bà Phương, gia đình bà Phấn đặt vấn đề xây tường ranh giới và được bà ngoại và cậu bà Phương chấp nhận với điều kiện bụi duối phải nằm trên đất của họ. Năm 1990, phía bà Phấn xây một hàng móng đá chẻ dài khoảng 34m dọc theo bụi duối từ trước ra sau. Trên móng có dựng trụ để rào lưới B40. Trong suốt quá trình thi công, bà ngoại và cậu của bà Phương đều chứng kiến việc thợ đặt móng và không có ý kiến gì. Vì hàng bụi duối không thẳng nên móng tường rào cũng cong, phần lồi nằm ở phía nhà bà Phấn.

Đến năm 1995, thực hiện chủ trương giao đất theo Nghị định 64/CP, Nhà nước đã cấp sổ cho cả 2 nhà nhưng tiếc thay, ranh giới giữa 2 lô đất được vẽ không như hiện trạng mà lại là một đường thẳng nối giữa điểm đầu và điểm cuối của trụ rào. Chính đấy là nguyên nhân mà sau này mà bà Phương cho rằng bà Phấn lấn đất của mình. Tuy nhiên khi nhận sổ, không ai có ý kiến gì vì họ vẫn sử dụng đất theo ranh giới thực tế.

Thực ra, quan hệ trước đó giữa 2 bên rất tốt đẹp. Cả 2 bên đều tôn trọng ranh giới đất hiện hữu. Bằng chứng là năm 2004, khi bà Phương cất nhà, phía bà Phương cũng không xây dựng theo ranh giới trên sổ mà dựa trên ranh giới thực tế. Vì bà Phương xây nhà thẳng nên phần móng nhà bà Phương chỉ tiếp xúc móng rào cũ tại điểm giữa, còn 2 đầu thì hở ra. Có lẽ vì thế mà bà Phương lại chạy một ống nước bên hông nhà từ trước ra sau. Sự tôn trọng ranh giới đó còn thể hiện ở chỗ khi bà Phương trổ cửa sổ sang phần đất của bà Phấn thì bà Phấn có yêu cầu bịt lại. Bà Phương đã viết giấy cam kết sẽ bịt cửa sổ khi bà Phấn cất nhà.

Mâu thuẫn leo thang

1
Hình dạng hiện trạng lô đất bà Phương đang sử dụng (ảnh 1) khác xa so với hình dạng đất vẽ trên sổ đỏ

Khi cất nhà trên móng có sẵn, phát hiện có ống nước chạy trên đất của mình, bà Phấn yêu cầu bà Phương tự tháo dỡ nhưng không được nên đã cắt ống nước để thi công. Từ đó, phía bà Phương mới kiện. Ban đầu, bà Phương cho rằng ống nước nằm trên đất của mình nên chỉ kiện bà Phấn lấn chiếm ranh giới (khoảng vài cm dọc tường nhà). Thế nhưng một khi đã đưa yêu cầu ra “công đường” thì phải có cơ sở pháp lý. Chính vì thế, khi bà Phương đưa sổ đỏ ra làm bằng chứng thì mới phát hiện ranh giới 2 bên là 1 đường thẳng chứ không phải là đường cong hình móng ngựa. Nếu đo đúng như ranh giới trên sổ thì cả một phần đất lồi ra lâu nay của bà Phấn sẽ thuộc về bà Phương. Do vậy, ban đầu bà Phương chỉ đòi có 3m2 nhưng sau khi xem lại sổ; bà Phương làm đơn bổ sung đòi lên đến 14m2 đất. Điều này khiến bà Phấn rất uất ức vì gia đình bà bao đời nay sống ngay thẳng, cuộc sống cũng không túng thiếu gì mà nay bị mang tiếng là lấn đất của người khác.

Vấn đề từ quá khứ để lại

Như vậy, mấu chốt vấn đề ở đây là việc xác lập ranh giới giữa 2 nhà trong quá khứ được thực hiện ra sao? Làm việc với ông Trần Duy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Diên An và ông Hồ Thanh Tân, cán bộ địa chính xã, chúng tôi được biết: Việc cấp sổ cho 2 nhà được thực hiện đồng thời vào năm 1995. Thời điểm đó, vì thực hiện chủ trương giao đất nông nghiệp nên việc vẽ ranh giới cũng không thật chính xác so với thực tế. Đây là vấn đề chung và tồn tại rất nhiều ở địa phương chứ không riêng gì trường hợp của bà Phấn với bà Phương. Về chuyên môn, ông Tân giải thích, ranh giới giữa 2 nhà là hàng rào dài đến 34m có độ cong rất nhỏ. Khi vẽ bản đồ tỷ lệ 1/2.000, độ cong đó rất khó thể hiện vì một nét bút 0,5mm cũng lên tới gần 1m trên thực tế.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, căn cứ để bà Phương làm sổ đỏ là 1 tờ giấy tương phân của bà ngoại bà Phương để lại. Theo giấy tương phân này, bà Phương được bà ngoại cho 1 lô đất giáp với đất bà Phấn, có diện tích là 5m x 34m. Như vậy tổng diện tích đất chỉ là 170m2. Nhưng trên sổ cấp cho bà Phương thì diện tích lên đến 210m2. Mặt khác, hình dạng lô đất bà Phương đang sử dụng hiện cũng khác xa so với hình dạng được vẽ trên sổ đỏ. Điều này càng chứng tỏ việc cấp sổ ở thời điểm đó không hẳn đã chính xác bởi bà Phương cũng chỉ sử dụng đất đúng như diện tích mà bà ngoại đã cho.

Vụ việc hiện đang được Tòa án giải quyết. Theo quy định, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xét xử tranh chấp đất đã được cấp “sổ đỏ”. Tuy nhiên trong trường hợp này, nếu chỉ căn cứ vào sổ thì rõ ràng sẽ không đủ thuyết phục. Do vậy, Tòa án cần phải dựa vào những chứng cứ khác. Dư luận đang chờ đợi sự phán quyết công bằng của Tòa án để chấm dứt mâu thuẫn của người dân.

LÊ MINH