Được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thủng dạ dày, bé gái 4 tuổi đã được mổ cấp cứu và được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã tử vong.
Được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thủng dạ dày, bé gái 4 tuổi đã được mổ cấp cứu và được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã tử vong.
Thủng lớn ở dạ dày
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân T.N.T.Q. (4 tuổi, ở tổ 3, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) nhập viện lúc 17 giờ 2 phút ngày 11-9 với bệnh cảnh: bụng trướng căng, bí trùng đại tiện, vã mồ hôi, mạch 100 lần/phút nhưng còn tỉnh táo. Qua chẩn đoán, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị thủng tạng rỗng, các bác sĩ đã lập tức mổ cấp cứu. Kết quả phẫu thuật cho thấy, cháu T.N.T.Q. bị thủng một lỗ lớn ở dạ dày, xì nước, xì cơm và dịch. Sau mổ, bệnh nhi có diễn biến nặng và được đưa lên Phòng Hồi sức Khoa Nhi của Bệnh viện để tiếp tục điều trị. Đến 18 giờ 55 ngày 15-9, bệnh nhi tím tái toàn thân, ngưng tim, ngưng thở. 19 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhi tử vong.
Theo bác sĩ Cao Việt Dũng, bệnh nhi tử vong do suy hô hấp, suy tuần hoàn; viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng. Bác sĩ Cao Việt Dũng nhận định, việc thủng dạ dày của bệnh nhi này có thể là do cơ học hoặc do căng tức. Cũng theo bác sĩ Dũng, trường hợp bệnh nhân bị thủng dạ dày một lỗ lớn là hiếm gặp.
Cơ sở giữ trẻ không phép
Việc bé T.N.T.Q. tử vong đã khiến dư luận băn khoăn. Nhiều người cho rằng, hậu quả này có liên quan đến một cơ sở giữ trẻ ở phường Vĩnh Trường.
Nằm trong khu vực dân cư đang đối mặt với ô nhiễm môi trường, nhà bà Nguyễn Thị Túy Phượng (số 6 đường Phạm Thị Bất, phường Vĩnh Trường, Nha Trang) là điểm giữ trẻ có khá đông cháu nhỏ, tuy không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Điểm giữ trẻ của bà Phượng nằm trong một con ngõ nhỏ rộng hơn 1m, dài chừng vài trăm mét. Mùa này, dọc theo con ngõ, có nhiều hộ dân chế biến hải sản, hàng hóa phơi bốc mùi nồng nặc. Dưới mặt đường, nhiều đoạn luôn có nước thải từ các hộ chảy ra. Tuy nhiên, điểm giữ trẻ của bà Phượng vẫn thu hút khá nhiều phụ huynh địa phương đưa trẻ đến gửi (đa số các cháu đều là con em gia đình ngư dân). Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Túy Phượng thừa nhận, điểm giữ trẻ của bà hoạt động đã lâu và không có giấy phép của cơ quan chức năng. Lúc đầu, gia đình bà chỉ giữ hộ con cháu trong nhà. Từ đầu năm 2012 đến nay, mỗi ngày, điểm giữ trẻ của bà luôn có khoảng 10 - 12 cháu, với mức phí 600 nghìn đồng/cháu/tháng. Thức ăn cho các cháu đều do bà Phượng tự đi chợ mua về và chế biến tại gia đình. Theo bà Phượng, những người tham gia giữ trẻ ở đây đều là người trong dòng họ, trong đó, có 1 người đã nhiều tuổi, khiếm thị và 1 người bị thiểu năng trí tuệ.
Cơ sở trông giữ trẻ của bà Nguyễn Thị Túy Phượng được một số người dân ghi nhận có những điểm tích cực như: các cháu lên cân, khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự việc xảy ra trong tuần qua với cháu T.N.T.Q (con của vợ chồng anh T.N.Q. và chị P.T.T) lại khiến nhiều người dân lo lắng. Được biết, sáng 11-9, chị P.T.T chở con đến điểm giữ trẻ của bà Phượng gửi như mọi ngày. Đến chiều, cháu Q. đột nhiên có những dấu hiệu bất thường và nói bị đau bụng. Thấy vậy, bà Phượng đã điện thoại cho mẹ cháu và cùng chị đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chữa trị.
Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, nắm tình hình việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; chính quyền địa phương cần xử lý dứt điểm các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân không có giấy phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Trường hợp này, cơ sở giữ trẻ của bà Phượng chỉ cách UBND phường Vĩnh Trường khoảng 1km, thế nhưng vẫn hoạt động trong một thời gian dài!
Nguyên nhân nào khiến cháu T.N.T.Q. thủng dạ dày và tử vong sau đó là điều cần được cơ quan chức năng làm rõ.
THÀNH LONG