Một Việt kiều đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhiều thiết bị máy móc để kinh doanh tại Nha Trang. Ông nhờ một người quen đứng tên nhưng khi cơ sở hoạt động thì hai bên mâu thuẫn.
Một Việt kiều đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhiều thiết bị máy móc để kinh doanh tại Nha Trang. Ông nhờ một người quen đứng tên nhưng khi cơ sở hoạt động thì hai bên mâu thuẫn. Lúc 2 bên đưa nhau ra Tòa thì toàn bộ số tiền đầu tư lẫn thiết bị máy móc đã “bốc hơi”. Do đó, tuy Tòa án xử cho ông Việt kiều thắng kiện nhưng việc thi hành án gần như bế tắc…
Góp vốn làm ăn nhưng bị trở mặt
Năm 2007, ông Tạ Đức Thịnh, Việt kiều người Slovakia đến Nha Trang. Là nhà kinh doanh, ông thấy Nha Trang có môi trường kinh doanh tốt nên muốn đầu tư một quán kem cà phê. Lúc này ông có quen với bà Võ Xuân Dung (hộ khẩu tại 6/3A Bùi Thị Xuân và thường trú tại 10B Lê Đại Hành, Nha Trang) khi bà đang là nhân viên của Công ty Du lịch Khánh Hòa. Khi quan hệ tương đối thân thiết, ngày 25-1-2008, ông Thịnh với bà Dung đã ký kết một hợp đồng góp vốn với nội dung: bà Dung thuê mặt bằng tại 62 Trần Phú và đăng ký kinh doanh (giấp phép đăng ký kinh doanh đứng tên bà Dung được cấp ngày 17-12-2007), cũng là người đứng ra kinh doanh. Trước đó, ông Thịnh đã chuyển 160 triệu đồng, 4.000 USD và 6.000 Euro cho bà Dung. Ông Thịnh cũng chuyển một số thiết bị gồm 1 máy sản xuất kem của Italia, 1 tủ bảo quản kem, 1 máy pha cà phê kèm phụ tùng và các trang thiết bị khác phục vụ việc sản xuất và bán kem với tổng trị giá 1.370 USD. Hóa đơn vận chuyển lô hàng này từ Đức về Việt Nam là 2.753 Euro.
Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn, giữa 2 bên phát sinh mâu thuẫn. Ông Thịnh cho rằng bà Dung đã không báo cáo kết quả kinh doanh minh bạch, còn bà Dung thì tuyên bố đây là cửa hàng của mình đầu tư nên ông Thịnh không có quyền đòi hỏi quyền lợi gì. Vì thế đến tháng 2-2010, ông Thịnh đã có đơn kiện lên Tòa án nhân dân TP. Nha Trang yêu cầu bà Dung phải trả lại tài sản mà ông đã đầu tư.
Năm 2012, khi vụ việc được Tòa án xét xử, bà Dung khai rằng do bà và ông Thịnh quen biết và sống chung như vợ chồng nên ông Thịnh có yêu cầu bà nghỉ việc để kinh doanh. Toàn bộ tài sản là của ông Thịnh cho bà để giúp bà mở cửa hàng kinh doanh chứ không phải góp vốn làm ăn bởi hợp đồng góp vốn chỉ một mình bà ký. Sau đó bà Dung xin hủy lời khai này và khai lại rằng toàn bộ cơ sở này là của bà, không liên quan gì đến tài sản của ông Thịnh.
Tuy nhiên, trước những chứng cớ rõ ràng về hợp đồng góp vốn, các hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng, vận đơn của công ty vận chuyển, Tòa án cho rằng yêu cầu của ông Thịnh là đúng và có cơ sở nên xử buộc bà Dung phải trả lại số tiền cho ông Thịnh trên 218 triệu đồng (bao gồm số tiền đã chuyển và giá trị của các thiết bị tính đến thời điểm xét xử), 4.000 USD và 6.000 Euro.
Khó thi hành bản án vì đương sự đã tẩu tán tài sản
Tuy nhiên, bản án này có nguy cơ không thực hiện được bởi cho đến khi ông Thịnh gửi đơn yêu cầu thi hành án thì bà Dung không có tài sản gì để thi hành án. Việc này khiến ông Thịnh khá bức xúc. Ông cho rằng pháp luật đã không bảo vệ quyền lợi của ông đúng mức. Lý do là thời gian xét xử quá lâu và các cơ quan chức năng đã không kiên quyết phong tỏa tài sản nên đương sự đã tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Cụ thể, vào tháng 2-2010, khi ông làm đơn kiện ra Tòa thì bà Dung đã có ý định tẩu tán tài sản. Ông đã làm đơn yêu cầu ngăn chặn, niêm phong số tài sản thiết bị nhưng yêu cầu đó của ông không được đáp ứng nên đã tạo điều kiện cho bà Dung tẩu tán tài sản. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng nhận định khi tiến hành xét xử thì quán kem và quầy mỹ nghệ tại 62 Trần Phú đã không còn. Tất cả các máy móc và trang thiết bị sản xuất kem đã bị bà Dung chuyển đi. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa đã nhiều lần triệu tập, niêm yết nhưng bà Dung không đến Tòa án, không hợp tác. Đó là chưa kể trong thời gian Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án, bà Dung đã làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài để xuất cảnh nhưng do có yêu cầu của nguyên đơn nên Tòa án nhân dân tỉnh mới có quyết định cấm xuất cảnh.
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết vụ án quá chậm. Kể từ khi ông Thịnh có đơn khởi kiện cho đến khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử là gần 2 năm, trong khi quy định thời hạn xét xử đối với vụ việc này chỉ 4 tháng hoặc tối đa cũng chỉ là 6 tháng (nếu vụ việc phức tạp). Chính sự chậm trễ này đã khiến các đương sự có đủ thời gian để tẩu tán tài sản nhằm tránh nghĩa vụ thi hành án về sau. Được biết, vào cuối năm 2010, tức là hết thời hạn xét xử vụ án mà Tòa án chưa xét xử, ông Thịnh cho rằng có một thế lực đứng sau giúp cho bà Dung lách luật nên đã làm đơn gửi cho các cơ quan tư pháp cấp Trung ương nhưng cũng phải mất cả năm sau Tòa án tỉnh mới đưa vụ án ra xét xử.
Có thể nói, bản án đã tuyên rất công bằng, hợp lý và đúng luật nhưng việc thực hiện bản án đó là rất ít khả năng vì đương sự không có tài sản. Theo quy định, chỉ khi nào bà Dung có tài sản thì mới tiếp tục thi hành án. Trong khi đó, việc xác minh bà Dung có tài sản hay không là trách nhiệm của ông Thịnh. Nhưng với việc ông Thịnh là Việt kiều, không cư trú thường xuyên ở Nha Trang, lại không am hiểu về pháp luật Việt Nam, bản án trên sẽ rất khó thi hành. Đây là một trong những điểm yếu của hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân.
P.V