Nhà, đất của người phải thi hành án đã bị kê biên, bán đấu giá cho người khác, nhưng chủ tài sản không tự nguyện giao tài sản.
Nhà, đất của người phải thi hành án đã bị kê biên, bán đấu giá cho người khác, nhưng chủ tài sản không tự nguyện giao tài sản. Trong thời gian chờ cưỡng chế giao tài sản, người phải thi hành án và đồng sở hữu tài sản bị phát mãi đã thương lượng với người mua xin chuộc lại. Khi không thỏa thuận được về giá cả, họ đã khiếu nại chấp hành viên thi hành án cùng chủ tài sản mới “ép giá”, nhưng thực tế không phải như vậy.
. Xin chuộc lại tài sản đã phát mãi
Từ năm 2007 - 2008, bà Nguyễn Hoàng Diệu Huyền (thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) làm chủ cái nhiều dây huê với hàng chục người tham gia. Trong thời gian này, có nhiều người hốt huê, nhưng sau đó không tiếp tục đóng lại để bà Huyền chi trả cho những người hốt sau, vì thế chủ cái đã trở thành con nợ của hàng chục con huê với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Việc nợ nần giữa bà Huyền và các những người chơi huê nói trên đã được Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm giải quyết bằng các vụ án dân sự. Theo đó, bà Huyền phải thi hành án 19 vụ, trong đó có 6 vụ thi hành án phí, 13 vụ trả nợ công dân, tổng cộng hơn 243 triệu đồng. Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của những người được thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm đã tiến hành các thủ tục để thi hành các bản án nói trên, nhưng bà Huyền không tự nguyện thi hành án. Vì vậy, cơ quan thi hành án buộc phải cưỡng chế kê biên, phát mãi tài sản là nhà, đất (do bà Huyền cùng chồng là ông Nguyễn Văn Hùng đồng sở hữu) tại thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm.
Ngày 4-4-2012, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ở xã Cam An Nam, cũng là một chủ nợ của bà Huyền) đã mua đấu giá tài sản này với giá 219 triệu đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn tự nguyện giao tài sản cho bà Ánh, bà Huyền vẫn không chấp hành nên cơ quan thi hành án buộc phải lên phương án cưỡng chế giao tài sản cho người mua.
Cũng trong thời gian này, ông Hùng, bà Huyền lại thương lượng với bà Tuyết để xin chuộc lại tài sản, nhưng đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất được giá cả.
. Phụ thuộc vào thương lượng của 2 bên
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Căn nhà bị phát mãi nói trên là nơi ở duy nhất của vợ chồng ông cùng 3 người con. Theo quy định, ông có quyền được nhận một nửa số tiền bán đấu giá tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, ông đã vay mượn thêm và thương lượng với bà Tuyết để xin mua lại nhà, đất. Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Tấn (chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm) và bà Tuyết lại buộc gia đình ông phải giao đủ 260 triệu đồng. Theo ông Hùng, mức giá này cao hơn số tiền bà Tuyết đã bỏ ra mua đấu giá tài sản tới hàng chục triệu đồng nên không chấp nhận được.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế giao tài sản cho bà Tuyết vào ngày 12-7-2012. Nhưng trước đó, qua công tác nắm tình hình, nhận thấy ông Hùng có thái độ và tâm lý phản kháng, tiêu cực… nên nhằm tránh tình huống xấu có thể xảy ra, cơ quan chức năng đã tạm hoãn việc cưỡng chế để tiếp tục thuyết phục bà Huyền tự nguyện giao tài sản. Trong thời gian này, vợ chồng ông Hùng, bà Huyền đã thương lượng với bà Tuyết để mua lại nhà, đất. Bà Tuyết đã đồng ý bán lại với giá 260 triệu đồng, nhưng ông Hùng, bà Huyền không chấp nhận. Theo bà Tuyết, trong mấy chục triệu đồng tiền chênh lệch (ông Hùng nêu ở trên), có 22,9 triệu đồng tiền bà Huyền nợ bà Tuyết (theo bản án, bà Huyền phải trả cho bà Tuyết số tiền này), còn lại là tiền lãi vay để mua đấu giá tài sản nói trên.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm cho biết: “Việc chuộc lại tài sản là do các bên đương sự tự thỏa thuận, thương lượng và thống nhất với nhau, cơ quan thi hành án không can thiệp. Thực chất, đây là việc ông Hùng đề nghị mua lại tài sản của bà Tuyết và là giao dịch dân sự. Nếu hai bên thỏa thuận được thì trước hết, bà Huyền phải giao tài sản cho bà Tuyết và cơ quan thi hành án hoàn tất các thủ tục thi hành án cũng như việc trả lại một nửa số tiền bán đấu giá cho ông Hùng - đồng sở hữu tài sản phát mãi. Do vậy, chấp hành viên Phan Ngọc Tấn đã nhiều lần phối hợp với UBND xã và các tổ chức đoàn thể xã Cam An Nam tạo điều kiện cho các bên đương sự gặp gỡ và đứng ra chứng kiến hai bên thương lượng chứ cơ quan thi hành án không có chức năng giải quyết việc này”.
Như vậy, có thể thấy, việc ông Hùng cho rằng chấp hành viên Phan Ngọc Tấn cùng bà Tuyết “ép giá” là không có cơ sở. Bởi lẽ, việc vợ chồng ông Hùng xin mua tài sản đã phát mãi, thực chất là đề nghị mua lại tài sản đã không còn là của mình. Vì thế, việc đồng ý bán hay không, giá cả thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào bà Tuyết và sự tự nguyện thương lượng của hai bên.
NAM ANH