02:08, 08/08/2012

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định đã làm đúng trách nhiệm

Báo Khánh Hòa Thứ ba, ngày 19-6-2012 có bài viết: “Chuyện nợ lương ở Công ty TNHH Sao Đại Hùng: Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?”

Báo Khánh Hòa Thứ ba, ngày 19-6-2012 có bài viết: “Chuyện nợ lương ở Công ty TNHH Sao Đại Hùng (gọi tắt là Công ty SĐH): Ai bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ)?”. Trong bài có đoạn trích dẫn lời ông Hoàng Công Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong trả lời phóng viên: “Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã thoái thác trách nhiệm. Bởi vì, theo Điều 170b Bộ Luật Lao động, TAND tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về quyền. Nhưng ở đây, TAND tỉnh chỉ căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng dân sự mà chưa căn cứ Bộ Luật Lao động…”. Sau khi báo phát hành, ngày 31-7-2012, TAND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 90/VC-TA phản hồi về một số thông tin trong bài viết, xin được tóm tắt như sau:

Ngày 27-4-2011, TAND tỉnh nhận được đơn khởi kiện của Ban Chấp hành Công đoàn (BCHCĐ) Công ty SĐH kiện Ban Giám đốc Công ty SĐH về việc giải quyết tiền lương, bảo hiểm xã hội, nộp kinh phí Công đoàn cho NLĐ. Sau khi xem xét, ngày 12-5-2011, TAND tỉnh có thông báo chuyển đơn khởi kiện cho TAND huyện Cam Lâm để giải quyết theo thẩm quyền.

Báo Khánh Hòa Thứ ba, ngày 19-6-2012 có bài viết: “Chuyện nợ lương ở Công ty TNHH Sao Đại Hùng (gọi tắt là Công ty SĐH): Ai bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ)?”.
Công nhân Cty TNHH Sao Đại Hùng lãn công đòi Công ty trả nợ lương và bảo hiểm xã hội

 

Ngày 18-5-2011, TAND huyện Cam Lâm có thông báo yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện gồm: Danh sách các cá nhân NLĐ mà Công ty SĐH đang nợ lương, mức lương và số tiền lương của từng người, đơn khởi kiện của từng cá nhân. Tuy nhiên, hết thời hạn chờ bổ sung đơn kiện mà người khởi kiện không bổ sung nên ngày 20-6-2011, TAND huyện Cam Lâm có thông báo trả lại đơn khởi kiện với lý do nêu trên, đồng thời nêu rõ: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án TAND huyện Cam Lâm về việc trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Kể từ ngày 15-6 đến 7-11-2011, TAND huyện Cam Lâm đã 6 lần mời đại diện BCHCĐ Công ty SĐH đến làm việc để hướng dẫn bổ sung các tài liệu nhưng đại diện BCHCĐ Công ty SĐH đều không có mặt.

Ngày 14-5-2012, TAND huyện Cam Lâm đã làm việc với ông Nguyễn Đức Thái - đại diện BCHCĐ Công ty SĐH để giải quyết khiếu nại về việc Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện. Và ngày 16-5-2012, Chánh án TAND huyện Cam Lâm đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của BCHCĐ Công ty SĐH. Quyết định nêu rõ: Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, BCHCĐ Công ty SĐH có quyền khiếu nại đến Chánh án TAND tỉnh.

Nhận định về thẩm quyền giải quyết, theo ông Nguyễn Văn Phước - Chánh án TAND tỉnh, đây là vụ án tranh chấp lao động về đòi tiền lương giữa cá nhân NLĐ và người sử dụng lao động, không phải tranh chấp lao động tập thể như ông Hoàng Công Thắng đã trả lời phóng viên. Do vậy, theo khoản 1 Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33 Bộ Luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết là TAND huyện Cam Lâm. Về tư cách tham gia tố tụng, BCHCĐ Công ty SĐH không phải là nguyên đơn trong vụ án nên không có quyền khởi kiện. Do đó, việc TAND huyện Cam Lâm hướng dẫn BCHCĐ Công ty SĐH, để yêu cầu các cá nhân NLĐ nộp đơn khởi kiện là đúng quy định pháp luật.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phước, xét quá trình giải quyết đơn của BCHCĐ Công ty SĐH, TAND tỉnh và TAND huyện Cam Lâm đã làm đúng trách nhiệm của mình. Từ khi TAND tỉnh chuyển đơn đến khi TAND huyện Cam Lâm ra quyết định giải quyết khiếu nại, TAND tỉnh chưa nhận được bất kỳ phản hồi hoặc khiếu nại nào của BCHCĐ Công ty SĐH. Do đó, ý kiến cho rằng TAND tỉnh thoái thác trách nhiệm đã ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của ngành Tòa án tỉnh.

P.V