04:08, 23/08/2012

Một giọt máu đào…

Người Việt ai cũng biết câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế nhưng trong cuộc sống, không ít người là anh em, họ hàng đã gây chuyện đánh nhau để rồi phải dắt nhau ra Tòa…

Người Việt ai cũng biết câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế nhưng trong cuộc sống, không ít người là anh em, họ hàng đã gây chuyện đánh nhau để rồi phải dắt nhau ra Tòa…

. Đánh vợ chồng em gái chỉ vì một câu nói

Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang vừa xét xử vụ án bồi thường thương tích mà nguyên đơn và bị đơn (cùng trú ở một xã ngoại thành Nha Trang) là em rể và anh vợ. Theo nguyên đơn N.V.X, một ngày giữa tháng 4-2011, ông cùng vợ đang phơi lúa ở khu đất trống trước nhà thì anh vợ là N.V.T cùng một người bạn ngang nhiên vào quán nhà ông lấy bia ra uống. Khi uống xong, ông T. đòi thiếu nợ nên vợ ông X. bức xúc nói “uống ở đâu rồi về đây uống nợ”. Nghe vậy, ông T. liền chửi lại vợ chồng em gái. Sau đó, ông T. vào nhà dẫn mẹ ruột (sống chung với vợ chồng ông X.) ra, đòi giấy tờ đất rồi xô ngã bà. Quá bức xúc nên vợ ông X. đã đuổi anh trai ra khỏi nhà, còn ông T. xông tới bóp cổ em gái. Ông T. còn đánh cả em rể nhưng không trúng. Trong lúc ông X. không để ý, ông T. bất ngờ xô ông X. ngã vào xe nước mía khiến ông X. gãy tay.

Sau khi gây chuyện với em rể, ông T. không một lời hỏi thăm khiến vợ chồng ông X. rất bức xúc. Vì thế, ông X. đã làm đơn yêu cầu Công an TP. Nha Trang khởi tố vụ án hình sự đối với ông T., nhưng do tỷ lệ thương tật của ông chỉ có 8% nên cơ quan Công an không thể khởi tố. Sau đó, ông X. có đơn gửi Công an xã yêu cầu anh vợ phải có trách nhiệm bồi thường nhưng ông T. không đến giải quyết. Ông X. tiếp tục làm đơn gửi TAND TP. Nha Trang yêu cầu giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. Nha Trang đã nhiều lần gửi giấy triệu tập ông T. để lấy lời khai, tiến hành hòa giải nhưng ông T. không đến. Mới đây, TAND TP. Nha Trang đưa vụ án ra xét xử nhưng ông T. tiếp tục thể hiện thái độ bất hợp tác khi không đến Tòa theo giấy triệu tập, buộc Tòa phải xét xử vắng mặt. Xét thấy những lời khai của nguyên đơn phù hợp với lời khai của các nhân chứng nên Tòa đã buộc ông T. phải bồi thường cho em rể hơn 27,8 triệu đồng (gồm hơn 6,2 triệu đồng tiền thuốc và viện phí, 21,6 triệu đồng tiền bồi thường cho 6 tháng tiền công lao động của ông X.).

Tại Tòa, vợ ông X. trình bày: “Một bên là anh ruột, một bên là chồng nên thực sự tôi rất khó xử. Vì nhà nghèo, phải vay mượn tiền để chữa bệnh nên vợ chồng tôi cực chẳng đã mới làm đơn kiện để buộc anh tôi phải có trách nhiệm bồi thường…”. Theo lời vợ ông X., ông T. là một người nát rượu, sống không có tình nghĩa, bất hiếu với mẹ. Đã rất nhiều lần vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, ông T. đã đến quậy phá nhà em gái, đuổi đánh em rể. Người mẹ ruột một đời tảo tần nuôi ông khôn lớn, ông cũng không báo hiếu khi về già, lại còn đến gây chuyện đòi sổ đỏ… Người xưa đã dạy: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng chắc chắn sau phiên tòa này, mối quan hệ giữa vợ chồng ông X. với ông T sẽ còn xấu hơn nhiều.

. Anh em họ bắt trói nhau

Cách đây chưa lâu, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án bắt giữ người trái pháp luật mà bị cáo và bị hại là anh em họ với nhau. Chuyện là, trong khi chạy xe trên đường làng, anh L.V.T (bị hại) va quẹt xe với người hàng xóm nên hai bên xảy ra xô xát. Nghe ồn ào, N.L.H.C cùng 3 người em họ (cùng là anh em ruột) chạy đến nhưng không hề can ngăn mà lại hè nhau ôm giữ, lôi khiêng bị hại vào sân nhà bị cáo rồi lấy dây trói lại. Mãi đến khi vợ bị cáo chạy đi báo tin, Công an xã đến nơi thì bị hại mới được cởi trói. Điều đáng nói là vợ của bị hại với các bị cáo là anh em con cô cậu ruột. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả bị hại và bị cáo cùng có đơn kháng cáo. Trong khi bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, thì bị hại lại yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với những người anh em của mình vì hành vi của các bị cáo là xâm phạm đến thân thể, quyền tự do cá nhân…

Ngày xử phúc thẩm, gia đình hai bên chia thành 2 chiến tuyến ngồi chật kín phòng xử án. Những người anh, chị em từng ngồi chung mâm trong những lần giỗ chạp giờ chỉ có những cái nhìn xa lạ. Trong suốt phiên xử, chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần nhấn mạnh đến mối quan hệ thân thuộc giữa bị cáo và bị hại nhằm hóa giải mâu thuẫn giữa 2 bên nhưng chẳng thể làm cho các bị cáo và gia đình tỉnh ngộ. Một người nhà của bị cáo còn nói: “Thà tốn tiền cho luật sư chứ không cho nó (bị hại) thêm một đồng nào”… Sau khi xem xét hồ sơ, lời khai cùng những chứng cứ liên quan, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, tuyên phạt bị cáo N.L.H.C (người cầm đầu) 6 tháng tù, các bị cáo còn lại mỗi người 4 tháng tù nhưng được hưởng án treo.

Nhiều người hàng xóm đến theo dõi phiên tòa đã lắc đầu ngán ngẩm cho tình cảm giữa những người họ hàng với nhau. Tuy cùng một dòng tộc nhưng họ không những không giúp đỡ nhau mà còn làm hại nhau đến nỗi người phải nhận án tù, kẻ nhập viện… Gương vỡ khó lành, với án tù lần này, mối hiềm khích giữa 2 bên chắc chắn sẽ còn kéo dài.

NHẬT LỆ