12:08, 02/08/2012

Sẽ khó khăn trong việc thi hành án

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 4) vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) giữa nguyên đơn là ông Quách Đình Lực (người mua nhà); bị đơn là các bà: Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ, Vương Thị Tỵ (người bán nhà).

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 4) vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) giữa nguyên đơn là ông Quách Đình Lực (người mua nhà); bị đơn là các bà: Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ, Vương Thị Tỵ (người bán nhà). Vụ án đã khép lại bằng một bản án có hiệu lực pháp luật; tuy nhiên nhiều khả năng việc thi hành án sẽ rất khó khăn.

Đặt cọc mua nhà đang tranh chấp

Theo đơn khởi kiện của ông Quách Đình Lực (Phú Yên): Ngày 31-8-1998, ông Lực và các ông, bà: Vương Đình Hải, Vương Thị Tỵ, Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ thỏa thuận với nhau về việc mua bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật với số tiền đặt cọc 50 lượng vàng 99,99%. Khi đặt cọc, hai bên thống nhất đợi đến khi Tòa án giải quyết xong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế căn nhà nói trên thì bên bán có trách nhiệm báo cho bên mua làm thủ tục mua bán. Do ông Hải đã chết (Tòa tuyên cho các con ông Hải được quyền sở hữu căn nhà này) nên bên bán không thể thực hiện việc bán nhà theo thỏa thuận. Vì vậy, ông Lực yêu cầu bà Tỵ, bà Ngọ và bà Nhung phải hoàn lại 50 lượng vàng đặt cọc. Tháng 2-2008, TAND TP. Nha Trang chính thức thụ lý vụ kiện này.

Các bị đơn đều đồng ý trả lại vàng đã nhận cho nguyên đơn. Nhưng do số vàng đặt cọc đã được phân chia cho bà Tỵ 10,5 lượng, bà Ngọ 5 lượng, ông Hải 34,5 lượng nên các bị đơn đề nghị giải quyết theo hướng ai nhận bao nhiêu thì trả bấy nhiêu; ông Hải chết, các con của ông Hải có nghĩa vụ phải trả thay.

4 năm, 8 lần xét xử

Từ năm 2008 đến năm 2010, TAND TP. Nha Trang đã 3 lần xét xử sơ thẩm vụ án này nhưng đều bị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm của TAND tỉnh hủy án. Trong 3 lần xét xử sơ thẩm trước, TAND TP. Nha Trang đã có nhiều thiếu sót như: không đưa những người thừa kế của ông Hải vào tham gia tố tụng nên các bị đơn liên tục kháng cáo; chưa xác định chính xác số tài sản ông Hải để lại… Tại phiên tòa phúc thẩm lần 3, HĐXX nhận định: Tuy nguyên đơn chỉ khởi kiện 3 bị đơn, nhưng do ông Hải cùng ký tên trong hợp đồng đặt cọc, nhận vàng và các bị đơn đều có yêu cầu đưa những người thừa kế của ông Hải cùng thực hiện nghĩa vụ trả vàng đặt cọc nên cần phải xác định những người thừa kế của ông Hải có quyền lợi liên quan với bị đơn và xem xét trách nhiệm của họ trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng từ ông Hải. TAND tỉnh yêu cầu, khi quyết định trách nhiệm liên đới phải trả vàng cho ông Quách Đình Lực, Tòa sơ thẩm cần xác định rõ phần cụ thể của những người có trách nhiệm liên đới.

Tháng 2-2012, TAND TP. Nha Trang đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 4. Theo Tòa, các con ông Hải phải có trách nhiệm trả nợ cho ông Lực. Tuy nhiên, do số tài sản mà các con ông Hải được thừa kế chỉ có 326,5 triệu đồng (tương đương 19 lượng, 1,5 chỉ vàng ở thời điểm năm 2008) nên các bà: Nhung, Ngọ, Tỵ phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho ông Lực số vàng chênh lệch còn lại (15 lượng, 3,5 chỉ) so với 34,5 lượng vàng ông Hải đã nhận. Sau bản án sơ thẩm lần 4, các con ông Hải đã có đơn kháng cáo; Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Nha Trang cũng kháng nghị bản án.

Mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 4 và đã chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND TP. Nha Trang. Theo Tòa, việc Tòa sơ thẩm công nhận số tiền 200 triệu đồng là tiền duy tu bảo quản nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật là không đúng, bởi số tiền này có công sức đóng góp của vợ, con ông Hải; số tài sản các con ông Hải được thừa kế (sau khi khấu trừ nghĩa vụ tài sản ông Hải để lại) là 193,2 triệu đồng (tương đương 11 lượng, 3,5 chỉ vàng). Vì vậy, các con của ông Hải phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của ông Hải để lại tương đương với phần tài sản được nhận. Số vàng còn lại trong phần ông Hải đã nhận (23 lượng, 1,6 chỉ vàng), các bà: Tỵ, Ngọ, Nhung có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho ông Lực (mỗi người bồi thường 7 lượng, 6,7 chỉ vàng). Cộng thêm số vàng của các bị đơn đã nhận, HĐXX buộc bà Ngọ hoàn trả cho ông Lực 12 lượng, 6,7 chỉ vàng; bà Tỵ hoàn trả 18 lượng, 1,7 chỉ vàng; bà Nhung hoàn trả 7 lượng, 6,7 chỉ vàng; 5 người con của ông Hải, mỗi người hoàn trả cho ông Lực 2 lượng, 2,7 chỉ vàng.

Khó thi hành án

Kéo dài 4 năm với 4 lần xử sơ thẩm, 4 lần xử phúc thẩm, vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật đã khép lại. Tuy nhiên, vụ án này cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xét xử các vụ án tương tự. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, nguyên nhân đầu tiên khiến vụ án kéo dài là khi xét xử vụ án tranh chấp thừa kế tài sản nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật vào năm 2008, Tòa án các cấp đã không giải quyết “tranh chấp hợp đồng đặt cọc” việc mua bán ngôi nhà này mà tách ra giải quyết bằng vụ án khác. Điều này không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến phát sinh vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc kéo dài. Tiếp đến, quá trình giải quyết vụ án này, TAND TP. Nha Trang đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không đưa những người con của ông Hải vào tham gia tố tụng từ đầu nên dẫn đến khiếu nại kéo dài…

Vụ án đã kết thúc với bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc vụ án kéo dài đã gây thiệt hại cho ông Lực; đồng thời gây khó khăn cho các bị đơn trong việc thi hành án, bởi hiện nay, giá vàng đã lên rất cao so với thời điểm vụ án xét xử lần đầu (năm 2008), trong khi các bị đơn tuổi đã cao, hầu như không có điều kiện thi hành án. Ngay tại Tòa, bà Nhung cho biết, “chấp nhận phán quyết của Tòa” nhưng bản thân bà không hề nhận vàng, tài sản không còn gì nên không biết bao giờ mới trả được. Với ông Vương Đình Lực, sau hành trình 4 năm đi kiện, có lẽ sắp tới đây ông còn phải “dài cổ” chờ các bị đơn thi hành án…

NHẬT LỆ