Hai bên giao kết với nhau bằng miệng về mua bán hoa lợi vườn xoài, đến khi xảy ra tranh chấp, cả hai bên đều không thống nhất về thời gian thực hiện hợp đồng.
Hai bên giao kết với nhau bằng miệng về mua bán hoa lợi vườn xoài, đến khi xảy ra tranh chấp, cả hai bên đều không thống nhất về thời gian thực hiện hợp đồng. Một bên nói bán xoài quả với thời gian thu hoạch 4 tháng, bên kia bảo bán xoài lá chăm sóc thu hoạch với thời gian 8 tháng. Cuối cùng, họ đưa nhau ra Tòa.
. Nội dung vụ việc
Theo đơn, khoảng đầu tháng 2-2010 (âm lịch), ông Bùi Thanh Ngọc (trú thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) và ông Tô Kim Phụng (trú tổ dân phố Phú Hải, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) thỏa thuận hợp đồng bằng miệng về việc mua bán hoa lợi vườn xoài tại thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc với số tiền 15 triệu đồng. Ông Ngọc được quyền chăm sóc, thu hoạch xoài đến hết tháng 10-2010 (âm lịch).
Thời điểm giao kết, vườn xoài của ông Phụng chỉ vài cành có hoa lác đác, nên ông Ngọc đã thuê nhân công chăm sóc, bỏ tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu. Khoảng cuối tháng 4-2010 (âm lịch), khi xoài ra hoa, đậu quả nhiều, ông Phụng đã ngăn cản không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài. Đầu tháng 7-2010 (âm lịch), ông Phụng cho người khác thuê vườn xoài. Ông Ngọc làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Phụng bồi thường hơn 90.915.000 đồng chi phí mà ông đã bỏ ra.
Ông Phụng thừa nhận có cho ông Ngọc thuê vườn xoài, tuy nhiên thời hạn thuê vườn xoài chỉ từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 6-2010 (âm lịch); hai bên thỏa thuận ông Ngọc chỉ thu hoạch xoài già đã có sẵn trên cây và xoài non. Sau khi thu hoạch xong, ông Ngọc đã thiến cây, chặt cành, đào gốc, chôn thuốc kích thích nên ông không đồng ý cho ông Ngọc thuê tiếp. Ông Phụng cho rằng ông Ngọc vi phạm hợp đồng (thiến cây, chặt cành, đào gốc chôn thuốc kích thích) nên ông không đồng ý bồi thường.
. Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn
Tháng 9-2011, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cam Lâm đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), tuy là hợp đồng thỏa thuận bằng miệng nhưng đã được hai bên thừa nhận và có người làm chứng, đã thực hiện trên thực tế nên về hình thức, nội dung đều phù hợp với quy định của pháp luật. Hai bên đương sự có mâu thuẫn về thời hạn cho thuê và thực trạng vườn xoài cho thuê nhưng đều thống nhất đây là hợp đồng thuê vườn xoài để chăm sóc rồi thu hoạch chứ không phải bán xoài sẵn trên cây nên việc ông Ngọc đầu tư chăm sóc vườn xoài là phù hợp với mục đích hợp đồng. Đoàn kiểm tra của TAND huyện cũng xác định không có dấu vết thiến cây, khoan cây, nên HĐXX cho rằng việc ông Phụng lấy lý do này để chấm dứt hợp đồng là không có cơ sở. Từ đó, TAND huyện nhận định, việc ông Phụng không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không có cơ sở pháp luật và có yếu tố lỗi của ông Phụng, đã làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông Ngọc nên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngọc. Theo đó, buộc ông Phụng phải bồi thường cho ông Ngọc tiền phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, tiền công bơm thuốc, tiền thuê người giữ vườn, tiền thuê người làm bầu, bơm nước, bón phân, tiền mua vườn xoài…, tổng cộng 70.365.000 đồng. Tuy nhiên, ông Phụng và ông Ngọc đều không đồng ý với bản án này và tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
. Tòa phúc thẩm tuyên hủy án
Ngày 10 và 11-7-2012, TAND tỉnh đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm. Theo cấp phúc thẩm, giữa nguyên đơn và bị đơn giao kết hợp đồng với nhau bằng miệng, thời hạn thực hiện hợp đồng theo ông Ngọc khai là đến tháng 10-2010 (âm lịch), nhưng ngày 31-7-2010, ông Phụng đã lập hợp đồng cho vợ chồng ông Phạm Văn Lai thuê vườn xoài (khi đang trong thời hạn hợp đồng của ông Ngọc với ông Phụng); đồng thời, 19 cây xoài ông Phụng cho ông Ngọc thuê khoán là tài sản chung của ông Phụng với vợ là bà Lưu Thị Hồng. Nhưng khi ông Ngọc tranh chấp với ông Phụng, cấp sơ thẩm lại không đưa vợ chồng ông Lai và bà Hồng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy là thiếu sót.
Ngoài ra, Tòa phúc thẩm xác định: Biên bản xem xét, thẩm định ngày 7-1-2011 của TAND huyện Cam Lâm xác định 19 cây xoài đang phát triển tốt, xanh tươi, không có dấu vết thiến, khoanh cây; nhưng mới đây, TAND tỉnh xem xét, thẩm định tại chỗ đã phát hiện 16 cây xoài (trong tổng số 19 cây) có dấu vết băm, khoanh vỏ, cưa cành và dưới gốc khoanh bồn, cách gốc 1,5m để bón phân, tưới nước… Từ đó cho thấy, biên bản thẩm định của cấp sơ thẩm chưa khách quan. Ngoài ra, tại biên bản này không có sự tham gia của bị đơn, chỉ có nguyên đơn cùng Tòa và đại diện chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, 13 hóa đơn mua phân bón, thuốc trừ sâu mà ông Ngọc cung cấp cũng không được TAND huyện Cam Lâm xác minh chủ sở hữu doanh nghiệp là ai, địa chỉ ở đâu… để xác định căn cứ hợp pháp của chứng cứ do nguyên đơn cung cấp khi giải quyết vụ án. Cấp sơ thẩm cũng chưa thu thập khuyến cáo của nhà sản xuất đối với việc sử dụng các loại phân bón, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu bệnh… mà chỉ dựa vào ý kiến của một cán bộ nông nghiệp để xem xét là thiếu sót. Mặt khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Ngọc đã thu hoạch xoài, lứa đầu được 3 triệu đồng, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét để khấu trừ số tiền này trong tổng số tiền buộc ông Phụng phải bồi thường cho ông Ngọc.
Từ những lập luận trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Cam Lâm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
XUÂN THÀNH