06:06, 05/06/2012

Có hay không dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ?

Vì tin tưởng nên một tiểu thương đã không đắn đo cho một cán bộ Tòa án mượn tiền. Nhưng đến hạn, người này lại không chịu trả tiền...

Vì tin tưởng nên một tiểu thương đã không đắn đo cho một cán bộ Tòa án mượn tiền. Nhưng đến hạn, người này lại không chịu trả tiền. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì con nợ “lặn mất tăm”. Vậy mà cơ quan Công an vẫn ra quyết định không khởi tố vụ án…

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, trú 161 Đại lộ Hùng Vương, tổ Lợi Phúc, phường Cam Lợi (TP. Cam Ranh) làm nghề buôn bán quần áo. Trong số khách hàng thường xuyên mua ở hàng bà Hồng có bà Lê Thị Bảo Châu, là cán bộ Tòa án TP. Cam Ranh. Qua 5 - 6 năm, cả hai đã có sự quen biết, tin tưởng nhất định. Trong quá trình này, bà Châu có giới thiệu chồng mình là sĩ quan, đang đóng quân tại phường Cam Phúc Bắc, có nhà ở 118A/8 tổ dân phố Lộc Thịnh, Cam Lộc. Do vậy, khi bà Châu ngỏ lời vay tiền để làm ăn thì vợ chồng bà Hồng cho vay ngay. Đến hạn, bà Châu trả gốc và lãi sòng phẳng. Sau 2 lần như vậy, bà Hồng lại càng tin tưởng. Lúc này, bà Châu mới xin vay nóng một số tiền khá lớn. Khi vợ chồng bà Hồng hỏi mục đích vay thì bà Châu cho biết dùng để cho vay đáo hạn, vừa an toàn lại vừa lãi cao. Vợ chồng bà Hồng chấp nhận cho vay. Tổng số tiền mà bà Châu đã mượn của vợ chồng bà Hồng lên đến 2 tỷ đồng. Đến giữa năm 2010, vợ chồng bà Hồng đòi tiền thì bà Châu không chịu trả. Theo trình bày của bà Hồng, thời điểm đó, vụ bể huê của Mai Văn Lực vừa xảy ra, khiến rất nhiều người điêu đứng. Bà Châu có nói với vợ chồng bà Hồng là đã mất vào dây huê đó đến 900 triệu đồng nên chưa thể trả nợ bà Hồng được.

Lúc này, vợ chồng bà Hồng yêu cầu chốt nợ và bà Châu đã viết một bản cam kết, trong đó thừa nhận đã vay 2 tỷ đồng, đồng thời cam kết trả 1,1 tỷ đồng trong vòng 6 tháng, còn 900 triệu đồng bị dính trong vụ bể huê của Mai Văn Lực thì khi nào Công an giải quyết xong sẽ trả cho vợ chồng bà Hồng. Tuy vậy, sau đó, bà Hồng vẫn không chịu trả nợ, khiến quan hệ hai bên ngày càng căng thẳng. Tháng 9-2010, bà Hồng đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an TP. Cam Ranh tố cáo bà Châu.

Xét thấy số tiền tranh chấp vượt thẩm quyền nên Công an TP. Cam Ranh đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, ngày 5-3-2012, cơ quan Cảnh sát điều tra lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Việc vay tiền của bà Châu với bà Hồng là quan hệ dân sự.

Xác định như trên sẽ không có vấn đề gì nếu như trước đó, bà Châu không “bốc hơi” một cách đáng ngờ. Kể từ khi bà Hồng gửi đơn kiện bà Châu tới các cơ quan chức năng, bà Châu vẫn đi làm bình thường, nhưng trong thời gian đó, vợ chồng bà Châu lại âm thầm chuẩn bị: Người chồng thì làm đơn chuyển công tác vào Bình Dương, còn người vợ (bà Châu) thì xin nghỉ việc tại Tòa án. Hai vợ chồng cũng lặng lẽ bán căn nhà đang ở và đến cuối năm 2011 thì cả hai đều biến mất.

Bà Hồng rất bức xúc vì sau khi vợ chồng bà Châu biến mất, cơ quan Công an lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Điều này có nghĩa, nếu muốn đòi được tiền, họ phải kiện bà Châu ra Tòa; nhưng dù hết sức cố gắng, họ vẫn không thể tìm được bà Châu, làm sao khởi kiện đòi tiền? Hơn nữa, bà Châu cũng đã bán nhà, lấy gì đảm bảo thi hành án nếu như bà này không tự nguyện thi hành?

Hiện vợ chồng bà Hồng đang lâm vào cảnh mất nhà vì số tiền bà Châu vay của bà Hồng thực ra cũng là bà Hồng đi vay của người khác. Những người này đã làm áp lực để xiết nhà cửa, tài sản khiến vợ chồng bà Hồng lâm vào cảnh trắng tay, vô gia cư.

Đứng về góc độ pháp lý, vụ việc này có một điều cần làm rõ: đó là việc bà Châu không có mặt tại địa phương, không liên lạc được có phải hành vi bỏ trốn? Nếu có thì đó có phải dấu hiệu tội phạm? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Thông thường, trong những vụ việc dân sự, nếu đương sự nhận tiền ngay thẳng nhưng đến khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà không có mặt thì cần xác định việc vắng mặt có phải là hành vi bỏ trốn hay không. Nếu đủ cơ sở kết luận là bỏ trốn thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm và cần phải được điều tra làm rõ. Cùng quan điểm đó, ông Võ Ngọc Sang - Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho hay, trong quá trình giải quyết quan hệ vay mượn dân sự, nếu bên có nghĩa vụ bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ thì đó là một trong những dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Được biết, khi bà Hồng thắc mắc về việc không khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra cho biết, họ vẫn có thể liên lạc với bà Châu. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối cung cấp địa chỉ cũng như chi tiết để liên lạc với bà Châu.

Ở đây, cần xem xét sự vắng mặt của bà Châu dưới góc độ pháp lý. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chánh án Tòa án nhân dân TP. Cam Ranh, tại thời điểm bà Hồng gửi đơn đến cơ quan Công an, bà Châu đã chủ động làm đơn xin nghỉ việc và được Tòa án tỉnh chấp nhận. Việc chồng bà Châu xin chuyển công tác, rồi vợ chồng bà Châu bán nhà liệu có phải dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà Châu có ý thức chuẩn bị bỏ trốn?

Đề nghị cơ quan điều tra xác định việc vắng mặt của bà Châu có phải hành vi bỏ trốn hay không để làm cơ sở giải quyết vụ việc đúng luật. Nếu đúng là bỏ trốn, cần khởi tố để không bỏ lọt tội phạm; còn nếu không phải, cũng cần giải thích để đương sự được rõ, đồng thời tạo điều kiện để các bên giải quyết về dân sự.

LÊ MINH