06:06, 01/06/2012

Bao giờ được giải quyết?

Đã từ lâu, mùi hôi thối nồng nặc do hoạt động phơi hải sản vẫn từng ngày, từng giờ bủa vây, làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn Thành Phát, xã Phước Đồng.

Đã từ lâu, mùi hôi thối nồng nặc do hoạt động phơi hải sản vẫn từng ngày, từng giờ bủa vây, làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn Thành Phát, xã Phước Đồng. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để trong việc nhắc nhở và xử lý việc phơi hải sản này. Hiện người dân ở đây vẫn đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm…

. Nồng nặc mùi hôi thối

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày Hè, chúng tôi đến thôn Thành Phát, xã Phước Đồng. Đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh và Bạch Thái Bưởi, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ khu vực phơi hải sản của một số người dân xộc thẳng vào mũi. Ông N.V.L (thôn Thành Phát) cho biết: “Tôi chuyển về ở khu vực này được gần 10 năm, tưởng rằng cuộc sống, sinh hoạt của gia đình được yên tĩnh nhưng xem ra không được như mong muốn. Từ năm 2008 đến nay, tất cả các hộ dân ở khu vực này đều phải sống trong tâm trạng bức xúc vì mùi xú uế, hôi thối đến đau đầu, nhức óc bốc lên từ hoạt động phơi hải sản của một số hộ dân ở đây. Nhiều hôm, cả gia đình tôi đang ăn cơm thì mùi hôi thối xộc vào khiến ai cũng đều bỏ bữa. Gia đình cũng đã tính đến chuyện bán nhà đi nơi khác ở, nhưng ai dám mua nhà ở nơi có mùi xu uế như thế này? Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đề nghị xử lý tình trạng này nhưng đều bặt vô âm tín”. Cũng theo ông L., vào những ngày nắng gắt, mùi hôi thối càng trở nên đậm đặc và trầm trọng hơn. Theo từng đợt gió biển, mùi hôi thối từng ngày, từng giờ bủa vây người dân.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ khoảng đất trống trên đường Bạch Thái Bưởi và vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh đã được một số hộ dân chiếm dụng để phơi hải sản. Được biết, toàn bộ hải sản phơi ở đây đều được ngâm hóa chất để tẩy trắng. Chính vì được ngâm lâu ngày nên khi đem phơi dưới nắng, mùi hôi thối càng trở nên đậm đặc hơn. Ông P.V.H (thôn Thành Phát) bức xúc: “Tích cóp mãi, gia đình tôi mới mua được một căn nhà khang trang ở khu vực này để sinh sống lúc tuổi già. Nào ngờ, về đây lại phải hít mùi xú uế từ hoạt động phơi hải sản của người dân. Tuy gia đình tôi đã đóng kín tất cả các cửa nhưng vẫn không thể tránh khỏi mùi hôi thối bay vào theo không khí. Chúng tôi đã treo biển bán nhà hơn 2 năm nay nhưng vẫn không có ai đến hỏi mua. Người dân nơi đây đã nhiều lần góp ý với những người làm nghề phơi hải sản nhưng được đáp lại bằng những lời hăm dọa. Qua những lần họp thôn, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị về tình trạng này nhưng vẫn chưa được các cấp, ngành, chính quyền địa phương giải quyết triệt để…”.

. Cần biện pháp mạnh

Những sản phẩm hải sản hôi thối được người dân phơi tràn lan dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Bạch Thái Bưởi.
Những sản phẩm hải sản hôi thối được người dân phơi tràn lan dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Bạch Thái Bưởi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thừa nhận: “Hiện nay, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Bạch Thái Bưởi xảy ra tình trạng người dân phơi hải sản gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư. Những năm qua, chúng tôi đã ban hành các thông báo nhắc nhở, tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, đồng thời tổ chức các đợt thu gom, xử lý hải sản phơi ở đây. Nhưng do đây là nghề chính của người dân làm biển nên sau khi xử lý một thời gian ngắn thì tình trạng này tái diễn”.

Hiện nay, trong thôn có khoảng 5 hộ làm nghề sơ chế hải sản khô, số hộ còn lại đến từ các xã, phường khác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa có sự quản lý chặt chẽ hoạt động này. Ông Bùi Cao Pháp cho biết: “Địa phương rất khó quản lý số người ở các xã, phường khác đến làm nghề sơ chế hải sản khô trên địa bàn. Mỗi lần chúng tôi tổ chức lực lượng đi thu gom đều không thể biết chủ của số hải sản phơi ở đây là ai nên rất khó nhắc nhở, xử lý. Bên cạnh đó, lực lượng của xã còn mỏng, kinh phí hoạt động eo hẹp nên việc tổ chức các đợt thu gom hải sản, xử phạt những hộ gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục”.

Theo báo cáo của UBND xã Phước Đồng, trong năm 2011, xã đã có 2 thông báo, đồng thời triển khai 4 đợt thu gom sản phẩm, xử lý các hộ làm nghề phơi hải sản gây ô nhiễm môi trường. Năm 2012, xã cũng đã có 1 thông báo và tổ chức 1 đợt thu gom sản phẩm và xử lý, nhưng kết quả của các đợt thu gom, xử lý vẫn chưa đủ mạnh. Theo phản ánh của một số người dân sống ở khu này, trước khi có đội thu gom, xử lý đến, phần lớn những người làm nghề phơi hải sản ở đây đều biết trước nên nhanh chóng tìm cách đối phó. Ông Pháp thừa nhận: “Trước khi lực lượng chức năng của xã triển khai nhiệm vụ xử lý, tịch thu hải sản phơi gây ô nhiễm đều bị “rò rỉ” thông tin. Tuy nhiên, vẫn chưa biết bằng cách nào mà thông tin lọt đến những người làm nghề này”.

Thiết nghĩ, để đảm bảo cuộc cuộc sống cho người dân khu vực thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc xử lý triệt để; cần có những giải pháp khả thi trong việc quy hoạch các khu vực sơ chế hải sản khô cho những gia đình làm nghề biển, cương quyết xử lý dứt điểm những hộ phơi hải sản có hành vi chống đối quy định của địa phương. Mặt khác, UBND xã Phước Đồng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ những hộ hành nghề sơ chế hải sản khô nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường và tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

PHÚ VINH