Đã hơn 10 năm qua, xung quanh khu vực số 100 Trần Phú (Nha Trang) vẫn dai dẳng vụ khiếu kiện đất đai của gia đình ông Đặng Đình Lạp. Sự việc và sự thật nên hiểu như thế nào?
Đã hơn 10 năm qua, xung quanh khu vực số 100 Trần Phú (Nha Trang) vẫn dai dẳng vụ khiếu kiện đất đai của gia đình ông Đặng Đình Lạp. Sự việc và sự thật nên hiểu như thế nào?
. Quá trình sử dụng đất của 2 gia đình
Khu tập thể 100 Trần Phú, Nha Trang trước đây là khu gia binh của chế độ cũ, sau năm 1975, được Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) tiếp quản, sử dụng và quy hoạch thành 2 dãy gồm 28 căn hộ cho các gia đình quân nhân và cán bộ của nhà trường ở tạm. Năm 1984, gia đình ông Đặng Đình Lạp và ông Nguyễn Xuân Điệp được bố trí sinh sống trong 2 căn hộ đầu của 2 dãy nhà, mỗi căn hộ 41m2. Ngày 10-6-1994, Trường SQKQ quyết định thanh lý và nhượng bán các căn hộ cho 2 ông, nhưng diện tích khuôn viên thì khác nhau: ông Lạp 68m2 và ông Điệp 103m2. Lý do là 2 lô đất này cùng tiếp giáp với lô đất mặt tiền đường Trần Phú vẫn còn để trống mà Trường dự định làm ki-ốt, nên ông Điệp và ông Lạp đã cùng nhau cơi nới diện tích sử dụng.
Trước khi có Luật Đất đai 2003, nếu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), tiền SDĐ phải nộp phụ thuộc vào thời điểm SDĐ trước hay sau ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực). Vì vậy, nhằm giúp ông Điệp và ông Lạp đóng tiền SDĐ ít hơn, đồng thời hợp thức hóa cho hành vi lấn chiếm đất, ngày 20-6-1993, Hiệu trưởng Trường SQKQ đã ký Quyết định số 548/QĐ-QC giao cho ông Điệp được sử dụng 183,6m2 và Quyết định số 556/QĐ-QC cho ông Lạp sử dụng 120m2. Tuy nhiên, 2 quyết định ký lùi ngày này đã bị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) phát hiện. Do đó, ngày 16-11-1996, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ ban hành Quyết định thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định giao đất trên; đồng thời thu hồi toàn bộ phần đất đã bị 2 ông chiếm dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 ông này vẫn không giao trả và tiếp tục chiếm dụng đất.
Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 13-6-1997 của Thủ tướng Chính phủ, năm 1998, UBND tỉnh đã thống nhất với Trường SQKQ thông qua quy hoạch chỉnh trang khu nhà ở 100 Trần Phú, Nha Trang. Phần đất trước đây dự định làm ki-ốt của Trường mà ông Điệp, ông Lạp lấn chiếm được chia làm 3 lô, giao cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Dỹ, ông Trần Quang Minh và ông Đặng Văn Hào.
Cho rằng quyền lợi của mình bị thiệt hại, ông Điệp và ông Lạp đã khiếu nại nhưng UBND tỉnh bác đơn. Tiếp đến, 2 ông khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh nhưng không được chấp nhận yêu cầu. Không đồng ý, 2 ông đã kháng cáo.
. Quan điểm của Tòa án nhân dân Tối cao
Ông Đặng Đình Lạp kháng cáo, yêu cầu hủy các quyết định giao đất cho bà Phạm Thị Dỹ và ông Đặng Văn Hào. TAND Tối cao lập luận: Gia đình ông Lạp đã sinh sống và xây dựng nhà kiên cố tại đây từ những năm 1984, có diện tích và tứ cận không đổi so với quyết định giao đất năm 1993, như vậy đủ điều kiện được công nhận quyền SDĐ; Hơn nữa, UBND tỉnh chưa nhận bàn giao đất từ Quân chủng PK-KQ, Trường SQKQ chưa có văn bản bàn giao tổng thể và cắm mốc thực địa. Đồng thời, đối tượng được giao đất là bà Phạm Thị Dỹ đã được Nhà nước giao đất tại nơi khác. Với quan điểm này, TAND Tối cao chấp nhận kháng cáo của ông Đặng Đình Lạp. Bản án hành chính phúc thẩm số 06/2009/HCPT ngày 20-3-2009 tuyên hủy các quyết định giao đất của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Điệp kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định giao đất cho ông Trần Quang Minh. TAND Tối cao không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, công nhận quyết định giao đất của UBND tỉnh Khánh Hòa cho ông Trần Quang Minh là đúng.
2 vụ việc nhưng có cùng bản chất, tuy nhiên, quan điểm xét xử của TAND Tối cao lại hoàn toàn khác nhau. Cuối cùng, đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất vẫn là những gia đình chính sách đã nộp đủ tiền cho Nhà nước gần 10 năm nay mà chưa được giao đất.
. Hướng giải quyết của tỉnh
Sau kết quả xét xử phúc thẩm đối với ông Đặng Đình Lạp, UBND tỉnh đã kiến nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét lại. Bởi, một là, ông Lạp lấn đất về hướng Đông, phía đường Trần Phú, do đó, tứ cận không đổi nhưng diện tích tăng lên. Hai là, quy hoạch chỉnh trang tại số 100 Trần Phú, Nha Trang có sự thống nhất giữa Trường SQKQ và các ban, ngành của tỉnh. Ngoài ra, tại thời điểm giao đất, ông Hào, bà Dỹ vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ về nhà đất của tỉnh, chỉ vì khiếu kiện mà UBND tỉnh phải bố trí cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Dỹ một lô đất khác vào năm 2000. Dù vậy, kiến nghị của UBND tỉnh không được chấp nhận.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy là phải giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng vẫn đảm bảo có tình có lý, UBND tỉnh đã căn cứ bản án phúc thẩm để triển khai lại trình tự về quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, xúc tiến thủ tục nhận bàn giao Khu tập thể 100 Trần Phú từ Quân chủng PK-KQ và điều chỉnh lại quy hoạch, giao cho các đối tượng sử dụng. Theo đó, phân chia mảnh đất thành 4 lô mặt tiền đường Trần Phú, giao 2 lô cho 2 hộ gia đình chính sách đã đóng tiền SDĐ từ năm 1999 - 2000. Ưu tiên giao 2 lô mặt tiền đường Trần Phú, bên cạnh có đường hẻm nội bộ cho ông Điệp và ông Lạp, lần lượt với diện tích 129,2m2 và 85,6m2 (đã trừ phần diện tích quy hoạch giao thông), nghĩa là vẫn rộng hơn diện tích mà các ông được Trường SQKQ thanh lý trước đây. Toàn bộ phần kiến trúc mà 2 ông đã xây dựng được giải quyết theo quy định về bồi thường và giải tỏa. Ông Điệp đã đồng ý và tự nguyện giao đất, hiện đang xúc tiến xây dựng nhà mới. Chỉ còn ông Lạp vẫn không chấp nhận và tiếp tục khiếu kiện.
Có thể nói, phương án giải quyết của tỉnh là hợp lý, hợp tình. Nhằm bảo vệ quyền lợi của 2 gia đình chính sách đã nộp đủ tiền SDĐ, cũng như giải quyết dứt điểm vụ việc này, vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tiếp tục vận động gia đình ông Lạp thống nhất với cách xử lý của tỉnh. Trường hợp ông Lạp vẫn không chấp hành thì áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
ĐĂNG TRÌNH