04:06, 20/06/2012

Cái giá phải trả cho vị giám đốc… lừa

Nhiều thanh niên ở những miền quê thuần nông đã bám lấy “cái phao” xuất khẩu lao động mà Dương Đình Sơn (lúc ấy là Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động Thương mại và Du lịch tại Nha Trang) đưa ra, với hy vọng kiếm lưng vốn cải thiện cuộc sống.

Nhiều thanh niên ở những miền quê thuần nông đã bám lấy “cái phao” xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà Dương Đình Sơn (lúc ấy là Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động Thương mại và Du lịch - CPXKLĐTM-DL - tại Nha Trang) đưa ra, với hy vọng kiếm lưng vốn cải thiện cuộc sống. Để có tiền nộp cho Sơn, có gia đình đã phải thế chấp nhà đất vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, sự thật là họ không có cơ hội sang xứ người mà còn ôm cục nợ tiền vay ngân hàng.

Bị cáo Dương Đình Sơn.

Lợi dụng vị trí quản lý chi nhánh, Dương Đình Sơn (sinh năm 1960, trú 14B Nguyễn Trung Trực, ở tại 4B Lê Chân, Nha Trang) đã nói dối với một số người có nhu cầu XKLĐ để chiếm đoạt hơn 560 triệu đồng rồi bỏ trốn. Ngày 18-6, Tòa án nhân dân tỉnh đã xử phạt Dương Đình Sơn 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, cả 8 bị hại trong vụ án đều vắng mặt; trong đó có đến 6 người ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình.

Công ty CPXKLĐTM-DL là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, được Tổng Công ty ủy quyền thực hiện XKLĐ. Công ty được phép kinh doanh một số ngành nghề như: Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, dịch vụ môi giới tuyển dụng, cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước, đào tạo tin học, dạy nghề, ngoại ngữ…

Ngày 28-3-2006, Công ty CPXKLĐTM-DL thành lập chi nhánh tại Nha Trang. Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty (tại Hà Nội), kiêm Giám đốc chi nhánh. Ngày 24-5-2006, Công ty đã bổ nhiệm Dương Đình Sơn giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh Nha Trang và ban hành quy chế hoạt động tạm thời cho chi nhánh. Ngày 20-6-2006, ông Nguyễn Trí Dũng có ủy quyền cho Dương Đình Sơn trực tiếp điều hành mọi hoạt động của chi nhánh. Đến ngày 24-5-2008, Dương Đình Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh.

Chi nhánh tại Nha Trang của Công ty CPXKLĐTM-DL không có chức năng, nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Thế nhưng, Sơn đã thông tin cho người lao động là chi nhánh được phép XKLĐ. Vì vậy, những người có nhu cầu XKLĐ đã tin tưởng giao tiền cho Sơn. Từ tháng 4-2007 đến tháng 4-2008, một số người có nhu cầu XKLĐ biết thông tin qua quảng cáo đã đến gặp Sơn tìm hiểu. Dương Đình Sơn đã ký thỏa thuận và cam kết đào tạo ngoại ngữ để tạo nguồn XKLĐ. Sơn trực tiếp thu tiền và chỉ đạo kế toán Chi nhánh Nha Trang là Dương Anh Phương thu tiền của nhiều người có nhu cầu XKLĐ.

Vay mượn ngân hàng nộp tiền cho Sơn để đi lao động tại Hàn Quốc nhưng không được đi, 8 người đã tố cáo Sơn chiếm đoạt tiền của họ gần 360 triệu đồng và 12.500 USD (tương đương hơn 200 triệu đồng). Đó là các anh: Nguyễn Duy Thành, Nguyễn Duy Tiệp (cùng trú thôn Chùa, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và Tạ Xuân Tâm (trú thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã nộp chung số tiền 271 triệu đồng và 3.500 USD. Anh Nguyễn Trung Kiên (trú 15 Hùng Vương, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nộp gần 60 triệu đồng và 1.000 USD. Anh Nguyễn Huy Thích (trú Phước Tân, Nha Trang) nộp gần 17 triệu đồng và 2.000 USD. Các anh: Đinh Văn Luyện (trú xã Thái Học, huyện Thái Thụy, Thái Bình), Nguyễn Văn Tưởng (trú An Châu, Đông Hưng, Thái Bình) và Bùi Thọ Bình (trú xóm 6, Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình) nộp hơn 4 triệu đồng và 2.000 USD. Số tiền trên, Dương Đình Sơn không đưa vào sổ sách để theo dõi, hạch toán theo quy định, cũng không báo cáo, chuyển khoản thu nào của số người nói trên về Công ty mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, Sơn bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 7-7-2011, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Dương Đình Sơn. Ngày 7-11-2011, Sơn đã đến Công an huyện An Lão (Hải Phòng) đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Để giảm bớt khó khăn cho những người bị hại và không để ảnh hưởng xấu đến chính sách XKLĐ của Nhà nước, trong khi Sơn bỏ trốn, Công ty CPXKLĐTM-DL đã hỗ trợ người bị hại gần 105,7 triệu đồng (tại Tòa cũng không đòi Sơn trả lại số tiền này). Khi biết các bị hại có đơn tố cáo, Dương Đình Sơn đã trả họ 81 triệu đồng. Tại Tòa, Sơn đã trả thêm cho 8 bị hại 20 triệu đồng.

Là người trực tiếp nộp 271 triệu đồng và 3.500 USD cho Sơn để 1 người con và 2 người cháu (các anh Thành, Tiệp, Tâm) được đi XKLĐ nên ông Nguyễn Duy Thạc cố lặn lội đến tham dự phiên tòa để yêu cầu bồi thường. Phiên tòa kết thúc, ông vẫn bần thần hồi lâu vì lo lắng, liệu bị cáo có còn tài sản để thi hành án theo phán quyết của Tòa án, trong khi món nợ ngân hàng vẫn đeo đẳng cả gia đình.

N.D