Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm đối với vụ tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lưới (Việt kiều Mỹ) và bị đơn là bà Lê Thị Xanh (trú tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang).
Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm đối với vụ tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lưới (Việt kiều Mỹ) và bị đơn là bà Lê Thị Xanh (trú tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang). Theo đó, hủy cả bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại.
Năm 2007, bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng về vụ tranh chấp trên đều công nhận cho bà Lưới được quyền sử dụng hơn 7.000m2 đất ở xã Vĩnh Thạnh. Năm 2010, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị hủy án.
. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm: Việt kiều được công nhận quyền sử dụng đất
Năm 1993, diện tích đất trên đã được UBND TP. Nha Trang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Lê Thị Xanh. Gia đình bà Xanh đã sử dụng mảnh đất này từ năm 1991. Năm 2005, vợ chồng ông Lê Kim Tưởng (em ruột bà Xanh) và bà Nguyễn Thị Lưới đã khiếu kiện UBND TP. Nha Trang yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho bà Xanh, nhưng không được chấp nhận. Sau đó, bà Lưới khởi kiện UBND TP. Nha Trang ra Tòa án các cấp nhưng thua kiện án hành chính. Bà Lưới lại tiếp tục khởi kiện bà Lê Thị Xanh để đòi tài sản. Bản án dân sự sơ thẩm số 3 ngày 6-4-2007 và bản án phúc thẩm ngày 27-9-2007 đã công nhận vợ chồng bà Nguyễn Thị Lưới và ông Lê Kim Tưởng (ông Tưởng là em bà Xanh) được quyền sử dụng hơn 7.000m2 đất trên và sở hữu tất cả công trình xây dựng, cây trái có trên đất. Vợ chồng bà Lưới phải thanh toán cho bà Lê Thị Xanh 7.463.912 đồng. Bà Xanh và những người có trong hộ khẩu của bà được ở trong ngôi nhà tranh chấp 12 tháng kể từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn phải giao trả nhà đất cho vợ chồng bà Lưới.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lê Thị Xanh và người nhà đã khiếu nại bản án phúc thẩm. Tháng 9-2010, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh xét xử sơ thẩm lại. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đồng tình với nội dung kháng nghị.
. Xét xử giám đốc thẩm: Hủy cả bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm
Theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, nguồn gốc nhà đất hiện đang tranh chấp tại thôn Phú Bình (Vĩnh Thạnh, Nha Trang) là của vợ chồng cụ Lê Chỉnh (chết năm 1990) và Lê Thị Ngại (chết năm 1999). Hai cụ có 6 con chung là các bà: Lê Thị Xanh, Lê Thị Màu, Lê Thị Tiếm, Lê Thị Sanh, Lê Thị Lợi và ông Lê Kim Tưởng. Sau khi cụ Chỉnh chết, ngày 24-1-1991, cụ Ngại và các con lập tờ di chúc bất động sản để lại nhà, đất cho vợ chồng ông Tưởng, bà Lưới. 2 ngày sau, cụ Ngại và các con lại làm giấy ủy quyền cho bà Xanh trông coi nhà đất vì vợ chồng bà Lưới không thể trực tiếp canh tác đất đai, thờ cúng ông bà, phụng dưỡng cụ Ngại. Các giấy tờ trên có điểm chỉ của cụ Ngại, chữ ký của các con cùng 2 nhân chứng và chứng thực của UBND xã Vĩnh Thạnh. Căn cứ những giấy tờ trên, vợ chồng bà Lưới cho rằng, nhà đất đang tranh chấp là của mình nhưng đến nay vẫn chưa làm thủ tục sang tên nhà đất. Trong khi đó, bà Xanh khai là không biết chữ nên không ký vào các giấy tờ trên. Một nhân chứng khai không chứng kiến việc ký các giấy tờ đó, còn chính quyền địa phương xác nhận là chứng thực sau khi hỏi lại nhân chứng nên chưa đủ căn cứ xác định bà Xanh đã đồng ý nhường kỷ phần hưởng thừa kế mà bà được hưởng từ cụ Chỉnh cho vợ chồng ông Tưởng. Thực tế, từ năm 1991, bà Xanh trực tiếp quản lý nhà đất và phụng dưỡng cụ Ngại. Năm 1992, bà Xanh kê khai, đăng ký nhà đất nhưng cụ Ngại và các thừa kế là chị em bà Xanh không phản đối (trừ vợ chồng ông Tưởng đang ở nước ngoài). Năm 1993, UBND TP. Nha Trang đã cấp GCNQSDĐ toàn bộ diện tích cho bà Xanh.
Theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, lẽ ra, khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp phải làm rõ bà Xanh có biết chữ hay không? Nếu bà Xanh không ký tên đồng ý nhường kỷ phần thì phải xác định bà Xanh có quyền thừa kế tài sản của cụ Chỉnh. Tòa án cũng cần xác minh có hay không việc cụ Ngại đồng ý để bà Xanh đăng ký, kê khai nhà đất. Nếu cụ Ngại đồng ý thì phải xác định cụ Ngại đã thay đổi ý chí, cho bà Xanh phần tài sản của cụ (bao gồm cả phần được thừa kế từ chồng) nên phải công nhận bà Xanh được sở hữu phần tài sản của cụ Ngại. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm công nhận vợ chồng ông Tưởng, bà Lưới có quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất có tranh chấp là chưa đủ chứng cứ.
Hơn nữa, thực tế, vợ chồng bà Lưới, ông Tưởng định cư ở nước ngoài từ tháng 3-1991. Trong khi đó, bà Xanh là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất đã có công sức tôn tạo, bảo quản, duy trì, xây sửa lại; có công chăm sóc, phụng dưỡng cụ Ngại khi còn sống, lo mai táng khi cụ chết; ngoài nhà đất đang tranh chấp, mẹ con bà Xanh không có chỗ ở khác. Nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xem xét trích cho mẹ con bà Xanh một phần tương xứng với công sức và không xem xét đến nhu cầu nhà đất của mẹ con bà Xanh là không đúng. Mặt khác, thực tế, vợ chồng con trai bà Xanh là anh Nguyễn Thanh Nghị và chị Huỳnh Thị Phi Cơ đang cùng bà Xanh quản lý, sử dụng nhà đất có tranh chấp. Khi giải quyết, Tòa án hai cấp đã không đưa anh Nghị, chị Cơ tham gia tố tụng nhưng lại buộc bà Xanh và những người có cùng hộ khẩu với bà Xanh phải giao trả nhà đất cho ông Tưởng, bà Lưới là không đúng.
Vì thế, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy cả bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng lẫn án sơ thẩm của TAND tỉnh; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh xét xử sơ thẩm lại. Vụ án còn chưa được đưa ra xét xử sơ thẩm lại thì bà Xanh đã qua đời.
THIÊN DI