05:05, 22/05/2012

Tòa án không gây khó khăn cho đương sự

Từ năm 2010, một người dân ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã nhiều lần yêu cầu Tòa án và UBND thị xã Ninh Hòa giải quyết việc đòi quyền thừa kế (nhà, đất) do cha mẹ để lại. Nhưng do các cơ quan này bất đồng quan điểm về thẩm quyền giải quyết nên yêu cầu của dân chưa được giải quyết.

 

Từ năm 2010, một người dân ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã nhiều lần yêu cầu Tòa án và UBND thị xã Ninh Hòa giải quyết việc đòi quyền thừa kế (nhà, đất) do cha mẹ để lại. Nhưng do các cơ quan này bất đồng quan điểm về thẩm quyền giải quyết nên yêu cầu của dân chưa được giải quyết.

. Lòng vòng chuyện thẩm quyền

Theo đơn khiếu nại của bà Lê Thị Tiếp (sinh 1930, trú thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa), sinh thời, cha mẹ bà là ông Lê Kim Tùng (mất năm 1940) và bà Nguyễn Thị Côi (mất năm 2007) tạo lập được một thửa đất diện tích 730m2 tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa). Ngoài bà Tiếp là con út, cha mẹ bà còn có 2 người con nhưng đều đã mất. Sau khi cha mất, bà Côi - mẹ bà Tiếp có tái giá và sinh được 1 người con là ông Đặng Ngọc Sơn. Sau đó, người chồng thứ hai của bà Côi cũng mất, bà Côi và ông Sơn về ở tại căn nhà trên phần đất ở thôn Bình Thành nói trên. Từ năm 2007, sau khi bà Côi mất (không để lại di chúc), phần nhà, đất này do ông Đặng Ngọc Sơn quản lý, sử dụng. Năm 2010, bà Tiếp phát hiện ông Sơn tự ý phân lô đất do cha mẹ bà để lại để chia cho 6 người con của ông Sơn mà không nói gì với bà (lúc đó đang ở chỗ khác).

Bà Tiếp cho biết thêm, sau khi mẹ bà mất, ông Sơn còn làm giả giấy tờ, giả mạo chữ ký của mình để làm thủ tục hợp thức hóa quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với thửa đất do cha mẹ bà để lại. Hiện, thửa đất này đã được UBND thị xã Ninh Hòa cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đặng Ngọc Sơn và bà Trần Thị Thanh Tâm (người vợ thứ hai của ông Sơn).

Cuối năm 2010, bà Tiếp đã 2 lần đệ đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Ninh Hòa để đòi quyền thừa kế đối với tài sản do cha mẹ mình để lại; đồng thời yêu cầu làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ và chữ ký của bà Tiếp để hợp thức hóa QSDĐ của ông Đặng Ngọc Sơn. Tuy nhiên, sau đó, bà lại được TAND thị xã Ninh Hòa mời lên để… đề nghị rút đơn và hướng dẫn kiến nghị lên UBND thị xã Ninh Hòa thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Đặng Ngọc Sơn. Bà Tiếp đã nhiều lần có đơn gửi Chủ tịch UBND và các cơ quan chức năng của thị xã Ninh Hòa nhưng các cơ quan này lại hướng dẫn bà nộp đơn lên Tòa án để được giải quyết.

Điều này khiến bà Tiếp bức xúc và lúng túng, không biết phải “gõ cửa” cơ quan nào để được yêu cầu giải quyết vụ việc.

. Tòa án không gây khó khăn

Vụ việc trên đã được Báo Khánh Hòa phản ánh qua bài viết “Vụ đòi quyền thừa kế ở xã Ninh Bình (Ninh Hòa): Người dân biết nhờ ai?” trong đó khẳng định, thẩm quyền giải quyết thuộc TAND thị xã Ninh Hòa. Sau khi báo phát hành, ngày 24-8-2011, UBND thị xã Ninh Hòa có văn bản phúc đáp đơn kiến nghị của bà Tiếp, hướng dẫn bà khởi kiện lên TAND thị xã Ninh Hòa để được giải quyết.

Bà Tiếp đã nộp đơn khởi kiện lên TAND thị xã Ninh Hòa và được cơ quan này nhận hồ sơ. Tuy nhiên, đến 17-4-2012, bà được thẩm phán Nguyễn Trí Dũng mời lên làm việc và giải thích rằng, vụ việc của bà rất khó giải quyết, tuy nhiên không nói rõ Tòa án có thụ lý hay không. Điều này một lần nữa khiến bà Tiếp bức xúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi nhận đơn khởi kiện của bà Tiếp, TAND thị xã Ninh Hòa đã phân công thẩm phán Nguyễn Trí Dũng thụ lý vụ việc. Trao đổi với chúng tôi về thắc mắc của bà Tiếp, thẩm phán Nguyễn Trí Dũng giải thích: “Theo quy định của pháp luật, vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy trong biên bản hòa giải của chính quyền địa phương, ông Đặng Ngọc Sơn đã chấp nhận nhượng một phần đất trong tổng diện tích đất mà vợ chồng ông đã được cấp quyền sử dụng (mà bà Tiếp cho rằng đó là tài sản thừa kế - P.V) để bà Tiếp có nơi thờ cúng tổ tiên. Mặt khác, do cha bà Tiếp đã mất từ lâu; mẹ bà Tiếp, khi còn sống đã ký giấy cho ông Sơn toàn bộ phần đất này nên rất khó cho bà Tiếp trong việc cung cấp chứng cứ để chứng minh phần nhà, đất nói trên là do cha mẹ bà đồng tạo lập. Vì vậy, chúng tôi đã mời đương sự lên giải thích, phân tích các điểm bất lợi và khó khăn của đương sự… Trên cơ sở đó, bà Tiếp có thể lựa chọn: hoặc các bên tự nguyện thỏa thuận, hoặc để Tòa án phân xử. Đây là vấn đề thuộc về chuyên môn chứ không phải Tòa cố tình gây khó khăn cho đương sự. Hiện, Tòa vẫn giữ đơn khởi kiện của bà Tiếp; nếu đương sự quyết tâm khởi kiện, Tòa sẽ thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật”.

NAM ANH