12:05, 17/05/2012

Nâng cao cảnh giác với tội phạm cướp giật

Thời gian gần đây, tội phạm cướp giật có chiều hướng gia tăng; tính chất, thủ đoạn phạm tội cũng xảo quyệt, manh động hơn. Để bảo vệ tài sản của mình, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại phạm tội này.

Thời gian gần đây, tội phạm cướp giật có chiều hướng gia tăng; tính chất, thủ đoạn phạm tội cũng xảo quyệt, manh động hơn. Để bảo vệ tài sản của mình, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại phạm tội này.

. Những thủ đoạn thường gặp

Cách đây không lâu, trên đường đi bộ về nhà, chị Nguyễn Thị Ái (hẻm 13, đường Phùng Hưng, phường Phước Long, TP. Nha Trang) đã bị 2 thanh niên đi xe máy giật mất chiếc túi xách. Trong túi có hơn 2 triệu đồng và 1 điện thoại di động di động hiệu Nokia. Vụ cướp giật diễn ra vào khoảng 22 giờ - thời điểm đã vắng người đi lại. Ngay khi bị giật đồ, chị Ái đã đuổi theo, tri hô nhưng khi người dân sống quanh khu vực nghe tiếng và chạy ra thì bọn tội phạm đã phóng xe đi mất dạng. Bản thân người bị hại, tuy đã cố gắng quan sát biển số xe, nhưng vì đối tượng chủ động che biển số nên không thể xác định.

Tương tự trường hợp của chị Ái, vào khoảng 5 giờ ngày 22-3-2012, bà Thái Tú Quỳnh (trú thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đang bày bàn ghế để bán cà phê gần khu vực Mả Vòng (TP. Nha Trang) thì bị 2 thanh niên đi xe máy giật mất sợi dây chuyền 1,5 chỉ vàng 18K đang đeo trên cổ. Sau khi bị giật, bà Quỳnh lập tức tri hô nhưng vì đường vắng nên đối tượng nhanh chóng tẩu thoát.

Các vụ cướp giật vừa nêu chỉ là số ít trong những vụ việc xảy ra trên địa bàn TP. Nha Trang thời gian vừa qua. Có thể thấy, thời gian mà bọn tội phạm hoạt động thường là vào buổi trưa, chiều tối hoặc về khuya (sau 21 giờ). Địa điểm mà chúng lựa chọn thực hiện thường là các quãng đường ít người qua lại vào những giờ nhất định và dễ tẩu thoát khi bị phát hiện, truy đuổi. Mục tiêu bọn tội phạm cướp giật nhằm vào chủ yếu là phụ nữ đang tham gia giao thông trên đường, mang theo túi xách bên người, treo trên xe hoặc có các sơ hở về quản lý tài sản; những người đến giao dịch tại ngân hàng, kho bạc, đi chợ về… Thậm chí, bọn chúng còn theo dõi, áp sát phụ nữ tập thể dục trên đường vào ban đêm, có mang theo trang sức giá trị hoặc người đi đường đang sử dụng điện thoại. Ở TP. Nha Trang, các tuyến đường Trần Phú (đoạn từ Sailing club đến Quảng trường 2-4), Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, 23-10 (khu vực Mả Vòng), Lê Hồng Phong… là những tuyến đường thường xảy ra cướp giật.

. Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh

Trước tình trạng tội phạm cướp giật ngày càng gia tăng, thời gian vừa qua, lực lượng Công an và cả chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và phần nào kiềm chế được loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, vì người dân thiếu cảnh giác nên các đối tượng cướp giật tiếp tục hoạt động trở lại với tính chất, hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh và nguy hiểm hơn. Để đấu tranh với tội phạm cướp giật, lực lượng Công an đã gặp không ít khó khăn. Đáng nói, trong quá trình đấu tranh với tội phạm, một trong những yếu tố khiến cơ quan Cảnh sát điều tra gặp trở ngại chính là ý thức của người dân. Đa số nạn nhân của những vụ cướp giật thường có tâm lý “sự đã rồi” nên ít đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Tâm lý đó đã làm giảm vai trò tố giác tội phạm của nhân dân. Cơ quan Công an cũng vì thế mà không kịp thời nắm bắt được hành tung và địa bàn gây án của kẻ phạm tội. Khi lực lượng chức năng phát hiện được sự việc thì những đối tượng phạm pháp đã di chuyển đến địa bàn mới để tiếp tục gây án.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp giật, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là với phụ nữ và trẻ em; khi ra đường không nên mang theo vàng bạc, tài sản giá trị trên người để các đối tượng cướp giật không có điều kiện phạm tội. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là các phong trào tổ dân cư, thôn, khối phố phòng, chống tội phạm. Đồng thời, phát huy ý thức trách nhiệm của cộng đồng, của người tham gia giao thông trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các tình huống cướp giật trên đường, không để đối tượng phạm tội có cơ hội tẩu thoát sau khi gây án. Ngoài ra, các địa phương và ngành Công an cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, quản lý chặt chẽ các cơ sở lưu trú, không để những đối tượng cướp giật từ nơi khác đến cư trú trên địa bàn rồi chờ thời cơ gây án. Các ngành chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, truy bắt nóng các đối tượng cướp giật khi có án xảy ra; xử phạt nghiêm khắc nhằm răn đe các đối tượng khác.

HẠ LINH