07:05, 14/05/2012

Công cụ bảo đảm dân chủ

Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo của mình.

Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo của mình. Luật đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, Luật này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết nên ngày 11-11-2011, Quốc hội đã quyết định tách Luật này để xây dựng 2 luật riêng biệt là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một vài điểm mới quan trọng của Luật Khiếu nại.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ khiếu kiện kéo dài không được giải quyết chỉ vì một quy định mơ hồ. Ví dụ: Bà S khiếu nại về việc UBND thị trấn lấy đất của bà đang sử dụng để làm chợ. Bà khiếu nại đến UBND thị trấn thì bị bác đơn, bà khiếu nại lên UBND huyện thì chẳng thấy hồi âm. Bà kiên trì lên hỏi thì nhận được một thông báo cho biết UBND huyện không chấp nhận đơn khiếu nại vì đất của bà không có nguồn gốc rõ ràng. Bà S gửi đơn đến UBND tỉnh để khiếu nại tiếp thì cơ quan này không thụ lý vì lý do UBND huyện chưa ban hành quyết định giải quyết và hướng dẫn về lại UBND huyện. UBND huyện cũng không thụ lý vì đã trả lời rồi. Sự việc cứ thế kéo dài…

Mấu chốt của tình trạng trên là do Luật Khiếu nại, tố cáo quy định khi công dân khiếu nại thì UBND cấp huyện phải giải quyết lần đầu bằng quyết định hành chính. Trong trường hợp này, vì UBND huyện ra thông báo trả lời nên văn bản đó xét về mặt pháp lý chưa phải là quyết định hành chính nên công dân không thể thực hiện quyền tiếp khiếu hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính theo quy định của pháp luật. Đó là một điểm bất cập của Luật Khiếu nại, tố cáo. Vì thế, Luật Khiếu nại lần này sẽ có những thay đổi mang tính cơ bản để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Điểm mới cơ bản của Luật là làm rõ khái niệm thuật ngữ “quyết định hành chính”. Khác với cách hiểu theo nghĩa đen như Luật cũ quy định, thuật ngữ này được quy định: là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành để quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động hành chính Nhà nước được áp dụng một lần với một hoặc một số đối tượng cụ thể có thể được hiểu là những thông báo, văn bản trả lời của UBND huyện hay Chủ tịch UBND huyện cũng được xem là “quyết định hành chính”. Quy định này được hy vọng sẽ “cởi trói” cho những vụ việc kéo dài vì cách giải quyết không đúng luật của các cơ quan hành chính.

Để mở rộng quyền và cơ hội lựa chọn cho cá nhân, tổ chức, Luật cho phép họ khởi kiện ra Tòa hành chính trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại. Điều này có nghĩa là, nếu trước đây, công dân thấy quyết định hành chính xâm phạm đến quyền lợi của mình thì bắt buộc phải khiếu nại đến người ra quyết định đó trước, nhưng bây giờ họ có thể lựa chọn: khiếu nại hoặc kiện thẳng ra Tòa hành chính. Bên cạnh đó, trước đây, pháp luật không thừa nhận khiếu nại tập thể nhưng bây giờ đã cho phép nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Kèm với đó, Luật cũng đã quy định những thủ tục để giải quyết loại khiếu nại này, nhất là quy định riêng về người đại diện trong trường hợp khiếu nại nhiều người.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mở thêm các quyền cho cá nhân, tổ chức, Luật cũng quy định thêm một số trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết, cụ thể là những quyết định nội bộ của cơ quan hành chính hoặc quyết định thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, đã có văn bản đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại. Luật cũng quy định rõ thêm quyền và nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt là người khiếu nại có quyền ủy quyền cho luật sư thực hiện quyền khiếu nại của mình hoặc có thể nhờ trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ trong quá trình khiếu nại. Vì thế, Luật cũng quy định địa vị pháp lý của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong lĩnh vực này.

Lâu nay, vẫn có tình trạng cơ quan giải quyết khiếu nại thường chậm trễ và thiếu minh bạch trong quá trình giải quyết khiếu nại của cá nhân, tổ chức, nhưng Luật mới đã có những sửa đổi về thẩm quyền cũng như thủ tục giải quyết khiếu nại để đảm bảo tính công khai, dân chủ và nhanh chóng trong việc giải quyết khiếu nại. Cụ thể như việc xác minh nội dung khiếu nại, đối thoại khi giải quyết khiếu nại. Đặc biệt việc đối thoại là không bắt buộc khi giải quyết lần đầu nhưng là bắt buộc khi giải quyết lần 2. Điều này ngược hoàn toàn so với luật cũ. Và nếu ở vụ việc phức tạp thì người giải quyết khiếu nại lần 2 có thể thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết, đồng thời phải công bố công khai quyết định giải quyết… Đây là nội dung rất mới của Luật Khiếu nại và điều này sẽ hạn chế cách giải quyết một chiều từ phía các cơ quan hành chính Nhà nước.

Trước đây, việc thực hiện các quyết định giải quyết cũng khá phức tạp. Vì thế, với việc xác định rõ những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, Luật Khiếu nại sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Khi Luật Khiếu nại có hiệu lực thì thực tế Luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực. Vì thế, Luật Khiếu nại cũng quy định về quyền khởi kiện hành chính cho phù hợp với Luật Tố tụng hành chính. Đây là quy định hoàn toàn mới. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không bắt buộc phải khiếu nại trước rồi mới được khởi kiện như trước. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức chọn phương án khiếu nại lần đầu (và kể cả lần 2) nhưng sau đó không đồng ý với cách giải quyết của cơ quan hành chính thì vẫn có quyền khiếu kiện ra Tòa án. Luật Khiếu nại có hiệu lực từ ngày 1-7-2012, đối với khiếu nại được thụ lý giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

LÊ MINH