Thực tiễn giải quyết án dân sự, có nhiều vụ, đương sự cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Tuy pháp luật tố tụng dân sự quy định tòa án có thẩm quyền xử lý, nhưng thực tế, hầu như Tòa án chưa ra quyết định xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Thực tiễn giải quyết án dân sự, có nhiều vụ, đương sự cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Tuy pháp luật tố tụng dân sự (TTDS) quy định tòa án có thẩm quyền xử lý, nhưng thực tế, hầu như Tòa án chưa ra quyết định xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Vụ kiện dân sự chia tài sản chung giữa nguyên đơn là ông N.X.D, bị đơn là bà N.T.B, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông N.X.S là một ví dụ.
Khi giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh chỉ định giá được giá trị quyền sử dụng đất tranh chấp, không định được giá trị nhà trên đất do đương sự bất hợp tác. Vì vậy, khi xét xử, án sơ thẩm chỉ phân chia giá trị quyền sử dụng đất là tài sản chung cho các bên đương sự, còn giá trị phần xây dựng nhà phải tách ra giải quyết bằng vụ kiện khác. Sau đó, chính đương sự có hành vi cản trở việc định giá tài sản lại gửi đơn kháng cáo, đề nghị hủy án, với lý do tòa án cấp sơ thẩm không định giá tài sản tranh chấp là “vi phạm nghiêm trọng TTDS”...
Vừa qua, tại phiên xử phúc thẩm vụ kiện này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng đã phát biểu quan điểm không chấp nhận yêu cầu hủy án, bởi Tòa án cấp sơ thẩm không vi phạm thủ tục tố tụng. Việc Tòa không định giá được là do đương sự có hành vi trái pháp luật, cản trở Hội đồng định giá thực hiện việc định giá tài sản tranh chấp. Đồng tình với quan điểm này, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên bác đơn kháng cáo của đương sự.
Thực tiễn giải quyết án dân sự, có nhiều trường hợp cản trở tòa án trong quá trình thu thập chứng cứ, nhưng chưa có vụ nào, Tòa án xử lý đương sự có hành vi trái pháp luật, cản trở hoạt động TTDS. Những bất cập này đã tồn tại nhiều năm kể từ ngày Bộ luật TTDS và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) có hiệu lực. Ngành Tòa án cũng đã kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Hà cho biết: Tại Chương XXXII Bộ luật TTDS năm 2005 có quy định về việc tòa án xử lý các hành vi cản trở hoạt động TTDS như: Cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, vi phạm nội quy phiên tòa, không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ cho tòa. Theo Điều 390 Bộ luật TTDS, thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động TTDS do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành một pháp lệnh về những nội dung trên và đây sẽ là căn cứ pháp lý để tòa áp dụng đối với người vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, pháp lệnh này vẫn chưa ra đời. Mặt khác, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn thi hành Chương XXXII Bộ luật TTDS. Bên cạnh đó, mặc dù Điều 40 Pháp lệnh Xử lý VPHC quy định thẩm quyền xử lý vi phạm của tòa nhưng chỉ là quy định chung. Trong khi Điều 2 Pháp lệnh này lại quy định: “Chính phủ quy định hành vi VPHC, hình thức xử phạt trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước…”. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ cũng chưa ban hành Nghị định nào điều chỉnh nhóm hành vi VPHC trong hoạt động tố tụng của Tòa án.
Việc Tòa không xử lý hành vi cản trở hoạt động TTDS đã ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Nhiều vụ án không được giải quyết đúng thời hạn, bị hủy án, xử đi xử lại nhiều lần cũng do tòa không thể thẩm định, định giá tài sản tranh chấp khi mà đương sự bất hợp tác. Không chỉ các cấp tòa mệt mỏi, quyền lợi chính đáng của người liên quan ngay tình cũng bị xâm phạm. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các văn bản về thủ tục, thẩm quyền xử phạt, hình thức phạt, mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động TTDS là rất cần thiết.
H.H
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị Tòa án quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật:
a) Làm giả, hủy hoại những chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án;
b) Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật;
c) Từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu;
d) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
đ) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
e) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa khi dịch;
g) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tiến hành tố tụng; đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở người tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ do Bộ luật này quy định;
h) Các hành vi vi phạm khác mà pháp luật có quy định.
2. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án tạm giữ hành chính người có hành vi vi phạm.
(Trích Điều 385 Bộ luật TTDS 2005)