Hàng chục năm nay, tại khu vực ven sông Vĩnh Trường, tình trạng người dân lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý để xây cất nhà cửa diễn ra khá phổ biến.
Hàng chục năm nay, tại khu vực ven sông Vĩnh Trường, tình trạng người dân lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý để xây cất nhà cửa diễn ra khá phổ biến. Tuy vậy, thực tế giải quyết những trường hợp này không đơn giản bởi nhiều lý do, trong đó có chuyện hộ dân không có đất ở, không còn nơi ở nào khác nếu bị cưỡng chế. Có trường hợp, một mảnh đất mà có nhiều hộ dân cùng lấn chiếm và xảy ra tranh chấp. Trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Tổ dân phố 26, cụm dân cư Bình Tân, Vĩnh Trường (nay là tổ 2 Bình Tân, Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) trước đây có diện tích chủ yếu là mặt nước. Lúc đó, do nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhiều người dân đã tự ý bồi đắp đất, cất nhà tạm để sinh sống tại đây. Năm 1993, bà Phạm Thị Tám đã mua lại của bà Trần Thị Diễn một lô đất như vậy tại tổ dân phố 26, cụm dân cư Bình Tân, Vĩnh Trường. Đây là mảnh đất bồi, thấp trũng, bà Tám phải nâng nền và tạo lập mặt bằng. Vấn đề là không riêng bà Tám mà cả bà Huỳnh Thị Quýt cũng thực hiện công việc tương tự trên cùng lô đất đó.
Không ít hộ dân ở khu vực ven sông Vĩnh Trường đang sinh sống trên đất do Nhà nước quản lý. |
Điều này đã dẫn đến tranh chấp và sự việc được đưa lên chính quyền. Ngày 20-5-1995, UBND TP. Nha Trang đã quyết định bác đơn tranh chấp, đồng thời thu hồi lô đất này (diện tích 270,6m2) và giao cho UBND phường Vĩnh Trường quản lý. Tuy đã có quyết định giải quyết rõ ràng, đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nhưng thực tế, tranh chấp giữa bà Tám và bà Quýt vẫn còn âm ỉ.
Năm 2002, ông Phạm Anh Khoa - con trai bà Huỳnh Thị Quýt, đã xây dựng trên lô đất này một nhà tạm với kết cấu tường gạch, mái tôn. Công trình có diện tích 24m2 này trở thành “giọt nước tràn ly”. Bà Phạm Thị Tám đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng tố cáo việc xây cất này. Và UBND TP. Nha Trang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với ông Phạm Anh Khoa. Nhưng khi quyết định này còn chưa được thực hiện thì năm 2006, ông Khoa lại xây dựng thêm nhà bếp với diện tích cơi nới 8m2, cấu trúc vách cót, mái tôn. Lúc này, bà Phạm Thị Tám cho rằng, các cơ quan chức năng đã “làm ngơ” để người dân xây dựng nhà trái phép trên phần đất do Nhà nước quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thuận - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho biết: “Việc xây dựng nhà trên đất do Nhà nước quản lý xuất phát từ nhu cầu bức xúc về nhà ở. Đây là một trong số khá nhiều trường hợp trên địa bàn không có đất ở, không có nơi ở khác nên sinh sống trên đất do Nhà nước quản lý. Từ thực tế đó, UBND phường và Phòng Quản lý đô thị Nha Trang đã tham mưu cho UBND TP. Nha Trang tạm hoãn các quyết định cưỡng chế, yêu cầu các hộ dân này cam kết giữ nguyên hiện trạng để sử dụng và không đòi bồi thường nếu sau này Nhà nước thu hồi đất. Giữa tháng 2-2012, UBND phường đã tổ chức cuộc họp bàn phương án giải quyết trường hợp này. Tất cả các ý kiến đều nhận định, nếu giải tỏa hộ ông Phạm Anh Khoa thì phải giải tỏa tất cả trường hợp tương tự. Trong khi đó, phần lớn hộ dân khu vực này đều sinh sống trên đất lấn chiếm. Vì vậy, UBND phường đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Nha Trang”.
Được biết, cùng thời điểm ra quyết định cưỡng chế đối với hộ ông Phạm Anh Khoa (năm 2006), UBND TP. Nha Trang cũng đã ra quyết định cưỡng chế đối với 19 trường hợp khác tương tự trên địa bàn phường, trong đó khu vực tổ 2 Bình Tân chiếm gần 1/2. Nhưng những quyết định này đều chưa thực hiện được bởi người dân cam kết sẵn sàng trả lại đất không đòi bồi thường khi Nhà nước thu hồi.
Những trường hợp xây nhà trên đất do Nhà nước quản lý, đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phường Vĩnh Trường là khá phổ biến. Thậm chí, có những khu vực, số hộ có giấy tờ nhà đất hợp lệ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân nơi đây lại rất bức thiết.
Theo chúng tôi, việc tạm cho phép người dân tiếp tục sinh sống trên đất do Nhà nước quản lý tuy bước đầu giải quyết được nhu cầu chỗ ở cho người dân nhưng cũng chỉ là phương án tạm thời, không mang tính bền vững. Nên chăng, các cấp, ngành có thể dựa vào quy hoạch để xem xét từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào phù hợp với quy hoạch, đã ở ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, có đủ điều kiện thì có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này không những đảm bảo quyền lợi cho người dân mà cũng thuận lợi trong quản lý và xử lý tranh chấp phát sinh, nếu có.
HỒNG ĐĂNG