Ô tô của một công ty vận tải gây tai nạn làm 2 người chết. Án sơ thẩm tuyên buộc chủ xe và người quản lý xe phải liên đới bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của những người bị hại đã chết.
Ô tô của một công ty vận tải gây tai nạn làm 2 người chết. Án sơ thẩm tuyên buộc chủ xe và người quản lý xe phải liên đới bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của những người bị hại đã chết. Án phúc thẩm đã xử ngược lại, chủ xe không phải liên đới bồi thường do đã có thỏa thuận “trong trường hợp rủi ro do chủ quan người lao động gây ra thì phải tự giải quyết và chịu toàn bộ chi phí có liên quan”.
. Vụ tai nạn giao thông gây chết người
Khoảng 18 giờ 30 ngày 14-2-2011, Trần Xuân Diệp (sinh năm 1976, trú đội 13, xóm 4, Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An) điều khiển ô tô khách biển kiểm soát 37N-0482 lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Diên Khánh - Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đến Km 1439+600 thuộc địa phận xã Vĩnh Lương (Nha Trang), Diệp điểu khiển ô tô lấn sang phần đường ngược chiều để vượt một xe tải đi cùng chiều. Do thiếu quan sát khi vượt, xe của Diệp đã gây tai nạn với xe mô tô biển kiểm soát 79K5-9703 do anh Phạm Ngọc Khoa chở anh Nguyễn Tấn Nhàn lưu thông theo hướng Ninh Hòa - Diên Khánh. Tai nạn làm anh Khoa và anh Nhàn chết tại chỗ.
. Án sơ thẩm: Chủ xe và người quản lý liên đới bồi thường
Tòa án nhân dân TP. Nha Trang đã xử phạt bị cáo Trần Xuân Diệp 4 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ”. Về trách nhiệm bồi thường, án sơ thẩm nhận định: Ô tô biển kiểm soát 37N-0482 là của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển miền Trung (bị đơn dân sự trong vụ án) mua từ năm 2004 và đứng tên trên giấy đăng ký xe nên Công ty là chủ sở hữu xe. Ngày 1-1-2011, Công ty ký hợp đồng góp vốn kinh doanh vận tải hành khách với ông Nguyễn Đức Hải (sinh năm 1977, trú tổ 8, Yên Toàn, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Theo đó, ông Hải góp vốn 100% giá trị xe để khai thác vận tải xe khách hưởng mức khoán theo hình thức góp vốn kinh doanh. Ông Hải được quyền chọn thuê mướn người phục vụ trên xe với điều kiện đảm bảo pháp luật, tiêu chuẩn vận tải và ông Hải phải tự trả lương. Tuy nhiên, Công ty vẫn đứng tên chủ xe trên giấy đăng ký. Như vậy, hợp đồng góp vốn không làm thay đổi chủ sở hữu xe. Điều này phù hợp với thực tế là ngày 21-3-2011, Công ty đã có đơn xin đổi biển số xe và đã được Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An cấp biển số mới, sau đó Công ty đã bán xe này.
Theo hợp đồng góp vốn kinh doanh vận tải hành khách giữa Công ty và ông Hải, Công ty được “bố trí luồng tuyến theo tác nghiệp vận tải của đầu xe”. Như vậy, việc đưa ô tô trên tham gia kinh doanh vận tải phụ thuộc vào Công ty. Tại khoản 6 mục B điều 3 hợp đồng này còn có nội dung “Trong trường hợp rủi ro do chủ quan của người lao động gây ra thì phải tự giải quyết và chịu chi phí có liên quan”. Tòa sơ thẩm cho rằng, đây là thỏa thuận nhằm trốn tránh việc bồi thường của chủ sở hữu xe trong trường hợp xảy ra tai nạn. Mặt khác, trong hợp đồng còn quy định “Hình thức trả lương: Tiền lương ông Hải được trả trực tiếp cho từng chuyến xe…; được xét nâng lương và ký kết hợp đồng hợp tác nếu ông Hải chấp hành tốt các cam kết của hợp đồng này…”. Như vậy, trên thực tế, ông Hải là người làm công và được Công ty trả lương theo hợp đồng. Bị cáo Diệp chỉ là người được ông Hải thuê lái xe và được ông Hải trả tiền công. Cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 2 mục III Nghị quyết số 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao buộc Công ty và ông Hải phải liên đới bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của hai bị hại.
. Cấp phúc thẩm: Công nhận thỏa thuận chủ xe không phải bồi thường thiệt hại
Sau khi có kháng cáo, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tăng hình phạt đối với bị cáo Diệp lên 5 năm, cấm điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ xe mô tô 2 bánh và xe đạp điện) trong thời hạn 5 năm. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Công ty không bồi thường thiệt hại, buộc ông Hải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của 2 bị hại.
Cấp phúc thẩm cho rằng, tại hợp đồng góp vốn kinh doanh giữa Công ty và ông Hải, ông Hải đã góp vốn 100% giá trị xe. Xe thuộc sở hữu của Công ty và Công ty đã giao xe cho ông Hải chiếm hữu, sử dụng kể từ ngày 2 bên ký hợp đồng. Căn cứ khoản 6 mục B điều 3 hợp đồng góp vốn, ông Hải phải chịu mọi rủi ro do bị cáo Diệp gây ra, phải tự giải quyết và chịu bồi thường toàn bộ chi phí cho tai nạn. Cấp phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm nhận định thỏa thuận trên là trốn tránh việc bồi thường là không đúng, bởi lẽ: Thực tế từ khi góp vốn đến khi tai nạn xảy ra, ô tô nói trên được Công ty giao cho ông Hải chiếm hữu, sử dụng hợp pháp. Công ty thỏa thuận với người góp vốn và giao xe cho người góp vốn chiếm hữu, sử dụng, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 623 Bộ Luật Dân sự và điểm 2 mục III của Nghị quyết số 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
° Cần giám đốc thẩm
Trao đổi về nội dung vụ án, luật sư Lục Thị Thụy (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, án phúc thẩm đã “cứu” Công ty - chủ xe thoát trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, Công ty đã bán ô tô này theo yêu cầu rút vốn của ông Hải từ giai đoạn điều tra. Thời điểm xe gây tai nạn, Công ty có mua hợp đồng bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt - Chi nhánh Nghệ An. Theo mục 8.1, phần II Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22-12-2008 của Bộ Tài chính, khi tai nạn xảy ra, Công ty Bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe là công ty về các khoản tiền mà chủ công ty đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Thế nhưng khi xét xử, Tòa án hai cấp không đưa công ty bảo hiểm vào tham gia tố tụng và án phúc thẩm lại loại trừ trách nhiệm của chủ xe trong việc liên đới bồi thường là vi phạm tố tụng, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho gia đình người bị hại nên cần được xem xét giải quyết lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
T.L