03:04, 13/04/2012

Đình chỉ vụ án là đúng luật

Gần 2 năm trước, một vụ trọng án đã xảy ra tại xã Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) khiến một người dân thiệt mạng. Cơ quan tiến hành tố tụng đã lập tức điều tra, nhưng sau đó đình chỉ điều tra vì đối tượng gây án bị bệnh tâm thần.

Gần 2 năm trước, một vụ trọng án đã xảy ra tại xã Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) khiến một người dân thiệt mạng. Cơ quan tiến hành tố tụng đã lập tức điều tra, nhưng sau đó đình chỉ điều tra vì đối tượng gây án bị bệnh tâm thần. Do chưa nắm rõ căn nguyên, thấy kẻ gây án được trả tự do nên gia đình nạn nhân đã bức xúc và liên tục khiếu nại tới các cơ quan chức năng và cơ quan ngôn luận.

Vừa qua, Tòa soạn nhận được đơn khiếu nại của ông Lê Thanh Hoàng (trú thôn Tiên Ninh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) về việc cha ông bị một đối tượng trên địa bàn giết chết, nhưng cơ quan Công an xử lý vụ việc không dứt điểm, kẻ giết người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Theo đơn, sáng 27-8-2010, ông Lê Mậu (cha của ông Lê Thanh Hoàng) đến nhà con gái (ở cùng thôn). Khi ông Mậu đến chợ Tiên Ninh thì bị ông Trần Thiệu (trú thôn Tiên Ninh, xã Vạn Khánh) chặn xe, dùng rựa chém nhiều nhát khiến ông gục ngã tại chỗ. Ông Mậu đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Vạn Ninh, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng do bị nhiều vết thương nghiêm trọng, mất máu cấp nên ông đã tử vong sau đó 1 ngày. Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Vạn Ninh đã bắt giữ đối tượng Trần Thiệu, rồi chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng không hiểu vì sao, chỉ sau đó một thời gian ngắn, đối tượng Trần Thiệu lại được trả tự do, trở về địa phương. Gia đình nạn nhân rất bức xúc và cho rằng, các cơ quan tố tụng đã “nương tay” với kẻ gây án nên đã khiếu nại.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vụ án trên xảy ra ngày 8-8-2010, không phải ngày 27-8-2010 như ông Lê Thanh Hoàng trình bày trong đơn. 1 ngày sau khi vụ án xảy ra, ngày 9-8-2010, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thiệu về hành vi giết người; đồng thời thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng này để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nhận thấy đối tượng Trần Thiệu có biểu hiện hoang tưởng nên ngày 7-3-2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can Trần Thiệu, đề nghị Viện Giám định pháp y (GĐPY) tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam xác định đối tượng Trần Thiệu có bị bệnh tâm thần không và ở thời điểm gây án, đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự?

Ngày 24-3-2011, Viện GĐPY tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam đã có kết luận GĐPY đối với đối tượng Trần Thiệu. Cụ thể, về mặt y học: Trước, trong, sau khi gây án và tại thời điểm giám định, đương sự bị bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Về mặt pháp luật: Đương sự gây án do hoang tưởng chi phối, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Ngoài ra, cơ quan GĐPY cũng đề nghị cơ quan CSĐT Công an tỉnh áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng Trần Thiệu vì có hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Căn cứ vào kết luận giám định trên, ngày 5-4-2011, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Thiệu và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng Trần Thiệu; đồng thời giao cơ quan CSĐT Công an tỉnh đưa đối tượng này đi chữa bệnh bắt buộc tại Viện GĐPY tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam. Đến ngày 23-9-2011, Viện GĐPY tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam có biên bản GĐPY tâm thần, xác định bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng của Trần Thiệu đã ổn định, không cần phải tiếp tục điều trị bắt buộc. Do vậy, ngày 18-10-2011, VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Trần Thiệu và yêu cầu cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp nhận đối tượng này, giao cho chính quyền địa phương và gia đình chăm sóc, quản lý. Ngày 21-10-2011, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã đưa đối tượng Trần Thiệu về giao cho gia đình trước sự chứng kiến của Công an xã Vạn Khánh.

Như vậy, trình tự, thủ tục mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để giải quyết vụ án này là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật. Ngoài ra, theo thông tin từ gia đình nạn nhân, sau khi trở về, ông Trần Thiệu đã rời khỏi địa phương và hiện làm thuê cho một quán cơm trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), trong khi bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Đề nghị chính quyền địa phương và gia đình ông Trần Thiệu có biện pháp chăm sóc, quản lý ông chặt chẽ hơn để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

NAM ANH