10:04, 12/04/2012

Làm giảm hiệu quả giải quyết

Gần đây, tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này đang gây phức tạp cho cơ quan tiếp dân của cấp huyện, cấp tỉnh… vì số lượng đơn thư phải xử lý nhiều.

 

Gần đây, tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này đang gây phức tạp cho cơ quan tiếp dân của cấp huyện, cấp tỉnh… vì số lượng đơn thư phải xử lý nhiều.

 

Trong một lần giải quyết đơn, thư khiếu nại của bà Nguyễn Thị Đường (trú xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước thái độ vô cùng bức xúc của bà. Bà Đường nói, nếu vụ việc không được giải quyết triệt để, bà sẽ chuẩn bị cơm gạo ra “nằm ngoài Trung ương để quyết tử”. Thoạt nghe, chúng tôi thầm nghĩ, chắc bà phải có oan ức ghê gớm lắm; nhưng khi tìm hiểu nội dung vụ việc mới vỡ lẽ, nguyên nhân khiến bà Đường bức xúc chỉ là do mâu thuẫn trong gia đình nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Bà Đường cho biết, đã gần 3 năm, bà liên tục có đơn gửi tới UBND xã, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết việc người chồng thường xuyên đánh đập bà. Đến nay, bà vẫn chưa nhận được hồi âm của bất cứ cơ quan nào. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, bà Đường đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện vượt cấp lên cơ quan tiếp dân của tỉnh. Riêng năm 2011, bà đã 4 lần gửi đơn tới Thanh tra Nhà nước. Trong đó, có một lần, bà ra tận Hà Nội để trực tiếp nộp đơn.

Thời gian vừa qua, cũng có một số đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) nhiều lần gửi đơn khiếu kiện tới các cơ quan Trung ương. Các trường hợp này chủ yếu do có tranh chấp đất đai. Thực ra, vấn đề mà người dân khiếu nại đang được UBND xã Cam Phước Tây và UBND huyện Cam Lâm phối hợp giải quyết, nhưng trong thời gian chờ giải quyết, người dân lại liên tiếp gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan cấp cao hơn. Điều đó khiến cho chính quyền địa phương, ngoài việc giải quyết đơn thư, còn phải dành thêm thời gian để nhận đơn, soạn thảo công văn trả lời… cho các cơ quan khác.

Việc người dân khiếu kiện vượt cấp thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về thủ tục, thẩm quyền và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Từ đó nảy sinh tâm lý: đơn gửi đến cấp càng cao thì càng nhanh được giải quyết, thậm chí, càng đảm bảo được quyền lợi. Thực tế, gửi đơn vượt cấp không hề được giải quyết nhanh chóng mà còn khiến tình hình thêm phức tạp. Bởi theo quy định, một vụ việc khi mới phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn, chưa đồng thuận… thì cấp cơ sở là nơi giải quyết đầu tiên. Nếu cấp này giải quyết không thỏa đáng hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết thì cấp trên trực tiếp mới tiếp tục xem xét. Việc khiếu kiện vượt cấp chỉ dẫn tới sự quá tải cho cơ quan giải quyết đơn thư cấp trên mà hiệu quả giải quyết không cao.

Qua xem xét phần lớn vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp của công dân, chúng tôi còn nhận thấy, đa số đều nảy sinh từ xã, phường. Có những trường hợp vụ việc khá đơn giản, nhưng do việc giải quyết chưa triệt để, thiếu nghiêm túc, khiến người dân bất bình và gửi đơn vượt cấp lên chính quyền và cơ quan cấp trên. Thực tế này cũng cho thấy, nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở. Ngược lại, nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết qua loa, không đúng thì người dân sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở nên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết. Đó là chưa kể, ở một số địa phương, cán bộ làm công tác tiếp dân còn chưa làm hết trách nhiệm, hồ sơ, đơn, thư của người dân chậm được xem xét, thậm chí lại đùn đẩy từ cơ quan này sang cơ quan khác. Trình độ của nhiều cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn non kém, giải quyết sự việc không đúng chính sách, pháp luật. Một số ít cán bộ có thái độ tiếp công dân chưa đúng mực…

Để hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp, chính quyền cấp cơ sở cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, làm tốt công tác dân vận. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc vấn đề. Người dân cũng cần tìm hiểu và nắm rõ quyền của mình để xác định trường hợp nào thì được khiếu kiện lên cấp trên, trường hợp nào không. Muốn vậy, công tác tuyên truyền pháp luật cũng cần được tăng cường.

LAM ĐIỀN

 

 

Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa: Điều 7 Luật Khiếu nại, Tố cáo quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.

 

Khi khiếu nại, tố cáo, nếu người dân không tuân thủ trình tự, gửi vượt cấp thì sẽ làm mất thời gian, cuối cùng vẫn phải quay về nơi đã ra các quyết định hành chính mà người khiếu nại cho rằng trái pháp luật để giải quyết lần đầu theo quy định của pháp luật. Các trường hợp phức tạp, người khiếu kiện có thể đến gặp cán bộ tư pháp tại địa phương hoặc các luật sư, luật gia để được tư vấn về trình tự khiếu kiện nhằm tránh trường hợp khiếu kiện đến nơi không đúng thẩm quyền giải quyết.