10:04, 22/04/2012

Hủy án sơ thẩm vì xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện

Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, yêu cầu đó.

Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, yêu cầu đó. Đây là nguyên tắc cơ bản, cần tuyệt đối tuân thủ trong hoạt động xét xử dân sự. Tuy nhiên, quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện ở Tòa án cấp sơ thẩm đã xuất hiện những sai phạm: Không thụ lý đơn yêu cầu phản tố của bị đơn và người liên quan, xử vượt quá yêu cầu khởi kiện… Kết quả xét xử phúc thẩm mới đây kết luận, việc không tuân thủ các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự (TTDS) của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Bản án sơ thẩm số 04 ngày 12-9-2011 Tòa án nhân dân (TAND) huyện Khánh Vĩnh xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ích; bị đơn là ông Nguyễn Thành Cát và bà Nguyễn Thị Mùi; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn Thanh và bà Nguyễn Thị Hồng (các bên đương sự đều trú tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh). TAND đã tuyên xử buộc bị đơn phải giao lại 1.420m2 đất thuộc tờ bản đồ số 1, thửa 103 tại thôn Tây, xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) cho nguyên đơn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Khánh Vĩnh cấp ngày 25-6-2004, buộc nguyên đơn phải thanh toán hơn 170 triệu đồng cho bị đơn…

Ngay sau đó, tất cả đương sự trong vụ án đều kháng cáo. Cụ thể: Nguyên đơn đề nghị giảm tiền thanh toán (giá trị nhà đất); nguyên đơn chỉ tranh chấp 413m2 đất gắn liền nhà của bị đơn, nhưng án sơ thẩm lại xử buộc bị đơn phải trả 1.420m2 là vượt quá yêu cầu khởi kiện, đề nghị sửa án sơ thẩm. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cả về thủ tục và nội dung: Trong quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có đơn yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập với nguyên đơn, đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết. Tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự vẫn có yêu cầu này, nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) lại tách ra, giải quyết bằng vụ kiện khác là không khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự…

Trong các ngày 18, 19 và 20-4, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm vụ kiện này. Thực hiện quy định của BLTTDS mới sửa đổi, bổ sung, phiên tòa phúc thẩm có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh. Đại diện VKSND tỉnh đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTDS được quy định tại các Điều 5, 176, 177… Bộ Luật TTDS do lỗi chủ quan của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, xét xử quá yêu cầu khởi kiện, không thụ lý đơn yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập của bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, biên bản nghị án không đúng… Những vi phạm này, cấp phúc thẩm không thể khắc phục, do đó, những nội dung kháng cáo của các đương sự chỉ có thể xem xét giải quyết lại từ đầu theo thủ tục chung.

Sau 1 ngày nghị án, HĐXX đã chấp nhận quan điểm của đại diện VKSND, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ kiện cho TAND huyện Khánh Vĩnh thụ lý giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp trên chỉ là một ví dụ. Thời gian qua, Báo Khánh Hòa đã phản ánh một số vụ án dân sự bị xử hủy nhiều lần theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm. Có vụ kéo dài 10, 20 năm mà chưa có hồi kết. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thẩm phán và HĐXX đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTDS hoặc áp dụng pháp luật không đúng. Hậu quả của việc hủy án kéo dài gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự cũng như ảnh hưởng đến uy tín của những người “cầm cân nảy mực”. Hy vọng những sai phạm này sẽ được ngành Tòa án sớm khắc phục.

H.H

“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó…” (Điều 5 Bộ Luật TTDS)

Thời gian qua, một số vụ án dân sự đã bị xử hủy nhiều lần theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm. Có vụ kéo dài 10, 20 năm mà chưa có hồi kết. Nguyên nhân chủ yếu là thẩm phán và HĐXX đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTDS hoặc áp dụng pháp luật không đúng.