Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang vừa thụ lý lại (lần ba) vụ kiện “Yêu cầu hủy di chúc” bởi quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TAND Tối cao đã xử hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhận định một đằng, tuyên xử một nẻo.
Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang vừa thụ lý lại (lần ba) vụ kiện “Yêu cầu hủy di chúc” bởi quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TAND Tối cao đã xử hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhận định một đằng, tuyên xử một nẻo.
Năm 2008, ông Võ Nuôi và Võ Đổng, ở xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) khởi kiện ông Võ Chỉ. Theo đơn, nguồn gốc các lô đất thuộc thửa số 199 (nay là thửa 76), 129 (nay là thửa 111), 183 (nay là thửa 26 - 33) tại xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) là của vợ chồng ông Võ Văn Chữ và Lê Thị Nhung tạo lập từ năm 1963, để lại thừa kế cho ông Võ Văn Dệ. Sau khi ông Dệ chết, con trai ông Dệ là Võ Chỉ giữ và canh tác các thửa đất trên.
Trong 2 năm 1982 và 1991, ông Chỉ có văn bản giao nhà thờ cũng như các lô đất trên cho tộc họ Võ quản lý và đã đăng ký trong sổ địa chính xã Vĩnh Hiệp. Thực tế, tộc họ Võ đã sử dụng 4 lô đất trên canh tác, thu hoạch để cúng tổ tiên, giao cho ông Võ Nuôi quản lý, sử dụng…
Năm 2000, tộc họ Võ phát hiện ông Chỉ lập di chúc để lại toàn bộ đất đai và nhà thờ mà tộc họ Võ đang quản lý cho con trai là Võ Trễ. Vì vậy, các nguyên đơn đã đề nghị Tòa tuyên hủy một phần di chúc do ông Võ Chỉ lập ngày 7-11-1998…
. Các bản án tréo ngoe
Án sơ thẩm lần thứ nhất tuyên: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, hủy một phần di chúc của ông Võ Chỉ lập năm 1998.
Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm lại xử hủy bản án sơ thẩm, giao TAND TP. Nha Trang xét xử lại, với nhận định: Thực chất đây là vụ kiện tranh chấp quyền tài sản, trên cơ sở giải quyết quyền tài sản là đối tượng tranh chấp trong vụ án thuộc về ai, Tòa án mới xem xét di chúc của ông Võ Chỉ có xâm phạm đến quyền tài sản của tộc họ Võ hay không để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên di chúc vô hiệu. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn nhiều vi phạm về tố tụng dân sự khác như: Xác định tư cách khởi kiện của ông Võ Nuôi là cá nhân hay đại diện tộc họ, không thông báo hòa giải, không đo vẽ, thẩm định thực trạng tài sản tranh chấp...
Bản án sơ thẩm lần hai đã xử ngược lại với bản án sơ thẩm lần đầu. Cụ thể: Bác yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy một phần di chúc của ông Võ Chỉ lập năm 1998.
. Hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm
Ngày 5-7-2010, Tòa án cấp phúc thẩm xử lần hai, nhận định: Đủ căn cứ xác định vào năm 1982 và 1991, ông Võ Chỉ đã giao lại nhà thờ tộc họ Võ và các lô đất nêu trên cho tộc họ quản lý và sử dụng cho đến nay là có thật. Do đó, ông Võ Chỉ không có quyền lập di chúc định đoạt đối với các tài sản trên cho con trai là ông Võ Trễ. Di chúc của ông Võ Chỉ không hợp pháp vì các tài sản trên không thuộc quyền sở hữu và định đoạt của ông Võ Chỉ nên cần sửa án sơ thẩm.
Tuy nhiên, trong phần quyết định của bản án phúc thẩm này lại tuyên xử y án sơ thẩm: “Bác yêu cầu nguyên đơn về việc yêu cầu hủy một phần di chúc của ông Võ Chỉ”(!?)
Sau khi có bản án phúc thẩm, các nguyên đơn khiếu nại, đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng có báo cáo đề nghị giám đốc thẩm. Ngày 6-7-2011, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nhận định một đằng, tuyên xử một nẻo (Báo Khánh Hòa đã có bài phản ánh về vụ việc này).
Kết quả xét xử giám đốc thẩm của Tòa Dân sự - TAND Tối cao đã thống nhất với kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Các thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của tộc họ Võ. Ngày 7-11-1998, ông Võ Chỉ lập di chúc cho ông Võ Trễ (con trai ông Chỉ) thừa hưởng 3 thửa đất của tộc họ Võ, còn ngôi nhà thờ họ Võ trên thửa đất 129 giao cho tộc họ Võ làm nơi thờ cúng, có xác nhận của UBND xã Vĩnh Hiệp là xâm phạm tới quyền lợi của tộc họ Võ. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm còn nhận thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật “yêu cầu hủy di chúc” trong vụ án này là không đúng, vì thực chất, nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất đối với bị đơn. Ngoài ra, tòa sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào di chúc là bản photo không có xác nhận “đã đối chiếu bản gốc” của tòa án hay cơ quan công chứng để giải quyết là không phù hợp pháp luật. Vì vậy, quyết định giám đốc thẩm đã hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP. Nha Trang xử sơ thẩm lại theo quy định pháp luật.
Hy vọng, khi giải quyết lại vụ án này, tòa án các cấp sẽ có phán quyết xác đáng hơn.
H.H